Xã hội hóa trong bệnh viện công: Vì sao dễ dàng trục lợi?
Theo các chuyên gia cần thiết phải công khai giá thành các thiết bị y tế thuộc diện liên kết xã hội hóa trong các bệnh viện công để người dân giám sát, tránh nâng khống, trục lợi.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đang tiến hành điều tra vụ việc liên quan đến một số hành vi có dấu hiệu tội phạm trong việc thực hiện các đề án lắp đặt máy, thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai theo hình thức xã hội hóa.
Trên báo chí có phản ánh thông tin tình trạng nâng giá thiết bị y tế liên kết tại Bệnh viện Bạch Mai, có thiết bị chỉ có giá nhập hải quan là 7,6 tỉ đồng nhưng đã bị các đối tượng kê khống thành 40 tỉ đồng và lấy làm căn cứ thu tiền bệnh nhân để khấu hao.
Từ việc nâng khống như vậy thì số tiền người bệnh bị chiếm đoạt thông qua giá dịch vụ y tế không hề nhỏ.
Bị can Phạm Đức Tuấn (nam áo trắng) và bị can Ngô Thị Thu Huyền (nữ áo xanh đen) (Ảnh: Bộ Công an).
Vụ việc tuy đang trong quá trình điều tra, nhưng đã cho thấy được lỗ hổng trong quản lý công tác xã hội hóa trong các bệnh viện công, đặc biệt ở khâu liên kết với các doanh nghiệp bên ngoài đặt thiết bị y tế tại các bệnh viện công.
Bạch Mai là bệnh viện lớn nhất cả nước, quản lý có hệ thống còn để những lỗ hổng cho các cá nhân trục lợi như vậy thì đối với các bệnh viện lớn khác sẽ như thế nào?
Đến bao giờ người bệnh không bị rút ruột từ những dịch vụ trá hình như vậy là vấn đề mà dư luận đặt ra lúc này.
Bình luận về vụ việc này, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, Đại biểu Quốc hội khóa 13 bà Bùi Thị An chia sẻ, chủ trương xã hội hóa là hướng đi đúng nhưng xã hội hóa mà đi lệch theo kiểu móc nối, nâng khống, chia chác lợi ích là không thể chấp nhận.
Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện lớn còn vậy, các bệnh viện khác sẽ như thế nào. Cần thiết phải quy trách nhiệm cho lãnh đạo, xử lý đến gốc rễ, không thể có vùng cấm.
Để chấm dứt tình trạng này, đề nghị công khai hết các giá thành thiết bị y tế liên kết trong các bệnh viện công để người dân giám sát, đặc biệt tại các bệnh viện lớn.
Đồng quan điểm, một chuyên gia xin phép không nêu tên cho biết, doanh nghiệp trục lợi được là do cách quản lý bất cập hiện nay.
Theo đó, một thời gian dài để đưa các thiết bị y tế liên kết vào trong các bệnh viện công, doanh nghiệp thường khai khống lên ở mức gấp rưỡi hoặc gấp đôi giá trị.
Nếu hiện nay buộc các doanh nghiệp thực hiện công khai chứng từ, hóa đơn rõ ràng chứng minh giá trị các thiết bị y tế thì nhiều doanh nghiệp bị vướng trong việc giải trình.
Theo đúng quy trình thì xã hội hóa thì giá phải ở mặt bằng chung. Các doanh nghiệp thường có giá tương đương nhau. Tuy nhiên, trong vụ việc ở Bạch Mai việc xã hội hóa tương đối đặc chủng, máy móc được nâng khống giá trị là không phổ biến cho nên có thể bị đẩy giá cao lên gấp nhiều lần.
Mục đích của việc đẩy giá lên là để tính tiền khấu hao hoặc để tính giá dịch vụ cao nhằm rút tiền từ bệnh nhân. Còn đối với chi trả của bảo hiểm y tế thì không thể trục lợi bằng chiêu thức này. Bởi giá khám chữa bệnh do bảo hiểm y tế chi trả đã được cố định, không thay đổi.
Cũng liên quan đến việc khai giá các thiết bị y tế, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, ông Nguyễn Thanh, Giám đốc một công ty cung cấp các thiết bị y tế tại Hà Nội chia sẻ, trong tính giá bảo hiểm y tế các doanh nghiệp không thể trục lợi bằng cách này được, vì bảo hiểm quy định cứng về mức dịch vụ bao nhiêu thì phải thanh toán bấy nhiêu.
Nói về lỗ hổng để doanh nghiệp làm ăn bất chính có thể trục lợi, ông Thanh cho rằng, một thời gian dài máy móc thiết bị y tế theo diện xã hội hóa đặt ở bệnh viện không cần phải công khai hóa đơn mua hay giá nhập kê khai hải quan. Vì thế doanh nghiệp dễ lợi dụng, khai vống lên nhiều so với giá trị thực.
Lỗ hổng trong quản lý thể hiện ở việc không phải như mua bán phải bắt buộc xuất trình hóa đơn chứng minh mà doanh nghiệp chỉ cần kê khai giá, không cần xuất trình hóa đơn. Bệnh viện duyệt đề án, có thẩm định giá. Tuy nhiên giá như thế nào thì tính hoạch toán với bệnh viện, còn không cần phải xuất hóa đơn chứng minh.
Qua trao đổi với chuyên gia có thể thấy, không phải ngẫu nhiên người ta có thể nâng không được thiết bị y tế. Nguyên nhân từ yếu kém khâu quản lý cho nên để kẻ xấu trực lợi tiền từ bệnh nhân.
Thực tế xã hội hóa trong y tế một thời gian không rõ ràng từ phương pháp, cách thực hiện, hướng dẫn không đến nơi, đến chốn.
Nhiều người ví, xã hội hóa như cái sân rộng cứ chạy qua đi, đi đường nào cũng được. Sau đó hậu kiểm thì kẻ một đường nhỏ, bảo chạy như vậy mới đúng… Hiện nay có vẻ chặt chẽ, phức tạp hơn nhưng quy trình thực hiện vẫn không rõ ràng lắm!
Việc nâng giá trị của thiết bị y tế thì doanh nghiệp được khấu hao tài sản với số tiền nhận về hàng tháng. Khi ăn chia thì mua một tính là hai, ba giá dịch vụ đội lên, bệnh nhân sẽ chịu.
Được biết, kết quả điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định một số cá nhân tại Công ty cổ phần Công nghệ y tế BMS (Công ty BMS) và Công ty cổ phần Thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội (Công ty VFS) có thủ đoạn gian dối, câu kết hợp thức các thủ tục để nâng khống lên nhiều lần giá trị hệ thống thiết bị y tế đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết với Bệnh viện Bạch Mai, nhằm chiếm đoạt số tiền lớn của người bệnh.
Ngày 31-8-2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, Công ty BMS và các đơn vị có liên quan.
Đồng thời, ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Đức Tuấn (sinh năm 1979, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty BMS) và Ngô Thị Thu Huyền (sinh năm 1983, Phó Giám đốc Công ty BMS;
Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét, Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Trần Lê Hoàng (sinh năm 1978, Thẩm định viên Công ty VFS).
Các bị can nêu trên đều bị khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tập trung lực lượng điều tra, làm rõ hành vi vi phạm của các bị can, mở rộng điều tra làm rõ các sai phạm tại Bệnh viện Bạch Mai để xử lý nghiêm trước pháp luật và thu hồi tài sản phạm tội mà có.
Trinh Phúc
Link nguồn:
https://congluan.vn/xa-hoi-hoa-trong-benh-vien-cong-vi-sao-de-dang-truc-loi-post94682.html
Theo congluan.vn
Tin nổi bật
- Luật Thủ đô (sửa đổi): Đảm bảo kết nối, tương tác hiệu quả giữa mạng lưới cơ sở y tế quốc gia và địa phương
01/07/2024 - 10:15:06
- 15 năm thực hiện Luật BHYT: Số người tham gia tăng, quyền lợi mở rộng, chất lượng khám chữa bệnh ngày càng nâng cao
01/07/2024 - 09:54:28
- Sở Y tế TPHCM gặp khó khăn khi xử lý hành vi bán thuốc qua mạng
28/06/2024 - 10:01:12
- Chi tiết 5 chính sách lớn để phát triển công nghiệp dược, tăng tiếp cận thuốc mới của người dân
26/06/2024 - 14:39:35
- Thời gian cấp Giấy đăng ký lưu hành thuốc mới sẽ giảm từ 12 tháng xuống 9 tháng
24/06/2024 - 09:49:17
- Sửa đổi Luật Dược nhằm bảo đảm người dân được tiếp cận thuốc chất lượng, kịp thời, giá hợp lý
18/06/2024 - 16:02:13