Vụ bác sĩ dùng bia cứu người ngộ độc rượu: Bộ Y tế họp khẩn
Chiều 11/1, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp để thông tin về việc điều trị ngộ độc Methanol.
Theo Ths.Bs Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, Methanol là cồn thường sử dụng trong công nghiệp, bị nghiêm cấm sử dung trong pha chế, sản xuất rượu và thực phẩm.
BS Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai chia sẻ tại buổi họp báo.
"Ngộ độc Methanol khác hẳn ngộ độc Ethanol, loại ngộ độc này rất nguy hiểm thậm chí khiến mất mạng do không được cấp cứu kịp thời" - Bs Nguyên nói.
Cũng theo vị Bs này, Methanol khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành chất gây độc cho hệ thần kinh, gây tổn thương não, võng mạc dẫn đến mù lòa, nặng hơn là suy đa tạng và tử vong.
Hiện nay, trong xử lý ngộ độc Methanol có các giải pháp như cấp cứu hồi sức, thuốc giải độc và lọc máu. Trong đó, loại thuốc giải độc tốt nhất là Fomepizole nhưng loại thuốc này có giá thành đắt đỏ, vài ngàn USD/liều.
Nói về việc bác sĩ ở Quảng Trị dùng Ethanol đường uống như bia để giải độc, Bs Nguyên cho rằng đó chỉ là giải pháp tạm thời, làm chậm đi quá trình chuyển hóa của chất độc. Còn biện pháp hàng đầu vẫn là lọc máu.
Các chuyên gia khuyên rằng, tuyệt đối không được dùng cách giải độc này tại nhà mà phải có sự chỉ định của bác sĩ chuyên ngành.
Phó Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế Nguyễn Trọng Khoa khẳng định, không phải cứ uống bia vào là giải độc được rượu.
Ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế khẳng định: "Không phải cứ uống bia vào là giải độc được rượu; nếu đã ngộ độc Ethanol (có trong rượu, bia) mà vẫn tiếp tục uống rượu, bia (có Ethanol) thì mức độ ngộ độc càng nghiêm trọng".
Như Báo Tổ quốc đã đưa tin, trong 2 ngày 24 25/12/2018, BV Đa khoa tỉnh Quảng Trị này lần lượt tiếp nhận 3 bệnh nhân là L.V.X (64 tuổi), N.V.N (47 tuổi) và L.V.T (24 tuổi) đều trú tại huyện Triệu Phong (Quảng Trị).
Qua khai thác, cả 3 bệnh nhân này cùng dự liên hoan vào chiều 23/12/2018 và cùng uống chung một loại rượu. Triệu chứng ban đầu của các bệnh nhân là đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, mệt mỏi sau đó là vật vã, kích thích và hôn mê, suy hô hấp.
Bệnh nhân L.V.X được chẩn đoán nhiễm độc từ đường tiêu hóa, nghi ngờ do ngộc độc Methanol. Do tiên lượng nặng, các bác sĩ đã chuyển bệnh nhân này lên BV Trung ương Huế vào 5 giờ 30 phút ngày 25/12/2018. Còn hai bệnh nhân N.V.N và L.V.T được chẩn đoán theo dõi ngộ độc Methanol.
Trường hợp bệnh nhân N có hàm lượng Methanol trong máu 2.100 mg/lít, vượt hơn 10 lần ngưỡng gây ngộ độc. BV đã tiến hành xử trí theo phác đồ điều trị ngộ độc Methanol của Bộ Y tế, kiểm soát đường thở, hỗ trợ tuần hoàn và lọc máu cấp cứu để thải độc Methanol.
Bên cạnh đó, trong quá trình lọc máu thải độc, các bác sĩ đã sử dụng các biện pháp hỗ trợ khác, một trong số đó là truyền bia (có Ethanol) vào dạ dày qua ống thông. Sau 9 ngày điều trị, bệnh nhân bình phục hoàn toàn và xuất viện ngày 02/1/2019.
Thế Công
Tin nổi bật
- Kết quả đáng khích lệ từ Dự án của Bộ Y tế sau nửa chu kỳ thực hiện
10/11/2022 - 01:14:48
- Trường Đại học Y Dược thành lập Bộ môn Đột quỵ và Bệnh lý mạch máu não
07/11/2022 - 14:43:29
- Nhiều đề tài nghiên cứu của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức được vinh danh tại Hội nghị Khoa học và Công nghệ tuổi trẻ Ngành Y tế lần thứ XXI năm 2022.
07/11/2022 - 14:31:31
- Hội nghị khoa học Pháp – Việt: Tai Mũi Họng – Thính học năm 2022
07/11/2022 - 14:26:15
- Thứ trưởng Bộ Y tế dự lễ kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Bệnh viện E
18/10/2022 - 10:43:23
- Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế: Từ năm 2026 sẽ có vaccine tiêm phòng ung thư cổ tử cung miễn phí cho trẻ em gái
18/10/2022 - 10:37:02