Tử vong sau khi ăn tiết canh nhiễm liên cầu lợn: Cục Y tế dự phòng khuyến cáo gì?
Sốt cao, đau đầu, buồn nôn, ù tai, điếc, cứng gáy, rối loạn tri giác, xuất huyết… là biểu hiện của bệnh liên cầu lợn. Bệnh dễ nhiễm và tỷ lệ tử vong cao.
Mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận bệnh nhân M.V.N nhập viện trong tình trạng nhiễm khuẩn huyết, biến chứng suy đa tạng, nguy kịch do liên cầu lợn.
Được biết, trước đó, bệnh nhân có ăn tiết canh lợn. Sau khi có dấu hiệu mệt mỏi, sốt, đau bụng và đi ngoài phân lỏng bệnh nhân đã nhập viện trong tình trạng sốc, mạch nhanh 124 lần/phút, huyết áp tụt 60/30mmHg, sốt cao nhiệt độ 38,50C, đau bụng quanh rốn, nổi vân tím toàn thân, rải rác ban xuất huyết hoại tử vùng cẳng chân, lưng và bụng.
Bệnh nhân tử vong sau khi ăn tiết canh lợn. Ảnh minh họa
Theo các bác sĩ, bệnh nhân đã suy thận, rối loạn đông máu trầm trọng, có tình trạng nhiễm trùng nặng (Procalcitonin >100ng/ml), lactate tăng cao, khí máu toan chuyển hóa nặng.
Ngay khi tiếp nhận, bệnh nhân đã được bác sĩ xử trí bằng nhiều biện pháp hồi sức tích cực như thở máy, bù dịch, điện giải, thuốc vận mạch, kháng sinh phối hợp, lọc máu liên tục, điều chỉnh toan kiềm, rối loạn đông máu.
Tuy nhiên, khi nhập viện, bệnh nhân đã diễn biến quá nặng, dù tích cực hồi sức, tình trạng sốc, suy đa tạng khó cải thiện, bệnh tiến triển ngày càng nặng. Dù đã được lọc máu liên tục, bệnh nhân vẫn không qua khỏi.
Trước đó, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã liên tục cảnh báo tình trạng mắc bệnh liên cầu lợn do sử dụng tiết canh lợn. Tuy nhiên, việc sử dụng món ăn tươi sống này vẫn tiếp tục diễn ra, đặc biệt là dịp cận Tết nguyên đán.
Bệnh liên cầu lợn là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, lây truyền từ động vật sang người qua đường tiêu hóa. Biểu hiện của bệnh liên cầu lợn: sốt cao, đau đầu, buồn nôn, ù tai, điếc, cứng gáy, rối loạn tri giác, xuất huyết đa dạng ở một số nơi trên cơ thể. Bệnh dễ nhiễm và tỷ lệ tử vong cao. Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh.
Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, để phòng tránh bệnh liên cầu lợn, người dân không ăn tiết canh và sản phẩm từ thịt lợn chưa nấu chín.
Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh; không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.
Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn; thường xuyên rửa tay với xà phòng. Tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định. Khi có biểu hiện mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế được khám phá và điều trị kịp thời.
Tuệ Tĩnh
Tin nổi bật
- Cách để phòng tránh được biến chứng nguy hiểm của căn bệnh 7 triệu người Việt mắc
28/06/2024 - 09:55:38
- HỘI THẢO KHOA HỌC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO VÀ NĂNG LỰC QUẢN LÝ CHO ĐIỀU DƯỠNG TRƯỞNG KHOA TẠI CÁC CƠ SỞ KHÁM, CHỮA BỆNH
25/06/2024 - 18:15:39
- 46 ca tử vong do bệnh dại trong 6 tháng: 100% chết vì thiếu hiểu biết
06/08/2019 - 10:38:30
- Ứng dụng chữ ký số, chữ ký điện tử tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh như thế nào?
05/07/2019 - 11:21:31
- Báo động: Gần 42% học sinh tiểu học thành thị bị thừa cân, béo phì
03/07/2019 - 12:06:32
- Cần 600 tỷ đồng/năm cho bệnh nhân HIV/AIDS
16/04/2019 - 09:04:00