Mẹ chết điếng khi bác sĩ phát hiện lý do con không biết nói
Bệnh lý điếc bẩm sinh có thể khiến đứa trẻ lành lặn trở thành tàn phế suốt đời nếu không được cao thiệp và điều trị kịp thời.
PGS Nguyễn Thị Hoài An tư vấn cho cặp vợ chồng có con bị điếc bẩm sinh
Bất ngờ với nguyên nhân con chậm nói
Chị Vũ Thị Hà – 43 tuổi, Lý Nhân, Hà Nam kết hôn năm 38 tuổi và phải điều trị hiếm muộn 2 năm mới có thai. Khi có bầu bé Mít, chị Hà bị sốt phát ban 3 tháng đầu nhưng chị nghĩ bé không sao. Khi siêu âm thấy con lành lặn nên chị yên tâm.
Bé Mít sinh được 3,5 kg, ăn uống, ngủ ngon. Tuy nhiên, bé không biết hóng chuyện, lúc nào cũng ngủ. Chị Hà không cho con đi khám ở đâu vì bé vẫn khỏe, ăn ngon, ngủ kỹ điều đó làm chị yên tâm.
Đến khi bé gần 1 tuổi, Mít vẫn không ê a như những đứa trẻ khác. Thậm chí không có phản ứng với âm thanh. Xem ti vi bố mẹ cho to bé cũng không phản ứng gì.
Chị Hà tâm sự “khi đó tôi chột dạ nghĩ chắc con có gì bất thường nhưng tôi sợ và vẫn không đủ con đảm nghĩ theo chiều hướng xấu. Chỉ đến khi mọi người giục đưa bé đi khám tôi mới quyết định mang con đến bệnh viện tỉnh. Ở đó bác sĩ thấy thấy bé không có phản ứng với âm thanh nên giới thiệu lên Bệnh viện Nhi trung ương”.
Chị Hà kể bác sĩ đo thính lực của bé bằng 0. Nghe bác sĩ nói con bị điếc bẩm sinh, chị Hà đã điếng người không nhấc nổi chân lên. Đặc biệt, việc điều trị cho bé chỉ có cách duy nhất là cấy ốc tai điện cực. Chi phí cấy ốc tai quá lớn khiến vợ chồng chị mất ăn, mất ngủ. Nhưng nghĩ tới tương lai của con và thời gian bé có thể học nói, có thể nghe được âm thành tốt nhất đã gần hết. Chị Hà quyết định bán căn nhà hai vợ chồng đang ở sang ở nhà bà ông bà nội của Mít.
Với số tiền hơn 400 triệu đồng, chị không ngần ngại cấy ốc tai cho con. Nhờ thế, sau gần 2 năm được cấy điện cực ốc tai, bé Mít đã nghe được những âm thanh đầu tiên. Chị Hà còn đưa con lên Hà Nội để bé tham gia các lớp học nói dành cho những bé bị khiếm thính. Nhờ can thiệp sớm, con chị Hà đã không trở thành đứa trẻ tàn tật.
Chỉ có 1 cách điều trị
Theo PGS Cao Minh Thành – Trưởng khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội điếc bẩm sinh là bệnh lý không gây chết người nhưng nó lại khiến một đứa trẻ khỏe mạnh trở thành tàn phế. Những nguyên nhân gây điếc bẩm sinh có thể do di truyền hoặc trong quá trình mang thai người mẹ bị mắc một số bệnh lý nhiễm vi rút đặc biệt là rubella có thể khiến trẻ bị đa dị tật…
Theo PGS Thành cách duy nhất để điều trị đó là cấy điện cực ốc tai. Thời gian vàng để cấy ốc tai điện tử giúp trẻ phục hồi sức nghe và nói được là 12 tháng tuổi, khả năng phục hồi hoàn toàn 100%, và muộn nhất là đến 6 tuổi nhưng hiệu quả sẽ không cao do giai đoạn phát triển ngôn ngữ của trẻ đã qua đi.
Theo PGS Nguyễn Thị Hoài An- Giám đốc Bệnh viện An Việt cho biết bà gặp nhiều bé 2 -3 tuổi được mẹ đưa đi khám vì không biết nói. Ban đầu các gia đình chỉ nghĩ con chậm nói mà không biết đó là điếc bẩm sinh.
Nếu trước đây, không có cấy điện cực ốc tai thì trẻ sẽ bị câm điếc và trở thành tàn tật. Còn hiện nay, với điếc bẩm sinh có thể cấy điện cực ốc tai là phương pháp điều trị điếc bẩm sinh tiên tiến nhất hiện nay với hiệu quả rất cao, trong đó người bệnh sẽ được đặt một thiết bị chuyển đổi âm thanh thành những tín hiệu điện và một điện cực chuyển các tín hiệu điện này vào trong ốc tai.
Từ đó sẽ kích thích thần kinh thính giác chuyển thành các xung động thần kinh lên não khiến người bệnh có thể nghe được âm thanh.
Cấy điện cực ốc tai là phương pháp phẫu thuật hiện đại đưa toàn bộ các chuỗi điện cực vào trong ốc tai với mức độ an toàn vô trùng tuyệt đối. Mỗi ca phẫu thuật sẽ mất khoảng từ 1,5 đến 2 giờ đồng hồ. Sau 2 tuần phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được tiến hành bật máy và gắn với bộ phận bên ngoài kết nối bằng nam châm qua da đầu.
Với chiếc điện cực ốc tai này bệnh nhân nghe được âm thanh từ mọi dải tần số khác nhau. Sau đó, qua quá trình huấn luyện, họ sẽ nghe, nói gần như người bình thường.
PGS An cho biết, nhiều trẻ cấy điện cực ốc tai 1 thời gian sau phát triển rất tốt, nghe nói thành thạo, hoạt bát, đi học rất thông minh, giao tiếp được cả bằng tiếng Việt và tiếng Anh, điều này giúp trẻ thay đổi cả cuộc sống của mình.
Khánh Ngọc
Tin nổi bật
- Người mắc tiểu đường type 2 có nguy hiểm?
11/06/2024 - 14:54:24
- 7 món ngon ngày Tết người tiểu đường nên hạn chế
05/02/2024 - 10:08:55
- Điều gì xảy ra khi tăng và hạ đường huyết?
04/01/2024 - 15:06:31
- Bác sĩ cảnh báo biến chứng mạn tính nguy hiểm ở bệnh nhân đái tháo đường
21/06/2023 - 10:31:04
- Triệu chứng cảnh báo cơ thể không dung nạp glucose
22/02/2023 - 09:47:22
- Vì sao bị viêm tuyến giáp? Viêm tuyến giáp có chữa khỏi không?
20/02/2023 - 10:25:02