Tự tiêm thuốc tiểu đường quá liều hơn 50 lần khiến bệnh nhân nguy kịch
Các bác sĩ Khoa Nội tiết Bệnh viện Nhân dân 115 vừa tiếp nhận bệnh nhân hạ đường huyết nghiêm trọng do tự tiêm thuốc insulin.
Ths.Bs.Võ Tuấn Khoa - Khoa Nội tiết Bệnh viện Nhân dân 115 khuyến cáo bệnh nhân đái tháo đường cần hết sức lưu ý khi tiêm insulin vì nếu dùng sai bơm tiêm có thể gây ra hạ đường huyết nặng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Trường hợp của nữ bệnh nhân H.T.V, 81 tuổi, ở Long An đang được điều trị tại khoa Nội tiết Bệnh viện Nhân dân 115.
Bệnh nhân H.T.V mắc đái tháo đường kèm tăng huyết áp và nhồi máu não 10 năm nay, điều trị tại địa phương. Cách nhập viện 1 ngày, bệnh nhân đi khám bệnh định kỳ và bác sĩ phát hiện bệnh nhân có suy giảm chức năng thận nên tạm ngưng các thuốc hạ đường huyết uống và chỉ định chích insulin theo toa (lọ insulin có hàm lượng 100 đơn vị/1ml và tiêm dưới da ngày một lần vào buổi chiều liều 15 đơn vị).
Đây là lần đầu tiên bệnh nhân được chích insulin nên bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân và người nhà đến nơi hướng dẫn chích insulin tại bệnh viện nhưng người nhà từ chối vì không có thời gian chờ đợi.
Chiều ngày nhập viện, người nhà tự ý mua bơm tiêm 10 ml (loại thông thường) tại nhà thuốc và chích cho bệnh nhân 8 ml insulin trong lọ. Sau đó, bệnh nhân cảm giác mệt mỏi và lơ mơ, được đưa nhập viện bệnh viện Nhân Dân 115 trong tình trạng tri giác lơ mơ, không có dấu yếu liệt chi.
Tất cả bệnh nhân đái tháo đường khi được chỉ định dùng insulin khi bác sĩ hay nhân viên y tế hướng dẫn.
Các cận lâm sàng nổi bật: Đường huyết mao mạch: 12 mg/dL; HbA1c 6.8%; GFR 32 ml/phút/1.73 m2 da.
Bệnh nhân được chẩn đoán: Hạ đường huyết nặng do dùng quá liều insulin cực lớn vì dùng sai bơm tiêm - Đái tháo đường - Tăng huyết áp - Bệnh thận mạn.
Bệnh nhân được được tiêm tĩnh mạch dung dịch Glucose 30% và tiếp tục duy trì Glucose 10% qua vài ngày sau.
Kết quả bệnh nhân hồi phục hoàn toàn, không để lại di chứng sau 5 ngày điều trị.
Tuấn Khoa cho biết, đây là trường hợp hạ đường huyết nghiêm trọng ở người bệnh đái tháo đường mới sử dụng insulin.
Các yếu tố thúc đẩy bệnh nhân này bị hạ đường huyết nặng bao gồm: Chích quá liều insulin cực lớn (800 đơn vị insulin/một lần chích, trong khi liều thông thường cao nhất 40 đơn vị/một lần chích) do dùng kiêm tiêm insulin sai. Đây là nguyên nhân chính. Ngoài ra tình trạng suy giảm chức năng thận có thể góp phần.
Qua tình huống trên, các bác sĩ khuyến cáo tất cả bệnh nhân đái tháo đường khi được chỉ định dùng insulin thì bác sĩ hay nhân viên y tế nên dành thời gian hướng dẫn cho bệnh nhân hay người nhà cách thức tự chích insulin.
Bác sĩ kiểm tra sức khỏe bà V. sau khi điều trị.
Nếu điều kiện cho phép, nên dùng insulin dưới dạng bút chích insulin với ưu điểm dễ sử dụng, ít đau, định liều chính xác cho bệnh nhân.
Trong trường hợp phải dùng insulin trong lọ, bệnh viện hay phòng khám nên cung cấp luôn kim insulin phù hợp thay vì bệnh nhân phải mua kim insulin có thể tiềm ẩn rủi ro không đúng loại kim.
VD: lọ insulin hàm lượng 100 đơn vị/1ml thì nên mua kim insulin loại 100 đơn vị/1ml; còn lọ insulin hàm lượng 40 đơn vị/1ml thì nên mua kim insulin loại 40 đơn vị/1ml.
Như vậy bệnh nhân này đã chích quá liều theo toa hơn 50 lần do dùng kim tiêm. BS Khoa nhấn mạnh.
Các triệu chứng báo hiệu sử dụng insulin quá liều Khi bạn bị hạ đường huyết do sử dụng insulin quá liều, bạn có thể cảm thấy: - Lo lắng, bồn chồn; - Nhầm lẫn, lú lẫn; - Rất đói; - Mệt mỏi; - Khó chịu, bực dọc; - Toát mồ hôi; - Run tay. Nếu lượng đường trong máu của bạn tiếp tục giảm, bạn có thể bị co giật. Nên làm gì trong tình huống sử dụng insulin quá liều? Đừng mất bình tĩnh. Đa số các trường hợp sử dụng insulin quá liều có thể được điều trị tại nhà. Hãy theo các bước chỉ dẫn sau đây: - Kiểm tra lượng đường trong máu: Bạn sẽ cần phải biết bạn nên xử lý từ đâu. - Uống một nửa cốc nước ngọt hoặc nước hoa quả có vị ngọt, ăn một chiếc kẹo cứng hoặc uống một viên đường dạng viên nén hoặc dạng gel. - Nếu bạn bỏ bữa, hãy ăn cái gì đó ngay. Nếu bạn ăn thứ gì đó có 15 đến 20g carbohydrates, bạn sẽ có thể tăng lượng đường trong máu. - Nghỉ ngơi. - Kiểm tra lại lượng đường trong máu sau 15 đến 20 phút. Nếu chỉ số đường máu vẫn thấp, hãy dùng thêm 15 đến 20g đường chuyển hóa nhanh và ăn thứ gì đó có thể. - Chú ý theo dõi tình hình của bạn sau đó vài giờ. Nếu những triệu chứng trên vẫn còn, hãy kiểm tra lại lượng đường trong máu 1 giờ sau khi ăn. Hãy tiếp tục ăn thêm các thứ khác nếu lượng đường trong máu vẫn thấp. - Hãy nhờ tới các hỗ trợ y tế nếu lượng đường trong máu vẫn thấp sau hai giờ hoặc bạn không cảm thấy khá hơn. - Đừng lo lắng về việc bạn làm tăng lượng đường trong máu quá cao trong thời gian ngắn. Việc tăng đường huyết sẽ không ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe nhưng việc hạ đường huyết quá thấp có thể sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng. - Nếu bạn không tỉnh táo hoặc quá nhầm lẫn, bị co giật,… những người xung quanh bạn cần giúp đỡ bạn. Hãy để người thân và bạn bè của bạn biết tới những hướng dẫn sau: + Nếu bạn bất tỉnh, họ nên gọi cấp cứu 115 ngay lập tức. + Họ có thể tiêm cho bạn glucagon. Đó là thuốc có chức năng ngược lại với insulin. Nếu bạn đã từng bị hạ đường huyết, bạn nên hỏi bác sĩ nếu bạn nên có dự trữ trong nhà glucagon phòng khi cần. + Nếu bạn vẫn còn tỉnh táo để có thể tự thực hiện theo hướng dẫn, hãy nhờ người thân giúp bạn lấy nước hoa quả có vị ngọt để uống. + Nếu tình trạng của bạn không được cải thiện sau một giờ điều trị tại nhà, họ nên gọi cấp cứu 115. |
Nguyễn Vũ
Tin nổi bật
- Dùng thuốc tránh thai dạng viên gây tăng cân, cách nào khắc phục?
13/10/2022 - 09:30:31
- Cảm lạnh thông thường và bệnh cúm, phân biệt thế nào để dùng thuốc hiệu quả?
04/10/2022 - 09:35:50
- Cảnh giác nguy cơ tự tử khi dùng thuốc trị tăng động giảm chú ý
04/10/2022 - 09:29:49
- 12 tác dụng phụ do hóa chất điều trị ung thư và cách xử trí
03/10/2022 - 09:26:49
- Bỏ ngay 10 thói quen xấu này vì nó gây hại cho bạn
29/01/2021 - 15:36:43
- Lưu ý dùng thuốc khi cảm lạnh
28/01/2021 - 14:48:48