Rối loạn tâm thần do rượu
Thời gian qua, tại bệnh viện Tâm thần Nghệ An và bệnh viện Tâm thần Ninh Bình đã tiếp nhận hàng chục trường hợp bệnh nhân bị rối loạn tâm thần, ngộ độc do sử dụng nhiều rượu, bia.
Điều trị cho một bệnh nhân ngộ độc rượu tại Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Nguồn: Internet.
Nhập viện vì rượu
Chỉ tính riêng trong dịp Tết Nguyên đán 2019, tại Bệnh viện Tâm thần Nghệ An số lượng bệnh nhân rối loạn tâm thần do uống nhiều rượu và ngộ độc rượu tăng gần gấp hai lần so với dịp Tết năm 2018. Theo thống kê chỉ tính từ ngày 28 đến mùng 6 Tết, Bệnh viện này đã khám và điều trị cho 150 lượt bệnh nhân, trong đó có gần 90 trường hợp bệnh nhân rối loạn tâm thần do uống nhiều rượu và ngộ độc rượu, bia. Một con số thật đáng giật mình.
Đa số các bệnh nhân vào đây đều đã uống rượu hay bia vượt quá ngưỡng dung nạp của cơ thể, nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rối loạn cảm giác, có ảo giác, hoang tưởng và lên cơn co giật, tâm lý, hành vi bất thường, rối loạn nhận thức. Theo lời kể của một số bệnh nhân, họ đều là người nghiện rượu, do dịp Tết uống quá nhiều dẫn đến ngộ độc rượu, lên cơn co giật, người tím tái và xuất hiện ảo giác và được người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Theo bác sỹ Nguyễn Thị Minh Châu, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viên Tâm thần Nghệ An thì không chỉ có những người cao tuổi rối loạn tâm thần do sử dụng rượu bia nhiều quá mức mà tình trạng này còn xảy ra đối với các thanh niên trẻ. Đây cũng là nguyên nhân gia tăng các loại bệnh khác như gan, dạ dày, tim mạch.
Còn tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Ninh Bình, số người bị rối loạn tâm thần do rượu đang ngày càng gia tăng. Đa số các ca bệnh loạn thần, hoang tưởng do rượu tại Bệnh viện đều trong độ tuổi lao động từ 30 - 50 tuổi.
Theo bác sỹ Lâm Quang Hiếu, uống nhiều rượu trong thời gian dài, quá trình này sẽ hủy hoại một số hệ thống trên cơ thể, làm suy giảm chức năng gan, thận, ảnh hưởng vùng cảm xúc, vùng trí nhớ trên não cũng như khả năng điều khiển hành vi. Người bị loạn thần do rượu thường có biểu hiện run rẩy, hay giật mình hoảng hốt, nói nhảm, xuất hiện ảo giác, thậm chí lên cơn co giật, mê sảng. Ngoài ra, nghiện rượu còn gây ra hoang tưởng có hành vi tấn công người khác.
Còn theo TS. BS Nguyễn Tiến Dũng, khoa Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, rất khó để phân biệt giữa say rượu và ngộ độc rượu có pha cồn methanol do biểu hiện của ngộ độc methanol giống hệt biểu hiện của say rượu. Độc tính của methanol tác động chủ yếu lên thần kinh, đặc biệt là thần kinh điều khiển thị giác, vì vậy thường có biểu hiện loạng choạng, hoa mắt giống hệt cảm giác say rượu, dễ lầm tưởng là say nhưng thực chất là bị ngộ độc. Nếu để lâu, bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng tím tái, hôn mê, co giật, rối loạn điện giải, tụt huyết áp và có thể tử vong. Trường hợp được cứu sống, bệnh nhân cũng có nhiều di chứng về thần kinh.
Nguyên nhân gián tiếp gây nên 200 bệnh tật
Rượu là một chất tác động tâm thần, nếu uống một vài ly thì sẽ không ảnh hưởng gì nhưng uống với số lượng nhiều, hoặc uống phải rượu có pha cồn công nghiệp dễ lâm vào trạng thái say rượu, ngộ độc rượu. Các chuyên gia y tế cho biết, khi chất cồn vào cơ thể, nếu vượt quá mức cho phép dù chỉ rất ít cũng sẽ gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe thể chất và tâm thần. Cồn tác động rất lớn đến bộ não. Cồn gây tác động rất lớn đến hệ thống thần kinh mà đặc biệt là lên não, làm cho góc nhìn bị thu hẹp lại và thời gian phản ứng chậm đi. Do vậy, người uống rượu, bia bị hạn chế rất lớn trong việc điều khiển các loại phương tiện giao thông và rất dễ dẫn đến tai nạn giao thông.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết rượu bia là nguyên nhân trực tiếp gây ít nhất 30 bệnh và nguyên nhân gián tiếp gây 200 loại bệnh tật, chấn thương. Còn theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, trong hơn 3 triệu cái chết mỗi năm do bia rượu gây ra, quá 75% là nam giới. Sử dụng rượu, bia gây tổn thương đến nhiều cơ quan, chức năng của cơ thể như rối loạn tâm thần kinh, bệnh tim mạch, bệnh tiêu hóa, ảnh hưởng tới chất lượng giống nòi và phát triển bào thai, suy giảm miễn dịch...
Theo bác sĩ Vũ Minh Hạnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần tỉnh Quảng Ninh, chứng nghiện rượu mạn tính thường dẫn đến thay đổi tính tình, trở nên hung dữ, bạo hành gia đình. Việc uống rượu trong thời gian dài, khi kết hợp với các yếu tố như: Suy dinh dưỡng, thiếu vitamin B... còn gây bệnh viêm đa rễ thần kinh, teo não, hội chứng Korsakoff (hội chứng quên ngược chiều, không có khả năng ghi nhận thông tin mới, mất định hướng trong không gian và thời gian, bịa chuyện, nhận biết sai, mất nhận biết đồ vật...). Với người nghiện rượu mạn tính còn dễ bị rối loạn tâm thần cấp tính nặng, biểu hiện bằng trạng thái sảng run (run tay chân, run cả lưỡi hoặc run toàn thân; có thể kèm theo đi đứng loạng choạng, đổ mồ hôi đầm đìa, cùng các triệu chứng hoang tưởng bị truy hại, ảo giác thị giác, co giật).
Điều trị rối loạn tâm thần do rượu là một quá trình lâu dài, có sự hợp tác giữa người bệnh và thầy thuốc và sự hỗ trợ của gia đình, xã hội.
Ngọc Hải
Tin nổi bật
- Những huyệt trị đau vùng thượng vị
28/09/2022 - 10:12:21
- Trị bệnh sởi bằng thuốc Đông y
13/07/2020 - 09:56:12
- Mách bạn mẹo hay giúp giảm cơn đau dạ dày
08/07/2020 - 10:01:01
- Đông y chữa sạm da
06/07/2020 - 10:03:41
- Tai biến mạch máu não, gây đột quỵ: Hệ quả và cách khắc phục
03/07/2020 - 09:42:07
- Người đàn ông làm bệnh sởi phát tán tại Mỹ
18/04/2019 - 21:38:55