Gia tăng stress ở người trẻ
Theo thống kê mới đây của Bộ Y tế, cả nước có đến 15% dân số có các vấn đề về sức khỏe tâm thần, đặc biệt là các rối loạn lo âu, trầm cảm, gây ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống.
Đáng báo động khi số người bị stress ngày càng có chiều hướng gia tăng và phần lớn trong độ tuổi lao động. Có nhiều nguyên nhân khiến các bệnh về tâm thần gia tăng, trong đó nguyên nhân chính là do sức ép trong công việc, học tập, sự nghiệp...
Áp lực từ cuộc sống
Khu khám bệnh của Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, hàng ngày luôn đông bệnh nhân từ sáng sớm tới tận chiều muộn, trong đó khá nhiều người trẻ nhập viện điều trị do bị các rối loạn tâm thần, trầm cảm và lo âu.
Ông Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, cho biết nếu như vài năm trước, số người trẻ tuổi bị các rối loạn tâm thần, stress tới khám hàng ngày chỉ đếm trên đầu ngón tay thì hiện nay có những ngày viện tiếp nhận 300 - 400 bệnh nhân.
Tại khu điều trị, nữ bệnh nhân Nguyễn Thị T. (42 tuổi, ở Hà Nội) trông bề ngoài xinh xắn, trò chuyện cởi mở với những người xung quanh nhưng ít ai ngờ rằng gần 1 năm nay, chị T. bị stress phải nhập viện điều trị vì những lý do không ngờ tới.
Chia sẻ với chúng tôi, chị T. kể rằng gia đình chị có vay mượn vài trăm triệu đồng để xây nhà. Nhà xây xong, chị T. rơi vào tình trạng mất ngủ vì lo việc trả nợ. Những cơn mất ngủ kéo dài, khiến chị thường bị đau đầu, hồi hộp, vã mồ hôi, tức ngực và trào ngược dạ dày.
Trước những triệu chứng đó, chị T. đã đi khám tim mạch và tiêu hóa. Nhưng qua nhiều chiếu chụp, xét nghiệm không phát hiện những bất thường ở cơ thể, cũng không tìm được căn nguyên gây bệnh, uống thuốc cũng chẳng đỡ khiến chị T. càng thêm lo âu. Chỉ đến khi rất căng thẳng, chị T. mới tới Viện Sức khỏe tâm thần khám. Các bác sĩ phát hiện chị T. bị stress do áp lực từ việc trả nợ, tiếp đó là do lo lắng vì không biết mắc bệnh gì.
Mới đây, các bác sĩ tại viện cũng đã điều trị cho một nam thanh niên mới lập gia đình vài tháng nhưng luôn lo lắng đến mức không dám ra ngoài đường vì sợ bị đụng xe. Cưới vợ xong nhưng nam thanh niên này vẫn lo khâu tổ chức… đám cưới. Bệnh nhân được gia đình đưa đi khám sức khỏe tổng quát và không phát hiện mắc bệnh gì. Sau khi đánh giá các yếu tố, viện xác định bệnh nhân mắc chứng rối loạn lo âu lan tỏa.
Không dễ phát hiện
Theo thống kê mới đây của Bộ Y tế có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn tâm thần, phổ biến là lo âu, stress, trầm cảm... trong đó có khoảng 3 triệu người bị rối loạn tâm thần nặng. Trong 10 bệnh tâm thần thường gặp như trầm cảm, động kinh, rối loạn lo âu, stress, tâm thần phân liệt..., bệnh nhân dưới 30 tuổi chiếm tới 40%.
Đáng chú ý, rối loạn liên quan tới stress khó phát hiện vì có triệu chứng trùng lặp với bệnh khác, nên có 30% - 50% số bệnh nhân không được phát hiện đúng bệnh khi đi khám ở y tế cơ sở, hoặc bệnh viện đa khoa. Đa số bệnh nhân thường đi khám tại các chuyên khoa tim mạch, thần kinh trước khi được tư vấn về bệnh tâm lý.
Nhiều người trong số này được chẩn đoán nhầm là rối loạn tiền đình, suy nhược thần kinh, thiếu máu não nên việc điều trị không hiệu quả, càng khiến người bệnh thêm căng thẳng. Hơn nữa, cũng vì không phát hiện ra căn nguyên của bệnh và điều trị không khỏi mà nhiều người bệnh chuyển sang việc chữa bệnh bẳng các hình thức mê tín dị đoan và rơi vào tình trạng “tiền mất, tật mang”.
Theo TS Dương Minh Tâm có 2 thể stress. Một là, stress bệnh lý cấp tính xuất hiện từ tình huống không thể lường trước hoặc những tình huống quá dữ dội đối với chủ thể, như: người thân bị bệnh nặng, bị tấn công, gặp nguy hiểm… Khi đó, người bệnh có sự hưng phấn quá mức về mặt tâm thần và cơ thể. Hai là, stress bệnh nguyên: bệnh phát sinh từ sức ép trong cuộc sống, công việc, học tập, thất vọng trong sự nghiệp, mâu thuẫn trong gia đình, xã hội hay thiệt hại về kinh tế khiến nhiều người chịu áp lực nặng nề, luôn có tâm thế phải đối mặt với thách thức, căng thẳng, lo âu.
Trước thực tế đó, stress sinh ra để giúp cơ thể thích nghi. Tuy nhiên cần lưu ý, stress có gây bệnh hay không phụ thuộc nhiều vào sự chống đỡ của nhân cách bản thân mỗi người. Nhân cách không chỉ có vai trò trong gây bệnh mà còn ảnh hưởng đến việc hình thành thể bệnh. Một nhân cách vững mạnh, có lý tưởng, tự nguyện chịu đựng stress thì dù stress có mạnh cũng khó gây bệnh và nếu có bệnh thì cũng dễ khỏi bệnh.
Với người có nhân cách yếu hoặc tính cách chi li, cầu toàn thì có thể mắc bệnh chỉ sau một stress nhẹ và bệnh chậm hồi phục. Những người có cảm xúc không ổn định, lo âu, căng thẳng, né tránh cũng là những nét nhân cách dễ bị tổn thương.
|
Trong trường hợp nếu cơ thể đột nhiên xuất hiện triệu chứng mệt mỏi âu lo kéo dài, mất ngủ, khó thở, đau đầu hay các hiện tượng về tim mạch như hồi hộp mà không tìm thấy căn nguyên và triệu chứng, nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa sức khỏe tâm thần để được khám, tư vấn.
Minh Khang
Tin nổi bật
- Người mắc tiểu đường type 2 có nguy hiểm?
11/06/2024 - 14:54:24
- 7 món ngon ngày Tết người tiểu đường nên hạn chế
05/02/2024 - 10:08:55
- Điều gì xảy ra khi tăng và hạ đường huyết?
04/01/2024 - 15:06:31
- Bác sĩ cảnh báo biến chứng mạn tính nguy hiểm ở bệnh nhân đái tháo đường
21/06/2023 - 10:31:04
- Triệu chứng cảnh báo cơ thể không dung nạp glucose
22/02/2023 - 09:47:22
- Vì sao bị viêm tuyến giáp? Viêm tuyến giáp có chữa khỏi không?
20/02/2023 - 10:25:02