Rét đậm, cẩn trọng đột quỵ
Giữ ấm cơ thể, bổ sung đủ nước, uống thuốc đầy đủ trên người có bệnh lý, hạn chế rượu bia... là những cách phòng ngừa đột quỵ khi trời rét đậm.
Bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh mạch máu Việt Nam, cho biết khi thời tiết trở lạnh đột ngột, sự mất cân bằng giữa nhiệt độ trong nhà và ngoài trời có thể khiến cơ thể không thể thích nghi kịp. Tình trạng này gây ra cơ chế co thắt của mạch máu khi gặp nhiệt độ lạnh, cũng như dễ hình thành cục máu đông dẫn đến nhồi máu não, làm tăng áp lực trong hệ thống mạch máu.
Tăng huyết áp đột ngột có thể làm vỡ các mạch máu nhỏ trong não, gây xuất huyết não. Ngoài ra, tắc mạch vành (mạch máu nuôi tim) dẫn đến nhồi máu cơ tim, từ đó tăng nguy cơ xảy ra các vấn đề sức khỏe như tai biến mạch máu não và các bệnh lý tim mạch.
Một bệnh lý hiếm gặp hơn nhưng cũng rất nguy hiểm là huyết khối tĩnh mạch sâu, hình thành do ít uống nước khi trời rét. Theo bác sĩ Mạnh, ít uống nước khiến máu cô đặc lại, cộng thêm ít vận động trên nền bệnh nhân có suy van tĩnh mạch trước đó, làm máu lưu thông kém, dễ hình thành các cục máu đông trong tĩnh mạch chi dưới. Khi các cục máu đông này lan về tim có thể gây nhồi máu động mạch phổi.
Nguy cơ vỡ hoặc lóc tách các mạch máu lớn trên nền bệnh nhân có phình, xơ vữa động mạch chủ cũng hay gặp vào mùa đông. Nguyên nhân là huyết áp bị thay đổi đột ngột tác động lên các động mạch chủ ngực hoặc bụng, bệnh nhân cảm thấy đau ngực dữ dội, tỷ lệ tử vong lên đến 90% nếu không được can thiệp kịp thời.
Ai cũng có nguy cơ tai biến. Nhóm nguy cơ cao bao gồm người cao tuổi, có bệnh lý nền về tăng huyết áp, tiểu đường, suy giãn tĩnh mạch, béo phì, rối loạn chuyển hóa lipid máu, thường xuyên sử dụng thuốc lá rượu bia.
Đột quỵ có thể gây tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Ảnh: Freepik
Để giảm nguy cơ đột quỵ, bác sĩ khuyến cáo:
Người có bệnh lý nền cần uống thuốc đầy đủ
Đột quỵ thường xảy ra trên bệnh nhân có yếu tố nguy cơ như đái tháo đường, huyết áp cao, mỡ máu cao, bệnh lý nhịp tim, người hút thuốc lá, người thừa cân béo phì... Thời tiết giá rét, nhóm người này rất dễ gặp bất ổn về sức khỏe. Quên dùng thuốc cũng làm cho các yếu tố nguy cơ khó kiểm soát.
Vì thế, bác sĩ khuyến cáo người bệnh không được bỏ thuốc, uống đều đặn theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Đo huyết áp thường xuyên, duy trì thói quen tập thể dục, chế độ ăn uống phù hợp. Không nên tập thể dục ngoài trời trước 6h30 để tránh bị nhiễm lạnh.
Uống đủ nước
Nước rất cần thiết với cơ thể, có khả năng cung cấp nguồn khoáng chất, vận chuyển chất dinh dưỡng, oxy cần thiết cho các tế bào, nuôi dưỡng tế bào trong mọi hoạt động. Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, Bộ Quốc phòng, cho biết khi cơ thể bị mất nước, máu sẽ cô đặc hơn, tổng khối lượng máu trong cơ thể giảm xuống, nguy cơ đột quỵ cao hơn. Không bổ sung nước kịp thời, cơ thể sẽ tự điều chỉnh bằng việc cung cấp máu tới bộ phận quan trọng nhất là tim, từ đó có thể xuất hiện các cơn đau cơ.
Mỗi người nên bổ sung đủ 2-3 lít nước mỗi ngày. Trước khi đi ngủ 30 phút đến một tiếng nên uống 150-200 ml, sau khi ngủ dậy nên uống một cốc nước ấm. Các chuyên gia cho rằng không rõ nước có ngăn ngừa đột quỵ không, nhưng bổ sung nước có thể mang lại nhiều lợi ích khác cho sức khỏe. Nước ấm vào cơ thể giúp máu dễ dàng lưu thông, cải thiện tâm trạng, giúp dễ ngủ và ngủ ngon hơn.
Giữ ấm cơ thể
Chúng ta không thể làm thay đổi thời tiết, nhưng có thể giữ ấm cơ thể khi ra ngoài lạnh, tránh thay đổi nhiệt độ cơ thể đột ngột, duy trì thói quen vận động. Bác sĩ Đào Duy Khoa, Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, khuyên bạn ngủ trong phòng kín gió, đủ ấm, tránh đi ra ngoài vào ban đêm, không nên dậy vào lúc 4-5h vì lúc đó huyết áp hay tăng. Khi ngủ dậy, nên ra khỏi giường từ từ, mặc đủ quần áo ấm.
Mùa lạnh, bạn không nên tắm ngay sau khi vừa ở ngoài trời về hoặc vận động thể lực đổ mồ hôi nhiều.
Tránh uống nhiều rượu
Bác sĩ Bùi Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, khuyên khi chuyển lạnh, nhiệt độ hạ thấp, bạn không nên uống nhiều rượu. Chất cồn lưu lại trong máu lâu do khả năng bài tiết qua đường mồ hôi giảm, dẫn tới tăng huyết áp, chỉ cần xuất huyết nhẹ có thể dẫn đến tai biến. Những người béo phì, thừa cân, ít vận động, hút thuốc lá, tiền sử tăng huyết áp, đột quỵ, rối loạn chuyển hóa, từng bị nhồi máu cơ tim là nhóm có nguy cơ cao.
Đề phòng trường hợp thường xuyên có cơn đau thắt ngực không rõ nguyên nhân, hay hồi hộp, tim đánh trống ngực hoặc cảm giác hụt nhịp tim hay mạch đập quá nhanh hoặc quá chậm khi cơ thể ở trạng thái nghỉ ngơi bình thường.
Khi có người bị đột quỵ, tuyệt đối không xoa dầu nóng, cạo gió, cắt lể hoặc cúng bái, hay áp dụng các phương pháp dân gian như đâm kim vào ngón tay hoặc dái tai. Nên nhanh chóng đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất để được điều trị trong thời gian vàng.
Đột quỵ não là bệnh lý xảy ra đột ngột, diễn tiến nhanh, biến chứng nặng nề. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, chủ yếu là người từ 55 tuổi trở lên, hiện xu hướng trẻ hóa. Dấu hiệu nhận biết sớm đột quỵ là liệt nửa người (biểu hiện giơ hai tay bằng vai, một tay sẽ bị rơi xuống); liệt dây thần kinh số VII (méo miệng khi làm động tác nhe răng hoặc cười); rối loạn ngôn ngữ (hiểu được lời nói mà không diễn đạt được hoặc không hiểu lời người khác).
Tin nổi bật
- 6 dấu hiệu nguy hiểm của đột quỵ do nắng nóng
17/06/2024 - 10:12:01
- Hội chứng ruột kích thích là bệnh khó chữa nhưng có thể kiểm soát
14/06/2024 - 10:06:25
- Nguy cơ cao bùng phát bệnh sởi, ho gà ở các tỉnh phía Nam
12/06/2024 - 10:20:41
- Người đau dạ dày có nên uống nước chanh không?
11/06/2024 - 15:20:28
- Tại sao đột quỵ lại hay xảy ra vào sáng sớm?
11/06/2024 - 14:08:03
- Sỏi tiết niệu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh
10/05/2024 - 11:17:42