Triệt phá đường dây làm con dấu, giấy khám sức khỏe giả
Đây là các đối tượng trong đường dây chuyên mua bán con dấu, giấy khám sức khỏe giả của các bệnh viện, hoạt động khép kín; việc mua bán được tiến hành qua mạng xã hội, với số lượng lớn.
Nhận đơn qua zalo, ship “hàng” qua các ứng dụng
Theo Cơ quan Công an, 5 đối tượng bị khởi tố gồm: Hồ Công Lệnh (SN 1995, trú tại xã Mỹ An, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang); Nguyễn Trương Định (SN 1993, trú tại xã Phú Phương, huyện Ba Vì, Hà Nội); Phan Thế Huy (SN 2000, trú tại xã Minh Lương, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ); Nguyễn Văn Quân (SN 1984) và vợ là Nguyễn Thị Huế (SN 1991, trú tại xã Lãng Công, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc). Đường dây này do Hồ Công Lệnh cầm đầu. Lệnh thuê địa điểm, chuẩn bị công cụ phương tiện làm giả con dấu, nhận các đầu đơn qua tài khoản zalo. Còn Định nhận các đơn đặt giấy khám sức khỏe; Huy hoàn thiện các giấy khám sức khỏe (như đóng dấu, ký nháy chữ ký của các bác sĩ) sau đó đặt chuyển phát nhanh cho khách. Đối với Nguyễn Văn Quân, ngoài việc nhận đơn từ Huế, Quân còn trực tiếp nhận đơn của khách trên zalo và thực hiện hành vi làm giả tài liệu chuyển cho khách.
Từ các thông tin thu thập được, Công an quận Long Biên đã phát hiện 1 nam thanh niên điều khiển xe máy BKS 29V1-485.92 đi ngược chiều trên đường Ngô Gia Tự, phường Đức Giang có biểu hiện nghi vấn đã ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra, phát hiện ở móc treo đồ của xe có một túi ni lông chứa 3 túi giấy, bên trong mỗi túi giấy có một giấy khám sức khỏe có xác nhận của bệnh viện nhưng không có thông tin của người khám, dấu hiệu bị làm giả. Qua khai thác ban đầu, người lái xe khai tên Cao, làm nghề “ship” hàng, số giấy tờ nêu trên là do Định thuê vận chuyển từ quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội đến khu vực huyện Đông Anh, Hà Nội để giao cho khách.
Mở rộng điều tra, Cơ quan CSĐT - Công an quận Long Biên đã phát hiện, bắt quả tang Nguyễn Trương Định và Phan Thế Huy đang thực hiện hành vi làm giả giấy khám sức khỏe của các bệnh viện. Tại Cơ quan Điều tra, Định khai: khoảng tháng 10/2020, Định được Hồ Công Lệnh thuê vận chuyển giấy tờ khám sức khỏe giả. Sau nhiều lần trót lọt, Lệnh tin tưởng và rủ Định cùng tham gia đường dây này. Đến tháng 1/2021, Định rủ Huy, là bạn cùng tham gia. Khi có khách đặt, sẽ liên hệ với Lệnh qua tài khoản zalo. Lệnh chỉ đạo cho Định và Huy làm theo yêu cầu rồi đặt shiper trên các ứng dụng như Grap, Aha Move để chuyển đến cho khách.
Đối tượng Hồ Công Lệnh tại Cơ quan Công an.
“Giao dịch” từ con dấu đến giấy khám sức khỏe giả
Tại Cơ quan Công an, Hồ Công Lệnh khai nhận do làm ăn thua lỗ, Lệnh nảy sinh ý định làm con dấu và giấy khám sức khỏe giả của các bệnh viện để bán lấy tiền tiêu xài. Lệnh lên mạng tìm hiểu những nơi nhận làm con dấu giả và đặt mua các con dấu của các bệnh viện lớn trên cả nước. Khi có khách đặt mua dấu, Lệnh liên hệ mua dấu trên mạng với giá 500.000 đồng/con dấu và bán lại với giá 1-1,5 triệu đồng để hưởng chênh lệch.
Quá trình khám xét, cơ quan điều tra đã thu giữ 18 miếng cao su non hình vuông, 1 mặt có khắc dấu tròn của BV Bạch Mai; BV Việt Đức; BVĐK Hải Dương; Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương; BVĐK tỉnh Hà Nam;... 31 miếng cao su non màu đen hình chữ nhật 1 mặt có khắc các chữ có nội dung: “Đủ sức khỏe lái xe hạng...; Phó Giám đốc BSCKII. Trần Bùi Quang D, Trần Hữu H; BSCK. Phạm Thị Hương G;... và tên, chức danh của các bác sĩ khác”...
Mở rộng điều tra làm rõ, trước đó Hồ Công Lệnh đã từng bán con dấu giả của BV Giao thông Vận tải cho một nữ giới ở trọ gần Nhà Văn hóa đội 6, thôn Bầu, Kim Chung, Đông Anh. Tiến hành khám xét khẩn cấp phòng trọ, Cơ quan Công an phát hiện và thu giữ 3 con dấu của một số bệnh viện; 7 miếng hình chữ nhật có ốp nhựa và phần mặt có gắn miếng cao su non màu đen, khắc chữ, ký tự; 14 giấy A3 khám sức khỏe của một số bệnh viện đã đóng dấu và chữ ký xác nhận nhưng không có thông tin người khám. Đây là nơi ở của Quân và vợ là Nguyễn Thị Huế, đang làm công nhân tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long nên biết nhiều người có nhu cầu làm giấy khám sức khỏe để xin việc. Từ đó, Huế này sinh ý định làm giấy khám sức khỏe giả để bán. Huế đã nghiên cứu cách thức làm và lên mạng đặt mua con dấu giả của một số bệnh viện, trực tiếp làm giấy khám sức khỏe giả và bán với giá 40.000 đồng đến 130.000 đồng/tờ.
Theo Trung tá Ngô Văn Điển, Đội trưởng Đội Điều tra Tổng hợp - Công an quận Long Biên, hành vi làm giấy khám sức khỏe giả với số lượng lớn của nhiều bệnh viện khác nhau không chỉ gây ảnh hưởng đến uy tín của các cơ sở khám chữa bệnh, việc sắp xếp, sử dụng nhân sự của doanh nghiệp mà còn tác động khôn lường đối với người lao động và cả người sử dụng lao động nếu các giấy khám sức khỏe giả, người lao động khi bị phân công làm trong môi trường công tác không phù hợp sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của chính họ.
Thế Vinh
Tin nổi bật
- Luật Thủ đô (sửa đổi): Đảm bảo kết nối, tương tác hiệu quả giữa mạng lưới cơ sở y tế quốc gia và địa phương
01/07/2024 - 10:15:06
- 15 năm thực hiện Luật BHYT: Số người tham gia tăng, quyền lợi mở rộng, chất lượng khám chữa bệnh ngày càng nâng cao
01/07/2024 - 09:54:28
- Sở Y tế TPHCM gặp khó khăn khi xử lý hành vi bán thuốc qua mạng
28/06/2024 - 10:01:12
- Chi tiết 5 chính sách lớn để phát triển công nghiệp dược, tăng tiếp cận thuốc mới của người dân
26/06/2024 - 14:39:35
- Thời gian cấp Giấy đăng ký lưu hành thuốc mới sẽ giảm từ 12 tháng xuống 9 tháng
24/06/2024 - 09:49:17
- Sửa đổi Luật Dược nhằm bảo đảm người dân được tiếp cận thuốc chất lượng, kịp thời, giá hợp lý
18/06/2024 - 16:02:13