Tăng mạnh xử phạt vi phạm quy định về phòng chống tác hại thuốc lá như thế nào?
Theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có hiệu lực từ 15/11, hành vi hút thuốc lá tại nơi cấm bị phạt tối đa 500.000 đồng. Người bán, cung cấp thuốc lá cho trẻ em dưới 18 tuổi sẽ bị phạt từ 3 tới 5 triệu đồng. Người dân cần tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống tác hại của thuốc lá....
ThS Lê Thị Thu- Quản lý chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá và các bệnh không lây nhiễm- Tổ chức HealthBrige Canada tại Việt Nam nhấn mạnh cần truyền thông để người dân hiểu các quy định của pháp luật về Luật Phòng chống tác hại thuốc lá và các văn bản hướng dẫn Luật và mới đây là Nghị định 117/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính các hành vi vi phạm Luật Phòng chống tác hại thuốc lá...
PV: Xin bà cho biết Nghị định 117/2020NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành thay thế Nghị định 176 có những điểm mới gì liên quan đến hành vi vi phạm Luật Phòng chống tác hại thuốc lá?
ThS Lê Thị Thu: Ngày 28/9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế (gọi tắt là Nghị định 117/2020/NĐ-CP). Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2020, thay thế Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế (gọi tắt là Nghị định 176/2013/NĐ-CP).
ThS Lê Thị Thu- Quản lý chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá và các bệnh không lây nhiễm- Tổ chức HealthBrige Canada tại Việt Nam
Nghị định này có một số điểm mới chính liên quan đến hành vi vi phạm Luật Phòng chống tác hại thuốc lá như sau:
Thứ nhất, bổ sung các hành vi vi phạm trong lĩnh vực về phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) và tăng mức xử phạt của một số hành vi vi phạm như sau:
Tăng mức xử phạt của một số hành vi vi phạm, đặc biệt là hành vi hút thuốc tại địa điểm cấm mức xử phạt ở Nghị định 176 là 100.000 đồng đến 300.000 đồng thì ở Nghị định 117/2020/NĐ-CP tăng lên từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng.
Bổ sung các hành vi vi phạm và mức xử phạt: Hành vi không có biển thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi tại điểm bán của đại lý bán buôn, đại lý bán lẻ thuốc lá thì phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối (Điều 26)
Bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi thì phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng (Điều 26)
Đối với người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi có hành vi sử dụng thuốc lá thì cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng (Điều 29)
Sử dụng người chưa đủ 18 mua thuốc lá thì phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng (Điều 29)
Không thay đổi định kỳ 2 năm một lần cảnh báo sức khỏe trên bao bì theo quy định của pháp luật thì phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng (Điều 27)
Để cho tổ chức cá nhân tiếp thị thuốc lá trưc tiếp với người tiêu dùng tại cơ sở thuộc quyền quản lý, điều hành; doanh nghiệp, các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin, thông áo về tài trợ cảu tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá thì phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng
Thứ hai, Thẩm quyền lập biên bản hành chính, thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế được quy định cụ thể và phân định rõ hơn để tránh chồng chéo. Nghị định đã liệt kê cụ thể các chức danh có thẩm quyền xử phạt đối với từng hành vi cụ thể cũng như mức xử phạt.
Bổ sung thêm quy định các cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính về địa điểm cấm hút thuốc lá.
Thứ ba, bổ sung thêm điểm mới về quy trình giám sát hành vi hút thuốc lá tại địa điểm cấm và xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi hút thuốc lá tại điểm cấm hút thuốc lá do công dân phát hiện, yêu cầu xử lý qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong việc phát hiện hành vi vi phạm.
PV: Bà có thể chia sẻ thêm về quy trình xử phạt vi phạm về phòng chống tác hại thuốc lá qua sử dụng các phương tiện, kỹ thuật nghiệp vụ và phản ánh, kiến nghị của người dân?
ThS Lê Thị Thu: Người dân tham gia giám sát, phát hiện hành vi hút thuốc lá tại địa điểm cấm hút thuốc lá và cung cấp bằng chứng, kiến nghị, yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền cấp xã xem xét, xử lý hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Về phạm vi áp dụng, quy trình được thực hiện tại cấp xã. Người dân sử dụng phương tiện, thiết bị ghi hình (điện thoại, máy ảnh, camera) để ghi lại hình ảnh vi phạm nhằm mục đích phát hiện, tố cáo hành vi vi phạm đến cơ quan có thẩm quyền cấp xã để xem xét, xử lý hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Thiết bị ghi âm và ghi hình trước khi đưa vào sử dụng phải bảo đảm chất lượng.
Đối tượng áp dụng: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Trưởng Công an xã; Người có hành vi hút thuốc lá tại địa điểm cấm hút thuốc lá; Người dân chủ động tham gia giám sát, phát hiện, tố cáo vi phạm pháp luật (hành vi hút thuốc lá tại địa điểm cấm hút thuốc lá).
Về quy trình thực hiện: Bước 1, người dân chủ động tham gia giám sát, phát hiện, tố cáo vi phạm pháp luật: Phát hiện, nhắc nhở, chụp hình,… Gửi hình ảnh vi phạm và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý, tiếp nhận ý kiến
Bước 2, cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận phản ảnh, tố cáo vi phạm pháp luật và tiến hành xác minh
Bước 3, cơ quan có thẩm quyền tiến hành các thủ tục xử phạt vi phạm: lập biên bản vi phạm, ra quyết định xử phạt, gửi quyết định xử phạt, thi hành quyết định xử phạt, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt.
Người dân cần tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống tác hại của thuốc lá
PV: Để tăng cường thực thi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá nói chung và Nghị định 117 về xử phạt hành chính các hành vi vi phạm Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, bà có khuyến nghị gì cho Việt Nam?
ThS Lê Thị Thu: Truyền thông để người dân hiểu các quy định của pháp luật từ đó tuân thủ các quy định pháp luật là yếu tố then chốt. Vì vậy, cần tăng cường công tác tuyên truyền về Luật Phòng chống tác hại thuốc lá và các văn bản hướng dẫn Luật và mới đây là Nghị định 117/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính các hành vi vi phạm Luật Phòng chống tác hại thuốc lá.
Bên cạnh đó, truyền thông về tác hại của thuốc lá nói chung và các chiến lược quảng cáo, tiếp thị sản phẩm nhắm tới giới trẻ hiện nay là cần thiết để người dân và đặc biệt là thanh thiếu niên ý thức không bắt đầu sử dụng thuốc lá, xây dựng thế hệ trẻ nói không với khói thuốc.
Luật Phòng chống tác hại thuốc lá có hiệu lực được hơn 7 năm, vì vậy song song với truyền thông thì xử phạt cũng cần được chú trọng để tăng cường thực thi và thực sự đưa Luật vào cuộc sống của triệu triệu người dân Việt Nam
PV: Trân trọng cảm ơn Bà!
Thái Bình (thực hiện)
Link nguồn:
Theo suckhoedoisong.vn
Tin nổi bật
- Luật Thủ đô (sửa đổi): Đảm bảo kết nối, tương tác hiệu quả giữa mạng lưới cơ sở y tế quốc gia và địa phương
01/07/2024 - 10:15:06
- 15 năm thực hiện Luật BHYT: Số người tham gia tăng, quyền lợi mở rộng, chất lượng khám chữa bệnh ngày càng nâng cao
01/07/2024 - 09:54:28
- Sở Y tế TPHCM gặp khó khăn khi xử lý hành vi bán thuốc qua mạng
28/06/2024 - 10:01:12
- Chi tiết 5 chính sách lớn để phát triển công nghiệp dược, tăng tiếp cận thuốc mới của người dân
26/06/2024 - 14:39:35
- Thời gian cấp Giấy đăng ký lưu hành thuốc mới sẽ giảm từ 12 tháng xuống 9 tháng
24/06/2024 - 09:49:17
- Sửa đổi Luật Dược nhằm bảo đảm người dân được tiếp cận thuốc chất lượng, kịp thời, giá hợp lý
18/06/2024 - 16:02:13