Sự cố 6 bệnh nhân bị sốc chạy thận ở Nghệ An xảy ra như thế nào
Ngày 30/7, hai ca chạy thận tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An bình thường, ca thứ ba tiến hành khoảng một giờ thì một người bị sốt.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Linh, Khoa Nội Thận, một trong hai bác sĩ trực ca chạy thận hôm xảy ra sự cố, cho biết 21 bệnh nhân đang được lọc máu nhân tạo thì một người có biểu hiện sốt. Bác sĩ Linh kẹp nhiệt độ bệnh nhân, ghi nhận hơn 38 độ C nên xử lý hạ sốt và tiếp tục chạy thận bình thường. Một lát sau lần lượt thêm 5 bệnh nhân khác có các biểu hiện như sốt, chóng mặt, buồn nôn.
Bệnh nhân Trường đang điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Hải.
Bà Đặng Thị Trường (62 tuổi) một trong ba bệnh nhân gặp phản ứng nặng, ngày 2/8 vẫn đang điều trị tại Khoa Hồi sức Tích cực chống độc của bệnh viện. Bà đã 8 năm chạy thận nhân tạo ở viện. Khi xảy ra sự cố, bà đang nằm lọc máu ở máy số 20."Người nhẹ thì sốt 38-39 độ C, ba người nặng ngoài sốt còn bị tụt huyết áp. Đây là bất thường, kíp trực cho ngừng máy chạy thận để chuyển bệnh nhân qua phòng cấp cứu, truyền dịch, ổn định huyết áp", bác sĩ Linh kể. Ba bệnh nhân nặng ngoài bệnh thận còn kèm một số bệnh lý khác, nền tảng sức khỏe yếu.
"Chạy máy được một lúc, tôi bắt đầu cảm thấy trong người khó chịu, rét run nên kéo hai cái chăn để đắp", bà Trường nhớ lại. Khi được đưa sang phòng khác để khám, bà Trường sốt hơn 39 độ, "đầu choáng váng, mở mắt ra thấy nhà xoay như chong chóng".
Hai bệnh nhân nặng khác đã được chuyển ra Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn huyết.
Ông Trần Tất Thắng, Phó Giám đốc bệnh viện cho biết trong khi chờ kết quả Viện Sức khỏe và Nghề nghiệp Hà Nội xét nghiệm nguồn nước dùng chạy thận, các chuyên gia Bệnh viện Bạch Mai đã phối hợp kiểm tra lại quy trình chạy thận, rửa quả lọc, test acid tồn dư, tẩy máy... ở viện Nghệ An.Hàng ngày Khoa Nội Thận Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An thực hiện từ 3 đến 4 ca chạy thận, mỗi ca kéo dài khoảng 3 giờ liên tục, mỗi máy chạy thận cho một bệnh nhân. Cứ 6 tháng một lần, hệ thống cung cấp nước cho máy chạy thận được kiểm tra định kỳ, lần gần nhất là ngày 23/6. Đây là lần đầu tiên xảy ra sự cố với người chạy thận tại viện.
"Ngày 1/8 đã test thử nước đầu vào và nước đầu ra RO của một máy chạy thận bất kỳ, kết quả bình thường. Từ kết quả này, chúng tôi nhận định sự cố chạy thận Nghệ An khác hoàn toàn với sự cố chạy thận 9 người chết ở tỉnh Hòa Bình năm 2017", ông Thắng chia sẻ.
Hiện chưa có kết luận nguyên nhân sự cố. Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An Nguyễn Xuân Hồng đánh giá đây là vụ việc "nghiêm trọng", song bước đầu xác định bệnh viện đã thực hiện đúng quy trình chạy thận. Tuy nhiên việc có liên tiếp 6 trường hợp có phản ứng bất thường như vậy được đánh giá là chưa có tiền lệ trong nhiều năm. Vì vậy tất cả máy chạy thận tại bệnh viện ngừng hoạt động để tìm hiểu nguyên nhân.
Lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An cũng chia sẻ: "Để xảy ra sự cố này, trước hết trách nhiệm thuộc về lãnh đạo bệnh viện và là bài học chung cho tất cả bệnh viện ở Nghệ An. Sở sẽ yêu cầu các bệnh viện rà soát lại quy trình chạy thận tại đơn vị mình".
Nguyễn Hải
Tin nổi bật
- Luật Thủ đô (sửa đổi): Đảm bảo kết nối, tương tác hiệu quả giữa mạng lưới cơ sở y tế quốc gia và địa phương
01/07/2024 - 10:15:06
- 15 năm thực hiện Luật BHYT: Số người tham gia tăng, quyền lợi mở rộng, chất lượng khám chữa bệnh ngày càng nâng cao
01/07/2024 - 09:54:28
- Sở Y tế TPHCM gặp khó khăn khi xử lý hành vi bán thuốc qua mạng
28/06/2024 - 10:01:12
- Chi tiết 5 chính sách lớn để phát triển công nghiệp dược, tăng tiếp cận thuốc mới của người dân
26/06/2024 - 14:39:35
- Thời gian cấp Giấy đăng ký lưu hành thuốc mới sẽ giảm từ 12 tháng xuống 9 tháng
24/06/2024 - 09:49:17
- Sửa đổi Luật Dược nhằm bảo đảm người dân được tiếp cận thuốc chất lượng, kịp thời, giá hợp lý
18/06/2024 - 16:02:13