Làm gần 900 trẻ nhiễm HIV, bác sĩ nhi khoa bị buộc tội ngộ sát
Gần 900 trẻ ở TP Ratodero – Pakistan bị chẩn đoán dương tính với HIV sau khi một bác sĩ nhi khoa bị cáo buộc tái sử dụng ống tiêm bị nhiễm bệnh.
Khoảng 200 người trưởng thành cũng bị dương tính với HIV kể từ khi vụ việc được xác nhận ở Ratodero hồi tháng 4. Vụ lây lan HIV này được cho là bắt nguồn từ việc ông Muzaffar Ghanghro, một bác sĩ nhi khoa, tái sử dụng kim tiêm nhiễm bệnh. Ông này đã bị bắt giữ, bị buộc tội cẩu thả và ngộ sát sau khi người nhà bệnh nhân cáo buộc ông ta thường xuyên tái sử dụng ống tiêm để tiêm cho con của họ.
Ông Imtiaz Jalbani, một trong những người đưa con đến khám ở chỗ ông Ghanghro, chia sẻ với tờ New York Times rằng bác sĩ này lục trong thùng tìm một kim tiêm cũ và sử dụng cho đứa con trai 6 tuổi của mình. Đứa bé này sau đó bị chẩn đoán là dương tính với HIV. Ông Ghanghro biện minh số tiền mà cha của 6 đứa trẻ chi trả không đủ để mua một ống tiêm mới.
4 đứa con của ông Jalbani đều bị dương tính với HIV và hai đứa nhỏ nhất đã qua đời.
Một bác sĩ nhi khoa khám bệnh ở Ratodero, Pakistan. Ảnh: The New York Times
Một người khác có 3 con nhiễm HIV sau khi được bác sĩ Ganghro điều trị nói rằng người này đã dùng cùng một kim tiêm cho 50 trẻ.
Ganghro vẫn chưa bị kết án và đang làm bác sĩ tại một bệnh viện công ở ngoại ô thành phố sau khi gia hạn giấy phép. Ông ta đã phủ nhận mọi lời cáo buộc và cho rằng mình vô tội.
Dù cuộc điều tra ban đầu của cảnh sát và các quan chức y tế kết luận hành động sơ suất và sự bất cẩn của Ganghro là nguyên nhân chính dẫn đến vụ lây lan HIV nhưng giới chức trách lại cho rằng đó không phải là nguyên nhân duy nhất.
Theo New York Times, các bác sĩ ở Ratodero tái sử dụng ống tiêm, trong khi các nha sĩ sử dụng các công cụ không được khử trùng trong các ca phẫu thuật và thợ cắt tóc sử dụng cùng một dao cạo râu cho nhiều khách hàng khác nhau.
Sự hiểu biết của người dân Pakistan về HIV vẫn còn rất hạn chế khi không ít người sợ lây bệnh qua đường tiếp xúc thông thường. Gần 900 trẻ em bị nhiễm HIV bị bạn bè xa lánh, phải ngồi cách ly ở trường. Một số người cũng sợ bị lây nhiễm từ con cái của họ.
Việc thiếu hiểu biết về HIV không phải là hiếm trong các cộng đồng nghèo khó trên khắp Pakistan, nơi các trường hợp nhiễm HIV đã tăng gần gấp đôi kể từ năm 2010 lên 160.000 ca.
Theo chương trình chung của Liên Hiệp Quốc về HIV và AIDS, khoảng 600.000 bác sĩ không đủ tiêu chuẩn đang hoạt động bất hợp pháp ở nước này, 270.000 trong số đó ở tỉnh Sindh, nơi có TP Ratodero.
Đối phó với cuộc khủng hoảng, chính phủ Pakistan đã đóng cửa các phòng khám có các bác sĩ không có giấy phép và ngân hàng máu bất hợp pháp. Tuy nhiên, khi sự chú ý của quốc tế và truyền thông giảm dần, một số phòng khám bắt đầu mở cửa trở lại.
Xuân Mai (Theo The New York Times)
Tin nổi bật
- Luật Thủ đô (sửa đổi): Đảm bảo kết nối, tương tác hiệu quả giữa mạng lưới cơ sở y tế quốc gia và địa phương
01/07/2024 - 10:15:06
- 15 năm thực hiện Luật BHYT: Số người tham gia tăng, quyền lợi mở rộng, chất lượng khám chữa bệnh ngày càng nâng cao
01/07/2024 - 09:54:28
- Sở Y tế TPHCM gặp khó khăn khi xử lý hành vi bán thuốc qua mạng
28/06/2024 - 10:01:12
- Chi tiết 5 chính sách lớn để phát triển công nghiệp dược, tăng tiếp cận thuốc mới của người dân
26/06/2024 - 14:39:35
- Thời gian cấp Giấy đăng ký lưu hành thuốc mới sẽ giảm từ 12 tháng xuống 9 tháng
24/06/2024 - 09:49:17
- Sửa đổi Luật Dược nhằm bảo đảm người dân được tiếp cận thuốc chất lượng, kịp thời, giá hợp lý
18/06/2024 - 16:02:13