Hai sản phụ tử vong nghi do thuốc gây tê
Trong vòng một tháng tại cùng bệnh viện, hai sản phụ tử vong và một nguy kịch khi được tiêm cùng một loại thuốc gây tê.
Ngày 20/11, Sở Y tế Đà Nẵng tổ chức họp báo ngay tại Bệnh viện Phụ nữ, quận Hải Châu, để thông tin về việc hai sản phụ tử vong, một sản phụ nguy kịch khi được tiêm thuốc gây tê để mổ bắt con.
Trước đó ba ngày, hai sản phụ 33 và 34 tuổi vào Bệnh viện Phụ nữ sinh mổ trong tình trạng sức khoẻ bình thường. Khi được tiêm thuốc gây tê tuỷ sống, hai bệnh nhân có biểu hiện tê, đau vùng mông phải, đau vùng cùng cụt, khó chịu, co giật hai chi dưới.
Gần một tháng trước, một sản phụ ở Đà Nẵng cũng vào Bệnh viện Phụ nữ sinh con. Cùng được tiêm một loại thuốc gây tê, người này sau đó tử vong.Các sản phụ liền được chuyển tuyến trên với chẩn đoán đi kèm là "theo dõi ngộ độc thuốc tê". Sau khi chuyển viện, một sản phụ tử vong. Người còn lại nguy kịch và đến hôm nay có chuyển biến tốt lên.
Ba trẻ sơ sinh sức khoẻ bình thường.
Ông Võ Xuân Phúc, Giám đốc Bệnh viện, cho biết bác sĩ gây tê cho các bệnh nhân có 30 năm kinh nghiệm, ba ca đều diễn biến rất nhanh. Bệnh viện đã chuyển ngay bệnh nhân lên tuyến trên cứu chữa khi có bất thường.
Trong tối 17/11, Bệnh viện đã cho niêm phong toàn bộ lô thuốc gây tê, phòng mổ, phòng hồi sức, lấy mẫu gửi đi xét nghiệm. "Nhận định sự việc đã vượt tầm của bệnh viện nên chúng tôi đã báo cáo Sở Y tế về làm việc", ông Phúc nói.
Bệnh viện chưa loại trừ nguyên nhân do thuốc. Cơ sở này được phân bổ 850 ống thuốc gây tê Marcain (Pháp) để sử dụng từ 2018. Đến tháng 5/2019, nhà cung cấp thông báo hết hàng cung ứng. Để đảm bảo nguồn thuốc, bệnh viện lựa chọn thuốc Bupivacaine (Ba Lan) có cùng hoạt chất để thay thế. Giá thuốc chênh lệch nhau không nhiều.
Có tổng cộng 380 ống thuốc Bupivacaine từ nhà cung cấp là Công ty CP Dược phẩm Trung ương CPC1, chia làm 3 đợt. Hai đợt đầu an toàn. Ba sản phụ gặp nạn được tiêm thuốc trong số 150 ống thuốc nhập đợt ba.
Ở Đà Nẵng, ngoài Bệnh viện Phụ nữ còn có Bệnh viện Phụ sản - Nhi và Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu sử dụng thuốc gây tê Bupivacaine thay thế cho Marcain. Tuy nhiên, chỉ Bệnh viện Phụ nữ ghi nhận có tai biến.
Ông Nguyễn Út, Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, nói: "Bệnh viện Phụ nữ đã làm đúng quy trình chẩn đoán, điều trị, chủ định phẫu thuật. Khi xảy ra sự cố đã tận dụng tối đa nhân lực và vật tư để cứu chữa cho các bệnh nhân. Đà Nẵng đang tập trung cứu chữa cho sản phụ sống sót".
Sở Y tế Đà Nẵng đã lấy mẫu thuốc gây tê Bupivacaine gửi đi kiểm tra tại Viện kiểm nghiệm thuốc Trung ương, dự kiến có kết quả sau khoảng 7-10 ngày. Trong thời gian này, các bệnh viện và trung tâm y tế được khuyến cáo không sử dụng Bupivacaine gây tê. Thành phố yêu cầu Sở làm rõ nguyên nhân và báo cáo trước ngày 30/11.
Nguyễn Đông
Tin nổi bật
- Luật Thủ đô (sửa đổi): Đảm bảo kết nối, tương tác hiệu quả giữa mạng lưới cơ sở y tế quốc gia và địa phương
01/07/2024 - 10:15:06
- 15 năm thực hiện Luật BHYT: Số người tham gia tăng, quyền lợi mở rộng, chất lượng khám chữa bệnh ngày càng nâng cao
01/07/2024 - 09:54:28
- Sở Y tế TPHCM gặp khó khăn khi xử lý hành vi bán thuốc qua mạng
28/06/2024 - 10:01:12
- Chi tiết 5 chính sách lớn để phát triển công nghiệp dược, tăng tiếp cận thuốc mới của người dân
26/06/2024 - 14:39:35
- Thời gian cấp Giấy đăng ký lưu hành thuốc mới sẽ giảm từ 12 tháng xuống 9 tháng
24/06/2024 - 09:49:17
- Sửa đổi Luật Dược nhằm bảo đảm người dân được tiếp cận thuốc chất lượng, kịp thời, giá hợp lý
18/06/2024 - 16:02:13