Hà Nội: Tuyên truyền, vận động người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết
Theo đó, trước diễn biến hết sức phức tạp, từ ổ dịch tại tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh đã lan ra một số tỉnh, TP trong đó có Hà Nội, để nhanh chóng kiểm soát có hiệu quả sự lây lan, chủ động quyết liệt ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 sớm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.
Chủ tịch Chu Ngọc Anh yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan thuộc TP; UBND các quận, huyện, thị xã phải xác định nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách hàng đầu trong thời gian trước, trong và sau tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm “chống dịch như chống giặc”; thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch.
Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu, tích cực tham gia và đi đầu trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Kiên định thực hiện các nguyên tắc phòng, chống dịch: Ngăn chặn, phát hiện sớm, truy vết thần tốc, khoanh vùng nhanh chóng, cách ly triệt để, lấy mẫu kịp thời, xét nghiệm và xử lý nhanh. Đồng thời với việc làm tốt công tác điều trị đảm bảo an toàn trong bệnh viện, hạn chế thấp nhất người tử vong; chủ động phương châm “4 tại chỗ”, tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch…
Tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dich Covid-19. Như: Tuyên truyền, vận động người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch (bắt buộc đeo khẩu trang khi ra ngoài; không tập trung đông người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 1m khi tiếp xúc; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn..).
Dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, sự kiện có tập trung đông người tại nơi công cộng, sân vận động và các sự kiện lớn chưa cần thiết. Không tổ chức liên hoan tất niên, gặp mặt đầu xuân; thực hiện việc hiếu, hỷ văn minh, hạn chế tối đa tập trung đông người và đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, tránh lây lan dịch bệnh.
Đối với các cơ sở dịch vụ, sản xuất kinh doanh: Tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ Karaoke, quán bar, vũ trường, Game, Internet cho đến khi có chỉ đạo cho phép tiếp tục hoạt động của TP. Các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ khác phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch như: Trang bị phòng hộ cho nhân viên, đo thân nhiệt; bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư để rửa tay, sát khuẩn tại cơ sở và bảo đảm giãn cách khi tiếp xúc.
Hình ảnh vắng vẻ tại ngã tư phố Tràng Tiền trong đợt giãn cách xã hồi tháng 4-2020 (ảnh Khánh Chi) |
Đối với hoạt động kinh doanh ăn uống, cà phê giải khát - là nơi có nguy cơ lây nhiễm trực tiếp cần thực hiện giãn cách tối thiểu 2m giữa người với người hoặc giữ khoảng cách tối thiểu 1m và có tấm chắn giữa các vị trí ngồi, không sử dụng đồ chung, khuyến khích bán hàng mang về nhà.
Đồng thời, hạn chế di chuyển, nhất là trong dịp tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong vận chuyển hành khách công cộng: Hành khách và lái xe phải đeo khẩu trang, khai báo y tế, có dung dịch sát khuẩn để sát khuẩn tay; lập danh sách hành khách (họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ) đối với hoạt động vận chuyển hành khách liên tỉnh; sắp xếp, bố trí hành khách ngồi giãn cách trên xe.
Thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 tại hộ gia đình, chung cư, trường học, trụ sở làm việc, hội họp, trên phương tiện giao thông, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối, chợ dân sinh, khu công nghiệp, nhà máy... theo Quyết định số 3888/QĐ-BYT ngày 8-9-2020 của Bộ Y tế.
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, cơ sở chịu trách nhiệm thực hiện công tác phòng, chống dịch trong cơ quan, đơn vị: Không tổ chức các cuộc họp, hội nghị đông người chưa cần thiết, không tổ chức liên hoan, tiệc mừng; khuyến khích họp trực tuyến và sử dụng công nghệ thông tin, không để đình trệ công việc nhất là các công việc có thời hạn, thời hiệu theo quy định của pháp luật, các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Đối với sự kiện phục vụ mục đích chính trị, kinh tế - xã hội thực sự cần thiết phải tổ chức thì do cấp ủy, chính quyền địa phương quyết định và thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm như: Khử khuẩn phòng họp, đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, ngồi giãn cách.
UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn duy trì triển khai hoạt động của tổ giám sát cộng đồng và hoạt động ứng trực 24/24/7 để thực hiện rà soát, nhắc nhở, đôn đốc công tác phòng, chống dịch tới từng hộ gia đình nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
T. An
Tin nổi bật
- Luật Thủ đô (sửa đổi): Đảm bảo kết nối, tương tác hiệu quả giữa mạng lưới cơ sở y tế quốc gia và địa phương
01/07/2024 - 10:15:06
- 15 năm thực hiện Luật BHYT: Số người tham gia tăng, quyền lợi mở rộng, chất lượng khám chữa bệnh ngày càng nâng cao
01/07/2024 - 09:54:28
- Sở Y tế TPHCM gặp khó khăn khi xử lý hành vi bán thuốc qua mạng
28/06/2024 - 10:01:12
- Chi tiết 5 chính sách lớn để phát triển công nghiệp dược, tăng tiếp cận thuốc mới của người dân
26/06/2024 - 14:39:35
- Thời gian cấp Giấy đăng ký lưu hành thuốc mới sẽ giảm từ 12 tháng xuống 9 tháng
24/06/2024 - 09:49:17
- Sửa đổi Luật Dược nhằm bảo đảm người dân được tiếp cận thuốc chất lượng, kịp thời, giá hợp lý
18/06/2024 - 16:02:13