Đổi thuốc gây tê sau ca tử vong của sản phụ Đà Nẵng
Nhiều bệnh viện ở Hà Nội đổi thuốc gây tê trong khi chờ kết quả kiểm nghiệm thuốc Bupivacaine liên quan vụ tai biến đối với hai sản phụ ở Đà Nẵng.
Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương (CPC1), đơn vị cung cấp thuốc gây tê Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy 4ml đã dừng cung cấp thuốc này cho các bệnh viện. Việc dừng cấp thuốc được thực hiện cho đến khi Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương hoàn tất việc kiểm tra, theo thông báo của CPC1.
Thuốc Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy 4ml do Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương nhập khẩu, nhà sản xuất Ba Lan. Ảnh: cpc1 |
Một chuyên gia thuộc Hội đồng thuốc và điều trị, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết Bupivacaine là loại thuốc gây tê duy nhất trúng thầu tập trung tại Sở Y tế Hà Nội đợt vừa qua để cung cấp cho các bệnh viện trên địa bàn. Hiện các bệnh viện tại Hà Nội đã ngừng sử dụng thuốc gây tê Bupivacaine, tạm thời thay thế bằng thuốc gây tê khác.
Bệnh viện Bạch Mai thay thế bằng thuốc Anaropin 5mg/ml lọ 10ml. Thuốc này được chỉ định gây tê ngoài màng cứng trong phẫu thuật, bao gồm cả mổ đẻ, gây tê nội tủy mạc (dưới màng nhện), phong bế thần kinh lớn, phong bế thần kinh ngoại biên và gây tê vùng có chọn lọc. Anaropin có công dụng giảm đau cấp, dùng để giảm đau sau phẫu thuật hoặc giảm đau khi sinh.
Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thay thế bằng thuốc Chirocaine, bằng cách tiêm lượng nhỏ tăng dần liều vào màng cứng, tác dụng gây tê, giảm đau.
Bệnh viện Phụ sản Trung ương cũng đã ngừng sử dụng thuốc Bupivacaine, đang trong quá trình thay thế thuốc mới.
Tại TP HCM, bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cho biết bệnh viện vẫn đang sử dụng Bupivacaine, tuy nhiên luôn phải khai thác tiền sử bệnh nhân có dị ứng thuốc, dị ứng thuốc tê, có chống chỉ định gây tê tủy sống không...
Đại diện các bệnh viện trên cho biết trước đó chưa xảy ra sự cố nào liên quan đến thuốc Bupivacaine.
Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy 4mllà thuốc nhập khẩu từ Ba Lan. Theo Cục Quản lý dược, Bộ Y tế, hiện đã cấp visa lưu hành cho 18 loại thuốc tiêm chứa hoạt chất tương tự, của các nhà sản xuất Ấn Độ, Pháp và Việt Nam. Cục Quản lý Dược hôm 22/11 yêu cầu các sở y tế và bệnh viện chuẩn bị phương án nếu phải thay thế Bupivacaine, cho phép sử dụng nhiều hình thức như đấu thầu rộng rãi, mua sắm trực tiếp, chỉ định thầu... để kịp thời có thuốc.
Thuốc gây tê Bupivacaine bị nghi là gây tai biến cho hai sản phụ ở Bệnh viện Phụ nữ, quận Hải Châu, Đà Nẵng, hôm 17/11 khiến một người tử vong, người kia nguy kịch. Hội đồng chuyên môn đang điều tra để xác định nguyên nhân.
Nhóm phóng viên
Tin nổi bật
- Luật Thủ đô (sửa đổi): Đảm bảo kết nối, tương tác hiệu quả giữa mạng lưới cơ sở y tế quốc gia và địa phương
01/07/2024 - 10:15:06
- 15 năm thực hiện Luật BHYT: Số người tham gia tăng, quyền lợi mở rộng, chất lượng khám chữa bệnh ngày càng nâng cao
01/07/2024 - 09:54:28
- Sở Y tế TPHCM gặp khó khăn khi xử lý hành vi bán thuốc qua mạng
28/06/2024 - 10:01:12
- Chi tiết 5 chính sách lớn để phát triển công nghiệp dược, tăng tiếp cận thuốc mới của người dân
26/06/2024 - 14:39:35
- Thời gian cấp Giấy đăng ký lưu hành thuốc mới sẽ giảm từ 12 tháng xuống 9 tháng
24/06/2024 - 09:49:17
- Sửa đổi Luật Dược nhằm bảo đảm người dân được tiếp cận thuốc chất lượng, kịp thời, giá hợp lý
18/06/2024 - 16:02:13