Điều tra vụ sản xuất giấy khám sức khỏe giả
Ngày 13/8, Công an tỉnh Bắc Giang cho biết đang điều tra làm rõ vụ án Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức. Trước đó, tổ công tác Phòng Cảnh sát Hình sự - Công an tỉnh Bắc Giang bắt quả tang đối tượng Dương Văn Nhiệm (SN 1967, trú ở xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng, Bắc Giang) đang có hành vi bán giấy khám sức khỏe giả cho một khách hàng ở phường Dĩnh Kế, TP. Bắc Giang.
Giấy khám sức khỏe giả được làm tinh vi đến mức mắt thường khó có thể phát hiện
Theo Công an tỉnh Bắc Giang, cơ quan công an đã thu giữ tang vật gồm 1 giấy khám sức khỏe có dấu Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang, 1 điện thoại di động. Khám xét khẩn cấp nơi ở của đối tượng Dương Văn Nhiệm, Phòng Cảnh sát Hình sự thu giữ 14 giấy khám sức khỏe có dấu Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang, Bệnh viện Quân y 110, 1 điện thoại di động, 1 máy ảnh và 200.000 đồng. Mở rộng điều tra, Phòng Cảnh sát Hình sự tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở của Nguyễn Thị Mơ (SN 1996, trú tại huyện Yên Dũng); thu giữ 2 máy in, 1 máy tính xách tay, 36 giấy khám sức khỏe, 1 điện thoại di động, hơn 1 triệu đồng, đồng thời triệu tập đối tượng Nguyễn Thị Mơ về trụ sở công an để đấu tranh làm rõ.
Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định từ khoảng giữa năm 2019 đến nay, Dương Văn Nhiệm đã đặt hàng Nguyễn Thị Mơ làm giả các loại giấy khám sức khỏe với giá 70.000 đồng/1 tờ rồi bán cho khách có nhu cầu với giá 120.000 đồng/1 tờ. Tại cơ quan công an, bước đầu, Mơ khai nhận do có chút hiểu biết về thiết kế đồ họa nên đã chụp con dấu trên các giấy khám sức khỏe của các bệnh viện trên rồi chỉnh sửa, làm giả các giấy khám sức khỏe. Các giấy khám sức khỏe giả này được Mơ làm tinh vi đến mức bằng mắt thường khó có thể phát hiện được. Căn cứ tài liệu thu thập, Phòng Cảnh sát Hình sự đã tạm giữ đối tượng Dương Văn Nhiệm để điều tra về hành vi làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức. Đối tượng Nguyễn Thị Mơ do đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng nên không áp dụng biện pháp tạm giữ.
Giấy khám sức khỏe giả bị cơ quan công an thu giữ.
Tình trạng mua bán giấy khám sức khỏe giả chưa thuyên giảm
Trước đó, vào cuối tháng 6/2020, Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an huyện Đông Anh, Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Anh Dũng (SN 1994; trú tại xã Gia Khánh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) để điều tra hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Theo đó, tại thôn Đại Đồng, xã Đại Mạch, Đội Cảnh sát Kinh tế - Công an huyện Đông Anh phát hiện Nguyễn Anh Dũng giấu trong người nhiều giấy khám sức khỏe và con dấu hình tròn mang tên Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn có dấu hiệu làm giả. Đội Cảnh sát Kinh tế Công an huyện Đông Anh đã đưa đối tượng về trụ sở để đấu tranh, làm rõ. Tại cơ quan công an, Dũng khai nhận đã đặt làm giả con dấu và giấy khám sức khỏe trên mạng xã hội, mục đích bán chênh lệch kiếm lời. Các con dấu mà Dũng làm giả đều là dấu tròn của các bệnh viện như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn. Giấy khám sức khỏe Dũng mua 15.000 đồng/tờ rồi bán với giá 35.000 đồng/tờ. Ngoài ra, Dũng khai còn làm giả giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.
Đối tượng Dương Văn Nhiệm.
Luật sư Nguyễn Tiến Thủy - Văn phòng Luật sư Việt Lý (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ mua bán giấy khám sức khỏe giả tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước nhưng trên thực tế, thực trạng này vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Việc làm giả tài liệu, con dấu và buôn bán giấy khám sức khỏe giả không chỉ gây ảnh hưởng đến uy tín của ngành y tế mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi những giấy tờ giả đó được tiêu thụ trót lọt. Để ngăn chặn được tình trạng rao bán giấy khám sức khỏe giả tràn lan trên mạng xã hội, ngoài sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng thì mỗi người dân cần phải thay đổi nhận thức. Người có nhu cầu làm giấy khám sức khỏe nên đến bệnh viện trực tiếp khám và làm đầy đủ các xét nghiệm. Đây không những là việc làm tốt cho bản thân mình mà còn đảm bảo quyền lợi cho mọi người.
Luật sư Nguyễn Tiến Thủy cũng cho biết, theo Bộ luật Hình sự 2017 thì người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật thì bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.
T. Vinh
Link nguồn:
https://suckhoedoisong.vn/dieu-tra-vu-san-xuat-giay-kham-suc-khoe-gia-n178718.html
Theo suckhoedoisong.vn
Tin nổi bật
- Luật Thủ đô (sửa đổi): Đảm bảo kết nối, tương tác hiệu quả giữa mạng lưới cơ sở y tế quốc gia và địa phương
01/07/2024 - 10:15:06
- 15 năm thực hiện Luật BHYT: Số người tham gia tăng, quyền lợi mở rộng, chất lượng khám chữa bệnh ngày càng nâng cao
01/07/2024 - 09:54:28
- Sở Y tế TPHCM gặp khó khăn khi xử lý hành vi bán thuốc qua mạng
28/06/2024 - 10:01:12
- Chi tiết 5 chính sách lớn để phát triển công nghiệp dược, tăng tiếp cận thuốc mới của người dân
26/06/2024 - 14:39:35
- Thời gian cấp Giấy đăng ký lưu hành thuốc mới sẽ giảm từ 12 tháng xuống 9 tháng
24/06/2024 - 09:49:17
- Sửa đổi Luật Dược nhằm bảo đảm người dân được tiếp cận thuốc chất lượng, kịp thời, giá hợp lý
18/06/2024 - 16:02:13