Con mua nguyên liệu để mẹ pha chế nước sát khuẩn giả bán kiếm lời
Mua nguyên liệu, sau đó pha chế nước sát khuẩn rồi dán nhãn mác thương hiệu có tiếng để tung ra thị trường nhằm trục lợi. Vụ việc đang được Công an tỉnh Nghệ An tiến hành điều tra mở rộng, đấu tranh làm rõ.
Làm rõ hành vi sản xuất nước sát khuẩn giả của 2 mẹ con
Công an tỉnh Nghệ An cho biết, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh đã xác định đối tượng chuyên sản xuất nước sát khuẩn giả mang nhãn hiệu AERIUS - một nhãn hiệu có tiếng trên thị trường, sau đó bán với giá rẻ nhằm thu lợi bất chính.
Qua điều tra, tại địa bàn phường Hồng Sơn, TP Vinh, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã bắt quả tang đối tượng Đặng Hữu Huỳnh (SN 1991) có hành vi bán gần 1.700 chai nước sát khuẩn giả nhãn hiệu AERIUS.
Cơ quan công an làm việc với Đặng Hữu Huỳnh về hành vi sản xuất nước sát khuẩn giả.
Mở rộng điều tra, Phòng cảnh sát kinh tế đã thi hành lệnh khám xét nơi sản xuất hàng giả tại nhà mẹ đẻ của đối tượng Đặng Hữu Huỳnh là Nguyễn Thị Hồng (SN 1968 (trú tại xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh).
Tại thời điểm khám xét, lực lượng chức năng thu giữ hơn 2.900 vỏ chai nhựa, các thùng nhựa lớn, chai lọ đựng các dung dịch hóa chất. Theo lực lượng chức năng, đây chính là những công cụ, phương tiện để đối tượng Đặng Hữu Huỳnh tổ chức thực hiện hành vi sản xuất nước sát khuẩn giả.
Khai nhận với cơ quan Công an, Đặng Hữu Huỳnh cho biết do tình dình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Nhận thấy nhu cầu sử dụng nước sát khuẩn tăng cao, trong khi hàng hóa lại khan hiếm. Do vậy, Huỳnh đã mua các nguyên liệu để sản xuất nước sát khuẩn giả để bán ra thị trường, tổng số 4.500 chai.
Cơ quan công an cũng đã làm rõ, toàn bộ số nguyên liệu, hàng hóa thu giữ tại nhà Nguyễn Thị Hồng đều do đối tượng Đặng Hữu Huỳnh đặt mua về để mẹ mình dùng pha chế, đóng gói thành các chai nước sát khuẩn giả nhãn hiệu AERIUS. Sau đó, các chai nước sát khuẩn được vận chuyển ra TP Vinh, Nghệ An để bán cho nhiều địa điểm kinh doanh tại đây tiêu thụ.
Được biết, mỗi chai nước sát khuẩn giả được đối tượng Đặng Hữu Huỳnh bán với giá từ 20-30 nghìn đồng. Hành vi này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng và uy tín của các hãng sản xuất bị làm giả.
Làm giả nước sát khuẩn có thể bị phạt tù
Theo Công an tỉnh Nghệ An, hành vi của Đặng Hữu Huỳnh và Nguyễn Thị Hồng có dấu hiệu của tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả", quy định tại Điều 192 BLHS. Hiện vụ việc đang được tập trung đấu tranh làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.
Về góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Tiến Thủy - Văn phòng luật sư Việt Lý, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định, hành vi buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về xử lý hình sự, theo Điều 192 - Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội sản xuất, buôn bán hàng giả quy định, người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp: Hàng giả trị giá từ 20 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn; hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30 triệu đồng đến dưới 150 triệu đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;… thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; hàng giả trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn; thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng… sẽ bị phạt tù từ 5-10 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Hàng giả có giá thành sản xuất 100 triệu đồng trở lên; hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn từ 200 triệu đồng trở lên; thu lợi bất chính 500 triệu đồng trở lên; gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;…sẽ bị phạt tù từ 7-15 năm.
Hành vi làm giả nước sát khuẩn rất nguy hiểm, bởi với sản phẩm nước sát khuẩn không đảm bảo chất lượng sẽ không có tác dụng phòng chống dịch bệnh, đe dọa sự an toàn về sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng.
Tin nổi bật
- Luật Thủ đô (sửa đổi): Đảm bảo kết nối, tương tác hiệu quả giữa mạng lưới cơ sở y tế quốc gia và địa phương
01/07/2024 - 10:15:06
- 15 năm thực hiện Luật BHYT: Số người tham gia tăng, quyền lợi mở rộng, chất lượng khám chữa bệnh ngày càng nâng cao
01/07/2024 - 09:54:28
- Sở Y tế TPHCM gặp khó khăn khi xử lý hành vi bán thuốc qua mạng
28/06/2024 - 10:01:12
- Chi tiết 5 chính sách lớn để phát triển công nghiệp dược, tăng tiếp cận thuốc mới của người dân
26/06/2024 - 14:39:35
- Thời gian cấp Giấy đăng ký lưu hành thuốc mới sẽ giảm từ 12 tháng xuống 9 tháng
24/06/2024 - 09:49:17
- Sửa đổi Luật Dược nhằm bảo đảm người dân được tiếp cận thuốc chất lượng, kịp thời, giá hợp lý
18/06/2024 - 16:02:13