Cây xăng 'găm hàng, chờ tăng giá' sẽ bị xử phạt như thế nào?
Nếu doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ xăng dầu có dấu hiệu ngưng hoặc hạn chế bán hàng mà không có lý do chính đáng sẽ bị xem xét đình chỉ hoặc tước giấy phép kinh doanh.
Doanh nghiệp có thể bị đình chỉ, tước giấy phép kinh doanh
Trước tình hình giá xăng dầu có nhiều biến động, các cơ quan quản lý đã có nhiều biện pháp để đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, tại một số địa phương vẫn xảy ra tình trạng "găm hàng, chờ tăng giá" gây bất bình cho người dân.
Trước vấn đề này, ngày 8/3/2022, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã ban hành Công văn số 1155/BCT-TTTN gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Lực lượng QLTT Hà Nội kiểm tra, giám sát hoạt động của các cây xăng trên địa bàn.
Tại Công văn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đặc biệt lưu ý, trước tình hình khó khăn về nguồn cung và giá xăng dầu biến động mạnh như hiện nay, nếu các cửa hàng bán lẻ xăng dầu hoặc các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có dấu hiệu ngưng hoặc hạn chế bán hàng mà không có lý do chính đáng sẽ bị xem xét đình chỉ hoặc tước Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu theo quy định.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo từ Bộ Công thương, Cục QLTT tỉnh Bắc Ninh đã ban hành công văn số 90/CQLTT-NVTH về việc giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh, chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc tuyên truyền, ký cam kết đối với các cơ sở kinh doanh xăng dầu về việc thực hiện bán theo giá niêm yết, không đầu cơ, găm hàng tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu…
Cục QLTT Bến Tre tiếp tục chỉ đạo các Đội QLTT thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo, tổ chức trực 24/24 giờ/ngày (kể cả ngày nghỉ), nhằm kịp thời giải quyết các thông tin phản ánh của người dân, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, giám sát chặt chẽ tình hình bán lẻ xăng dầu trên địa bàn; rà soát số cửa hàng xăng dầu ngừng hoạt động, số nhà phân phối và tổng đại lý xăng dầu trên địa bàn, trường hợp ngừng hoạt động kiến nghị thu hồi giấy phép theo quy định...
Cục QLTT tỉnh Kiên Giang đã triển khai ngay đến các đơn vị trực thuộc Cục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn toàn tỉnh, đồng thời tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân kịp thời phản ánh, tố giác các hành vi vi phạm liên quan đến kinh doanh xăng, dầu.
Cục QLTT tỉnh An Giang cũng ban hành văn bản chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc tăng cường công tác giám sát, quản lý địa bàn, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp trao đổi thông tin với các cơ quan chức năng khác nhằm phát hiện kịp thời các diễn biến bất thường của hàng hóa lưu thông trên thị trường nhất là đối với mặt hàng xăng dầu.
Là hành vi vi phạm pháp luật
Chia sẻ về vấn đề này, Luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật) cho rằng, nếu các cửa hàng kinh doanh xăng dầu cố tình găm hàng chờ tăng giá trục lợi thì đây là hành vi vi phạm pháp luật. Ông Bình cho rằng, với hành vi này có thể bị xử phạt hành chính, rút giấy phép kinh doanh, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo luật sư Bình, Điều 30 Nghị định 67/NĐ-CP về xử phạt lĩnh vực xăng dầu cho biết, với hành vi không niêm yết thời gian bán hàng tại nơi bán hàng; Niêm yết thời gian bán hàng không rõ ràng, không dễ thấy sẽ bị phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng.
Mức phạt tiền sẽ tăng lên từ 20-40 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Giảm thời gian bán hàng so với thời gian niêm yết hoặc so với thời gian bán hàng trước đó mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền; Không bán hàng, ngừng bán hàng mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền; Giảm lượng hàng bán ra so với thời gian trước đó mà không có lý do chính đáng…
Cây xăng trên đường Trần Phú (Hà Đông, Hà Nội) treo biển "hết xăng". Ảnh: TP.
Tại khoản 1 Điều 196 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính sẽ bị phạt tiền, phạt tù.
Cụ thể, phạm tội trong trường hợp hàng hóa trị giá từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng; thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng thì có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Phạm tội trong trường hợp hàng hoá trị giá 3 tỷ đồng trở lên; thu lợi bất chính 1 tỷ đồng trở lên hoặc tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tiền từ 1,5-5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 7-15 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20-200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.
Đối với pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt tiền từ 300 triệu - 9 tỷ đồng, bị cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1-3 năm.
Tin nổi bật
- Luật Thủ đô (sửa đổi): Đảm bảo kết nối, tương tác hiệu quả giữa mạng lưới cơ sở y tế quốc gia và địa phương
01/07/2024 - 10:15:06
- 15 năm thực hiện Luật BHYT: Số người tham gia tăng, quyền lợi mở rộng, chất lượng khám chữa bệnh ngày càng nâng cao
01/07/2024 - 09:54:28
- Sở Y tế TPHCM gặp khó khăn khi xử lý hành vi bán thuốc qua mạng
28/06/2024 - 10:01:12
- Chi tiết 5 chính sách lớn để phát triển công nghiệp dược, tăng tiếp cận thuốc mới của người dân
26/06/2024 - 14:39:35
- Thời gian cấp Giấy đăng ký lưu hành thuốc mới sẽ giảm từ 12 tháng xuống 9 tháng
24/06/2024 - 09:49:17
- Sửa đổi Luật Dược nhằm bảo đảm người dân được tiếp cận thuốc chất lượng, kịp thời, giá hợp lý
18/06/2024 - 16:02:13