Bệnh viện Da Liễu TP.HCM nói gì về 'chỉ tiêu' xét nghiệm?
Không có bệnh nào quy định phải xét nghiệm bao nhiêu phần trăm
Theo ông Hào, mô hình bệnh tật tại Bệnh viện Da Liễu thì các bệnh da mạn tính thường gặp như: vảy nến, viêm da cơ địa, mày đay, bệnh lây truyền qua đường tình dục... chiếm tỷ lệ trên 25%. Theo phác đồ điều trị, các bệnh này cần phải làm xét nghiệm thường quy và chuyên biệt để chẩn đoán, xác định nguyên nhân, theo dõi, tiên lượng, tầm soát bệnh lý đi kèm.
Sau khi đưa ra lý giải trên, ông Hào dự đoán về tỷ lệ bệnh nhân cần phải làm xét nghiệm để ép bác sĩ phải chỉ định cho bệnh nhân xét nghiệm tối thiểu 20% trong tổng số bệnh nhân khám. “Từ những dữ liệu trên, ước lượng có khoảng 20% số bệnh nhân đến khám cần được xét nghiệm để đảm bảo chất lượng điều trị cho bệnh nhân”, ông Hào nhấn mạnh.
Dù ông Hào đưa ra con số trên 25% bệnh nhân đến với bệnh viện là mắc các bệnh da mạn tính thường gặp như trên, nhưng ông này không cho biết kết quả khảo sát này vào thời điểm nào và cụ thể ra sao.
Sau đó, ông Hào còn cho biết Ban giám đốc đã phân công bác sĩ Nguyễn Thị Phan Thúy - Phó giám đốc Bệnh viện Da Liễu theo dõi, nhắc nhở thực hiện đúng, đủ, hợp lý theo phác đồ điều trị, nhưng trong quá trình diễn giải, chỉ đạo qua mail cá nhân có một một số câu chữ gây hiểu lầm cho bác sĩ.
Cách lý giải này cho thấy, ông Hào đang lấp liếm cái sai của mình trong việc ép bác sĩ chỉ định xét nghiệm tối thiểu 20% bệnh nhân mà bác sĩ đó khám. Vì theo các chuyên gia y tế không có một cơ sở khoa học nào để có thể đưa ra một tỷ lệ bệnh nhân cần phải làm xét nghiệm ở một bệnh lý nào đó là bao nhiêu phần trăm.
“Bệnh nhân cần phải xét nghiệm hay không phụ thuộc vào y đức và trách nhiệm của người bác sĩ đó. Nếu bác sĩ nhận thấy, tình trạng bệnh của bệnh nhân cần phải xét nghiệm để hỗ trợ chẩn đoán xác định bệnh, tiên lượng bệnh, theo dõi bệnh hay hỗ trợ cho việc điều trị thì chỉ định bệnh nhân xét nghiệm, còn nếu trên lâm sàng đã rõ thì không cần phải xét nghiệm. Vì thế không có chuyện một bệnh lý nào đó quy định tỷ lệ phải xét nghiệm là bao nhiêu, vì còn tùy thuộc vào bệnh nặng, bệnh nhẹ và cả trình độ chuyên môn của bác sĩ đó”, một chuyên gia y tế chia sẻ.
Bên cạnh đó, bác sĩ Hào nói rằng bác sĩ Thúy (Phó giám đốc bệnh viện) chỉ theo dõi, nhắc nhở thực hiện đúng, đủ, hợp lý theo phác đồ điều trị, nhưng có một số câu chữ diễn đạt gây hiểu lầm lại càng thể hiện sự trơ trẽn. Vì thực tế Bệnh viện Da Liễu đã có một bảng danh sách nhắc nhở những bác sĩ không hoàn thành chỉ tiêu chỉ định xét nghiệm từ 20% trở lên. Cụ thể trong tháng 2.2019, bệnh viện này đã đưa ra một bảng danh sách gồm 13 bác sĩ bị nhắc nhở vì có tỷ lệ xét nghiệm dưới 20%, trong đó có bác sĩ trưởng và phó khoa lâm sàng 1.
"Việc nhắc nhở những bác sĩ trên được ghi rõ là có tỷ lệ chỉ định xét nghiệm dưới 20%, chứ không phải là nhắc nhở để thực hiện đúng, đủ, hợp lý theo phác đồ điều trị. Vì thế không có chuyện các bác sĩ ở đây hiểu lầm cách diễn giải, chỉ đạo của bác sĩ Thúy. Đây là sự lấp liếm của bệnh viện để che giấu những sai phạm của mình”, một bác sĩ đang công tác tại bệnh viện này bức xúc nói.
Sở Y tế vẫn đang chờ báo cáo của bệnh viện
Việc ép các bác sĩ xét nghiệm phải đạt tỷ lệ xét nghiệm trên không chỉ là hành động trái y đức của người thầy thuốc mà còn đẩy bệnh nhân vào tình trạng “dở khóc dở cười”. Có không ít những bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện Da Liễu là những bệnh nhân nghèo đến từ các tỉnh, thành xa TP.HCM. Nhiều người đi khám bệnh không có nhiều tiền, nên sau khi khám và thực hiện xét nghiệm không cần thiết đã không còn tiền để mua thuốc điều trị.
Chị L.(44 tuổi, quê ở An Giang) thất thểu ra về sau khi khám và làm xét nghiệm đã hết tiền, nên khi nhận toa thuốc đã không còn tiền để mua. “Tui thấy vùng da ở tay bị ngứa, ửng đỏ nên đến đây khám. Sau khi khám, các bác sĩ chẩn đoán tui bị chàm nhưng sau đó cho làm xét nghiệm, cuối cùng cũng kết luận bị chàm. Do tốn tiền xét nghiệm cả triệu đồng, giờ tui không còn tiền để mua thuốc nữa. Thôi giờ về nhà, khi nào có tiền thì mua thuốc”, chị L. phân trần.
Thực tế trên đã khiến không ít người cảm thấy xót xa, chạnh lòng cho những bệnh nhân không mấy khá giả này.
Để làm rõ vấn đề này, chiều 4.9, phóng viên báo Một Thế Giới đã liên hệ với bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM. Bà Mai cho biết, hiện Sở Y tế TP vẫn đang chờ báo cáo của Bệnh viện Da Liễu về vấn đề này. Hiện các phòng chức năng của Sở Y tế đang tiến hành làm việc với Ban giám đốc Bệnh viện Da Liễu cũng như các bác sĩ trong bệnh viện.
“Hiện nay tôi đang chờ báo cáo này. Sau đó, Ban giám đốc Sở Y tế và các bộ phận chuyên môn sẽ có một buổi làm việc với bệnh viện về vấn đề trên”, bà Mai cho biết.
Hồ Quang
Tin nổi bật
- Luật Thủ đô (sửa đổi): Đảm bảo kết nối, tương tác hiệu quả giữa mạng lưới cơ sở y tế quốc gia và địa phương
01/07/2024 - 10:15:06
- 15 năm thực hiện Luật BHYT: Số người tham gia tăng, quyền lợi mở rộng, chất lượng khám chữa bệnh ngày càng nâng cao
01/07/2024 - 09:54:28
- Sở Y tế TPHCM gặp khó khăn khi xử lý hành vi bán thuốc qua mạng
28/06/2024 - 10:01:12
- Chi tiết 5 chính sách lớn để phát triển công nghiệp dược, tăng tiếp cận thuốc mới của người dân
26/06/2024 - 14:39:35
- Thời gian cấp Giấy đăng ký lưu hành thuốc mới sẽ giảm từ 12 tháng xuống 9 tháng
24/06/2024 - 09:49:17
- Sửa đổi Luật Dược nhằm bảo đảm người dân được tiếp cận thuốc chất lượng, kịp thời, giá hợp lý
18/06/2024 - 16:02:13