'Ăn' trên lưng người bệnh
Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội là một trong số những bệnh viện lớn nhất nước, có nguồn thu vào loại lớn nhất và cũng là nơi khám chữa bệnh được xem là uy tín nhất.
Nhưng chuyện ở Bạch Mai "vỡ" (và còn nhiều bệnh viện công nữa cũng đang bị "sờ gáy") bởi những chiêu trò nâng giá, đẩy giá thiết bị khiến bệnh viện công nhưng quyền lợi thì chỉ một vài người được hưởng.
Bệnh viện công vì thế dù nguồn thu rất lớn nhưng vẫn xập xệ, vẫn phải giật gấu vá vai. Trong khi cùng mặt bằng thị trường y tế và không hề nhận được các ưu đãi như bệnh viện công, bệnh viện tư vẫn sống được.
Nói thế để thấy những vướng mắc ở bệnh viện công đã lên đến đỉnh điểm, cần những cơ chế, chính sách để giải thoát và khắc phục. Chuyện đã âm ỉ từ lâu nhưng Bộ Y tế, cơ quan làm chính sách lại để quên rất nhiều thứ mà bệnh viện công cần. Chính sách hiện hành cho phép bệnh viện công liên doanh liên kết, tự chủ tài chính nhưng lại chưa có hướng dẫn về giá dịch vụ y tế theo yêu cầu.
Và giá thiết bị y tế mới thật là một ma trận, khi chỉ cách đây ít ngày Bộ Y tế cho ra mắt cổng thông tin công khai giá dịch vụ y tế, nhưng thời điểm ra mắt thì cổng chưa có dữ liệu về giá. Còn trước đó nữa, ai mua thì nấy biết.
Một hệ thống chính sách "hở trên hở dưới" như vậy đã tạo điều kiện cho một nhóm "ăn trên lưng người bệnh" và làm giàu ở bệnh viện. Đã có bệnh viện công tuyến tỉnh thu 500 tỉ đồng viện phí và các khoản liên quan/năm, bệnh viện tuyến trung ương thu hàng ngàn tỉ và từ đó phát sinh bao nhiêu mối lợi ích, trong khi thiết bị y tế phần lớn vẫn của các doanh nghiệp liên kết đặt và "ăn chia", người bệnh vẫn phải nằm ghép.
Dư luận đã từng râm ran những nghi vấn: việc đặt máy, thiết bị y tế ở bệnh viện không phải có vốn là được đặt, mà còn phải trả lời câu hỏi anh có "mối" với bệnh viện hay không? Và mối đó không phải dựa trên thực lực, mà là chia bao nhiêu và chia cho ai, để được quyền kinh doanh tại bệnh viện công?
Khi tốt nghiệp trường y khoa, người bác sĩ phải thực hiện lời thề y đức, lời thề "Hippocrates". Các bác sĩ Việt Nam còn phải thề và thực hiện 12 điều y đức theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Nhưng không ít bác sĩ đã quên đi lời thề thiêng liêng ấy.
Hiện hầu hết bệnh viện công đã tự chủ tài chính, từ các dịch vụ liên kết, liên doanh và nhiều thứ nữa, có thể thu về nguồn thu rất lớn. Nhưng nguồn thu cao mà thiết bị y tế đều liên doanh liên kết, bệnh viện không đầu tư thì lợi nhuận ấy đi đâu?
Làm giàu từ người bệnh, trên lưng người bệnh, đau đớn là ở chỗ đó...
LAN ANH
Link nguồn:
https://tuoitre.vn/an-tren-lung-nguoi-benh-202009300734384.htm
Theo tuoitre.vn
Tin nổi bật
- Luật Thủ đô (sửa đổi): Đảm bảo kết nối, tương tác hiệu quả giữa mạng lưới cơ sở y tế quốc gia và địa phương
01/07/2024 - 10:15:06
- 15 năm thực hiện Luật BHYT: Số người tham gia tăng, quyền lợi mở rộng, chất lượng khám chữa bệnh ngày càng nâng cao
01/07/2024 - 09:54:28
- Sở Y tế TPHCM gặp khó khăn khi xử lý hành vi bán thuốc qua mạng
28/06/2024 - 10:01:12
- Chi tiết 5 chính sách lớn để phát triển công nghiệp dược, tăng tiếp cận thuốc mới của người dân
26/06/2024 - 14:39:35
- Thời gian cấp Giấy đăng ký lưu hành thuốc mới sẽ giảm từ 12 tháng xuống 9 tháng
24/06/2024 - 09:49:17
- Sửa đổi Luật Dược nhằm bảo đảm người dân được tiếp cận thuốc chất lượng, kịp thời, giá hợp lý
18/06/2024 - 16:02:13