Ngừng tuần hoàn do mảnh xương cắm vào thực quản lâu ngày
Người đàn ông 64 tuổi ở Hà Nội bị mảnh xương găm vào thành phế quản trái gây chảy máu ồ ạt trong phổi.
Ngày 6/1, bệnh nhân đột nhiên ho ra máu nhiều, mỗi lần khoảng 100 ml. Ông được đưa vào Bệnh viện Bạch Mai khám.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Dư, Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết người bệnh nhập viện trong tình trạng ho ra máu số lượng lớn, sụt cân. Bệnh nhân từng bị viêm phổi năm 2009, năm 2014 và 2018 ho ra máu nhiều lần nhưng không xác định được nguyên nhân.
Bệnh nhân suy hô hấp, ho ra máu nặng, ngừng tuần hoàn, áp xe thùy dưới phổi trái nghi do dị vật. Các bác sĩ cho bệnh nhân an thần, thở máy và chỉ định nội soi phế quản cấp cứu tại giường. Ê kip nội soi hút máu cục trong phổi, giải phóng lòng phế quản để việc thông khí được tốt hơn. Trong quá trình đó, bệnh nhân bị ngừng tuần hoàn. Sau khi cấp cứu thành công, bệnh nhân được chuyển sang Khoa Hồi sức tích cực.
3 ngày sau, bác sĩ hội chẩn toàn viện và chỉ định mổ cấp cứu để khắc phục tình trạng "ho ra máu sét đánh" và lấy dị vật bằng phẫu thuật cắt thùy dưới phổi trái. Cuộc mổ diễn ra thuận lợi. Phẫu thuật viên phát hiện dị vật là một mảnh xương sắc nhọn đâm thủng thành phế quản bệnh nhân. Đó là nguyên nhân làm cho bệnh nhân ho ra máu nhiều lần và tình trạng nguy kịch phải cấp cứu trong lần vào viện này.
Mảnh xương đã chuyển màu vàng sẫm do nằm trong lòng phế quản rất lâu. Sau phẫu thuật, bệnh nhân trở lại Trung tâm Hô hấp điều trị 11 ngày và được ra viện.
Bệnh nhân được bác sĩ thăm khám trước khi xuất viện. Ảnh: Lê Nga.
Giáo sư Ngô Quý Châu, Giám đốc Trung tâm Hô hấp cho biết xét dưới góc độ y văn, có nhiều nguyên nhân có thể gây ho máu tái phát nhiều lần, ho máu nặng và tổn thương phổi tương tự như các khối ung thư phổi, áp xe phổi, phổi biệt lập, lao phổi, dị vật đường thở... Bệnh cảnh lâm sàng của bệnh nhân rất dễ chẩn đoán nhầm sang hướng khác. Vì vậy việc tìm căn nguyên để chẩn đoán và có hướng điều trị phù hợp là rất quan trọng.
Dị vật rơi xuống phế quản thùy dưới phổi trái, cắm vào thành phế quản, tạo ra phản ứng viêm xung quanh, làm tắc nghẽn đường thở, khiến cho các dịch tiết của phế quản phía dưới dị vật không thoát ra ngoài được. Các mầm bệnh như vi khuẩn, nấm phát triển trong các dịch tiết này gây nên tình trạng viêm phổi, và sau đó là áp xe phổi, biến chứng ho máu nặng.
Các trường hợp ho máu nặng - "ho máu sét đánh" - gây ngừng tuần hoàn có tỷ lệ tử vong rất cao. Nếu không được xử trí kịp thời, thường bệnh nhân sẽ không qua khỏi.
Bác sĩ Ngô Gia Khánh, Phụ trách Khoa Phẫu thuật lồng ngực và mạch máu khuyến cáo, để tránh hóc dị vật, cần nhai nuốt chậm, không nên cho thức ăn vào quá vội. Tránh tình trạng vừa ăn vừa nói chuyện, đặc biệt là cười nói, nô đùa hoặc bất chợt la to trong lúc ăn. Người cần lưu ý nhiều hơn cả là những người cao tuổi và trẻ nhỏ.
Lê Nga
Tin nổi bật
- Viêm mũi dị ứng mùa xuân
16/02/2024 - 09:54:59
- Viêm phổi ở trẻ có triệu chứng gì?
02/02/2024 - 15:16:09
- Các loại viêm xoang thường gặp và triệu chứng
15/01/2024 - 09:59:00
- Dấu hiệu nhận biết khi trẻ bị viêm tiểu phế quản
03/07/2023 - 11:50:42
- Biểu hiện bệnh suy hô hấp mạn tính
26/06/2023 - 11:59:13
- Ngạt mũi liên tục gây khó thở, khó ngủ: nguyên nhân và cách điều trị
18/04/2023 - 10:06:25