Cứu cánh tay liệt của chàng trai bằng kỹ thuật tiên tiến nhất thế giới
Thanh niên 25 tuổi ở Nam Định bị tai nạn mất cảm giác vận động tay, được các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 phẫu thuật thành công.
Hơn một năm trước, tai nạn khiến người thanh niên bị dập nát tay trái. Anh được bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cắt lọc vết thương, kết xương bằng cố định ngoài, kiểm tra ba dây thần kinh quay, trụ, giữa và nối động mạch cánh tay.
Tay trái được cứu, tuy nhiên di chứng liệt gần toàn bộ cẳng tay, tổn thương 3 dây thần kinh dạng đứt sợi trục mức độ nặng, toàn bộ cơ ở vùng cẳng tay xơ hóa do chấn thương. Câu hỏi khó đặt ra cho các bác sĩ là làm sao phục hồi một số động tác cơ bản của cẳng tay trái khi toàn bộ các phương pháp kinh điển như chuyển gân, chuyển ghép thần kinh đều không có giá trị.
Sau hội chẩn, các bác sĩ quyết định phục hồi một số động tác cơ bản của bàn tay bằng phẫu thuật chuyển cơ động lực.
Tại Việt Nam, đây là một kỹ thuật phẫu thuật rất mới. Thách thức đặt ra tiếp cho các bác sĩ là làm sao nối những mạch máu nhỏ của đơn vị cơ được chuyển đến vào mạch máu đã ghép trước đó. Lại một quyết định táo bạo nữa được đưa ra, đó là dùng Coupler lần đầu tiên được áp dụng ở Việt Nam để nối mạch.
Bệnh nhân hồi phục sau phẫu thuật. Ảnh: A.N
Sau khi thực hiện các xét nghiệm, các bác sĩ tại khoa Chấn thương chi trên và vi phẫu thuật đã tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân bằng hai kỹ thuật chuyên sâu lần đầu tiên cùng áp dụng tại Việt Nam.
Ca phẫu thuật diễn ra trong 9 giờ với hai kíp thực hiện song song. Một kíp thực hiện phẫu thuật lấy toàn bộ đơn vị cơ vùng đùi (bao gồm da, cơ) có mạch máu, thần kinh để chuyển đến vùng cần phục hồi. Một kíp bộc lộ nơi cần ghép cơ, chuẩn bị động mạch cho, tĩnh mạch nhận, và các sợi trục thần kinh sẽ chỉ đạo cho cơ mới. Sau đó, các bác sĩ dùng Coupler (các vòng nối mạch vi phẫu) để nối động mạch, tĩnh mạch, cuối cùng là cố định cơ, nối gân và nối thần kinh chỉ đạo cơ.
Trong suốt quá trình mổ, các bác sĩ sử dụng kính vi phẫu - hệ thống kính hiển vi vi phẫu tiên tiến nhất tại Việt Nam giúp phóng đại những mạch máu nhỏ nhất mà mắt thường nhìn không rõ để phẫu thuật nối.
Sau phẫu thuật, tình trạng bệnh nhân cải thiện dần, hiện đã hồi phục cử động tay, tình trạng tê bì giảm hẳn. Các bác sĩ đã hướng dẫn bệnh nhân tập vật lý trị liệu 3-6 tháng cho đến khi hồi phục hoàn toàn.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Việt Nam, Chủ nhiệm khoa Chấn thương chi trên và vi phẫu thuật, kỹ thuật chuyển ghép cơ động lực có nối thần kinh, mạch máu vi phẫu có thể trả lại chức năng vận động cho người liệt hoàn toàn, điều mà trước kia không thể làm được.
Lê Nga
Tin nổi bật
- Bé trai 9 tuổi bị mất 4 ngón tay do nghịch pháo nổ
14/02/2021 - 21:35:12
- Cứu sống bé trai 2 tuổi ở Nghệ An bị chó nhà cắn rách mặt
22/12/2020 - 09:04:46
- Vá hàm ếch miễn phí cho 60 trẻ dị tật
15/12/2020 - 09:29:53
- 2 ê kíp cùng thực hiện kỹ thuật vi phẫu nối bàn tay và cổ chân đứt
10/12/2020 - 09:19:06
- Người đàn ông bị đứt lìa bàn chân khi cắt cỏ
05/12/2020 - 09:51:19
- TPHCM: Nối thành công cánh tay bị đứt lìa cho bệnh 8 tuổi
03/12/2020 - 08:47:50