Cụ ông nhập viện vì chườm chân bằng "cặp đá kỳ diệu"
Một cụ ông 82 tuổi buộc phải nhập viện do bỏng hai bên gan bàn chân vì chườm cặp đá kỳ diệu.
"Cặp đá kỳ diệu" đã gây bỏng cho bệnh nhân đái tháo đường
Ông Nguyễn Xuân T. (82 tuổi - Hà Nam) mắc đái tháo đường 27 năm. Dù không còn minh mẫn nhưng được gia đình chăm sóc chu đáo, tình trạng bệnh của ông được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, gần đây, người anh của ông được giới thiệu về tác dụng thần thánh của “Cặp đá kỳ diệu” nên đã mua về cho em trai dùng.
Sản phẩm này bao gồm hai viên đá được quảng cáo là đá bazan, và được quảng cáo “chườm gan, chườm thận, chườm đa năng, giúp đả thông bế tắc mao mạch ngoại vi, lưu thông máu huyết...”.
Theo hướng dẫn, hai viên đá này luộc trong nước sôi 20 phút hoặc hâm nóng bằng nhiệt độ cao 2-5 phút trong lò vi sóng rồi chườm vào các bộ phận trên cơ thể.
Bệnh nhân đái tháo đường bị bỏng gan bàn chân vì chườm đá nóng
Theo lời kể của người nhà bệnh nhân Nguyễn Xuân T., thấy chân chồng bị sưng tím, vợ ông đã lấy cặp đá nói trên cho vào lò vi sóng quay nóng lên với nhiệt độ cao trong thời gian 5 phút. Sau khi chườm 30 phút, ông xảy ra tình trạng huyết áp tăng, mặt đỏ lựng. Khi con trai ông phát hiện, chân ông đã bị bỏng nặng, xuất hiện những mảng phồng rộp lớn. Hiện tại, bệnh nhân đang được điều trị tại BV Nội tiết Trung ương.
Các bác sĩ cảnh báo, đây không phải trường hợp hiếm gặp khi bệnh nhân đái tháo đường tự ý chườm nóng bằng các nguyên liệu khác nhau: đắp lá, chườm đá, dùng đá muối hymalaya... Việc chườm nóng, dùng nhiệt điều trị chứng tê bì cần hết sức thận trọng và phải được kiểm soát. Do bệnh nhân đái tháo đường, biến chứng thần kinh ngoại vi khiến bệnh nhân tê bì, mất cảm giác nóng lạnh. Vì vậy, khi sử dụng đá chườm, người bệnh không cảm nhận được sức nóng của đá, gây bỏng nghiêm trọng mà vẫn không biết.
Bác sĩ BV Nội tiết TƯ nhận định, chưa có nghiên cứu nào chỉ ra tác dụng của “cặp đá thần kỳ” đối với việc chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe. Do vậy, khuyến cáo không nên sử dụng phương pháp này đối với bệnh nhân đái tháo đường.
Tin nổi bật
- Gan nhiễm mỡ không do rượu là gì, ai dễ mắc?
19/02/2024 - 10:12:51
- Kỹ thuật stent mới giúp thông đường mật người phụ nữ
17/11/2022 - 11:33:33
- 4 lưu ý về viêm gan A
01/11/2022 - 09:39:52
- Cần phẫu thuật ruột thừa ngay khi bị viêm, ai cũng biết nhưng lại không hiểu
05/10/2022 - 10:36:25
- Phẫu thuật cho bé gái 1 ngày tuổi nghi có thai trong thai hiếm gặp
24/02/2021 - 09:46:46
- Nội soi lấy đoạn dị vật kim loại hình chữ V trong họng bé gái
29/12/2020 - 09:30:58