Con “hỏng” mũi vì trẻ mới sụt sịt mẹ đã vội vàng hút mũi
Mỗi khi thấy con chảy nước mũi nhiều bà mẹ lại vội vàng hút mũi rồi rửa bằng nước muối sinh lý khiến nhiều cháu bé bị viêm mũi nặng.
Tự hút mũi cho con làm tổn thương niêm mạc mũi của trẻ.
Chị Hoàng Hà – Hoài Đức, Hà Nội hốt hoảng khi con chị mũi sưng viêm đỏ phù nề, cửu và cánh mũi của cháu còn đỏ rướm dịch hồng hồng. Chị vội vàng lên mạng tìm kiếm thông tin. Vì nhà chị xa bệnh viện và trời rét, nhìn bé chị Hoàng Hà lo lắng.
Chị Hà vội vàng gọi cho bác sĩ qua ứng dụng tư vấn sức khỏe online của Đài tiếng nói Việt Nam VOVbacsi24. Qua gọi video, bác sĩ giật mình vì mũi bé đỏ tấy, rỉ mũi nhiều bám chặt cánh mũi.
Hỏi kỹ mẹ bé, hóa ra 4,5 hôm nay thấy con chảy nước mũi chị Hà đã vội vàng mua dụng cụ hút mũi về hút. Bé càng chảy nhiều chị càng hút.
Hai, ba ngày đầu nước mũi trong rồi dần chuyển thành trắng ngà, tối nào chị cũng hút bằng dụng cụ ống hút rửa sạch cho bé.
Kết quả, niêm mạc mũi của bé bị xước chảy máu và vùng niêm mạc mũi phù nề sưng tấy, mũi chảy nặng, viêm tại chỗ khiến bé khó chịu.
Hay trường hợp bé Đặng Minh Khôi, 9 tháng tuổi, Văn Điển, Hà Nội được gia đình đưa đi khám khi mũi bé đau rát và cứ động vào mũi là bé khóc vì vùng mũi bị tổn thương nặng.
Theo gia đình của bé, khoảng 1 tuần nay bé bị chảy nước mũi và mỗi lần như thế người nhà lại vội vàng hút mũi rồi chùi bằng giấy ăn. Vì chùi mũi quá nhiều khiến cửa mũi của bé phù nề, đỏ rát nên bé sợ cứ thấy người nhà giơ khăn ra là bé khóc.
Không riêng gì con chị Hà, theo BSCKII Nguyễn Thị Hồng Lạc – Phó Giám đốc, kiêm trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Đa Khoa Nông nghiệp, Hà Nội cho biết bà thường xuyên nhận được những cuộc gọi từ các mẹ bỉm sữa nhờ tư vấn qua kệnh tư vấn online VOVbacsi24 và nhiều trẻ mũi viêm nặng chỉ vì thói quen hút mũi, chùi mũi.
Bác sĩ Lạc cho biết thời điểm giao mùa, nồm ẩm là thời điểm trẻ dễ bị bệnh viêm mũi, họng và nhiều cha mẹ tự điều trị viêm mũi cho trẻ theo kinh nghiệm của bản thân hoặc các bà mẹ khác lan truyền trên mạng bằng hút rửa mũi, nhỏ thuốc lá, hoặc corticoit hoặc thuốc co mạch không cần đến bác sĩ chuyên khoa thăm khám và hướng dẫn cách xử trí.
Bác sĩ Hồng Lạc cho biết nhà nào có trẻ nhỏ hầu hết đều có một dụng cụ hút mũi ở trong nhà. Khi thấy chảy nước mũi là hút kể là khi nước mũi trong chảy ra rất nhiều, hút chán không khỏi chuyển sang mũi xanh đặc mới cho con đến viện. Đó là thói quen mà nhiều bà mẹ bỉm sữa đang thực hiện. Nhiều khi gọi video, bác sĩ Hồng Lạc quan sát thấy nhiều bố mẹ hút mũi cho trẻ chưa đúng.
Theo bác sĩ Lạc chỉ với những bé bị thò lò mũi xanh mới được khuyến cáo hút, rửa mũi sau đỏ nhỏ thuốc để thuốc có thể thấm vào niêm mạc mũi. Còn trẻ chảy nước mũi trong thì không nên hút hay rửa mũi. Đặc biệt khi mũi trẻ bình thường càng không nên rửa bằng nước muối sinh lý như nhiều bà mẹ vẫn làm.
Với việc hút mũi khi mũi bị viêm, bác sĩ Lạc cho biết không nên lạm dụng hút mũi vì cách này có thể tạo áp lực gây tổn thương niêm mạc mũi. Tuyệt đối không dùng miệng của người lớn trực tiếp hút mũi dãi cho trẻ.
Theo bác sĩ Hồng Lạc khi trẻ bị chảy nước mũi nếu nước mũi trong thì cha mẹ không cần hút rửa mũi chỉ cần dùng bông đã hấp tiệt trùng cuốn thành các “sâu kèn” để thấm dịch mũi cho trẻ vì lúc này nguyên nhân thường do viêm mũi dị ứng hoặc nhiễm virus(cúm B,C...) nếu cần có thể dùng kháng histamin theo chỉ định bác sĩ. Không lấy khăn chùi vì làm sây sát da cánh mũi của trẻ.
Khánh Ngọc
Tin nổi bật
- Viêm mũi dị ứng mùa xuân
16/02/2024 - 09:54:59
- Viêm phổi ở trẻ có triệu chứng gì?
02/02/2024 - 15:16:09
- Các loại viêm xoang thường gặp và triệu chứng
15/01/2024 - 09:59:00
- Dấu hiệu nhận biết khi trẻ bị viêm tiểu phế quản
03/07/2023 - 11:50:42
- Biểu hiện bệnh suy hô hấp mạn tính
26/06/2023 - 11:59:13
- Ngạt mũi liên tục gây khó thở, khó ngủ: nguyên nhân và cách điều trị
18/04/2023 - 10:06:25