Con 'bọ y tế' trong bụng giúp bệnh nhân nhớ uống thuốc
Những viên thuốc gắn bộ phận cảm biến có thể tiêu hóa được sẽ truyền dữ liệu từ trong cơ thể bệnh nhân đến điện thoại, máy tính.
Khi bệnh nhân hóa trị xuất viện và điều trị tại nhà, bác sĩ Adward Greeno, giám đốc y tế tại Phòng khám Ung thư Masonic thuộc Đại học Minnesota (Mỹ) lại đối mặt với thách thức mới. Ông phát hiện nhiều người không uống thuốc đầy đủ và cố tình giấu giếm, giống như những đứa trẻ không dám nói với bố mẹ về những trò nghịch ngợm của mình.
"Chắc hẳn các bạn nghĩ bệnh nhân ung thư rất tuân thủ phác đồ điều trị, nhưng không phải bệnh nhân nào cũng vậy bởi có những trường hợp vì lý do cá nhân", bác sĩ Greeno chia sẻ.
Để tránh việc bệnh nhân quên hoặc cố tình quên uống thuốc, vài tháng gần đây bác sĩ Greeno đã triển khai một công cụ mới: những viên thuốc gắn hạt cảm biến.
Theo SCMP, mỗi hạt cảm biến nhỏ bằng hạt cát, có thể tiêu hóa được và làm nhiệm vụ truyền dữ liệu từ bên trong cơ thể bệnh nhân đến miếng băng đeo trên bụng, sau đó kết nối với ứng dụng điện thoại mà cả bệnh nhân lẫn bác sĩ đều có thể theo dõi. Tại Phòng khám Ung thư Masonic, các bác sĩ bắt đầu ghép hạt cảm biến - chế tạo bởi công ty Proteus Digital Health (California) - với một loại thuốc hóa trị ung thư đại trực tràng giai đoạn 3, 4.
Những viên thuốc gắn hạt cảm biến truyền dữ liệu trong cơ thể bệnh nhân đến điện thoại và máy tính. Ảnh: The Verge.
Từ khi được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ thông qua năm 2017, công nghệ thuốc kỹ thuật số làm dấy nên mối lo ngại trong giới chuyên gia và các nhà đạo đức học, từ cách sử dụng sóng dữ liệu, đến việc đề phòng dữ liệu bị tin tặc tấn công.
"An ninh mạng trong ngành y tế rất kém", Jason Christopher, Giám đốc công nghệ Công ty an ninh mạng Axio nhận định.
Song, rất nhiều chuyên gia nhấn mạnh rằng công nghệ thuốc kỹ thuật số giúp các bác sĩ đảm bảo bệnh nhân của mình đang dùng thuốc đúng theo toa. "Không tuân thủ đơn thuốc là một vấn đề thường xuyên xảy ra và rất tốn kém", Trung tâm Thông tin Công nghệ Quốc gia Mỹ (NCBI) trích lời một chuyên gia.
Nghiên cứu năm 2013 chỉ ra khoảng 30% đến 50% người trưởng thành Mỹ không tuân thủ các đơn thuốc dài ngày, dẫn đến khoản tổn thất lên tới 100 tỷ USD mỗi năm.
Các nhà nghiên cứu NCBI cho rằng việc không tuân thủ đơn thuốc rắc rối hơn vẻ ngoài và chứa rất nhiều yếu tố phức tạp. Bác sĩ Greeno đồng tình và cho biết không phải lúc nào bệnh nhân của ông cũng nói dối về việc làm của họ. Những bệnh nhân cao tuổi đôi lúc gặp rắc rối khi mở nắp chai thuốc, hoặc quá mệt và không thể tuân thủ lịch uống thuốc dày đặc với nhiều loại thuốc khác nhau trong ngày.
Tác dụng phụ của thuốc cũng gây khó khăn cho nhiều bệnh nhân. Chưa kể, người hóa trị không có nhiều lựa chọn và phải dùng những loại thuốc có giá từ 10.000 đến 20.000 USD mỗi tháng.
Giờ đây, nhờ thuốc gắn hạt cảm biến, bác sĩ Greeno có thể biết mức độ tuân thủ đơn thuốc của bệnh nhân. "Bình thường, tôi chỉ phát hiện ra bệnh nhân không uống thuốc khi họ đến tái khám. Nhưng bây giờ với ứng dụng này trong tay, tôi nhận được tin nhắn thông báo ngay buổi sáng hôm sau", ông nói.
Brenda Jans Darling 45 tuổi, một bà mẹ hai con ở Minnesota từng hay quên uống thuốc bởi công việc hàng ngày quá vất vả. Ba tháng trước, cô tham gia chương trình thử nghiệm thuốc kỹ thuật và rất hứng thú với việc theo dõi dữ liệu sức khỏe của mình trên ứng dụng, bao gồm giấc ngủ, mức độ hoạt động. Người phụ nữ đánh giá những thông tin trên ứng dụng đang dùng vô cùng hữu ích.
Điều tốt nhất đối với Darling là không còn phải đếm số thuốc mình đang uống cuối mỗi chu kỳ hai tuần thuốc bận rộn. Mỗi khi cô quên uống thuốc, điện thoại sẽ hiện thông báo "chưa nhận được dữ liệu từ liều 8h sáng của bạn" để nhắc nhở.
Về vấn đề bảo mật an ninh mạng, Darling bộc bạch cô không hề e ngại việc các bác sĩ tiếp cận chi tiết thông tin sức khỏe cá nhân của mình. Darling tin rằng những dữ liệu này sẽ giúp cô chiến đấu với căn bệnh mà cô đã vất vả điều trị suốt hai năm.
"Tôi sẽ làm bất cứ điều gì có thể để góp phần phát triển các nghiên cứu về ung thư, giúp các nhà nghiên cứu tìm ra cách chữa trị căn bệnh hiểm nghèo này", nữ bệnh nhân nhấn mạnh.
Lê Hằng
Tin nổi bật
- Lần đầu ghép thành công gan lợn cho người sống
27/05/2024 - 11:52:41
- Bê bối tại ngân hàng máu cuống rốn khiến người Singapore phẫn nộ
24/04/2024 - 10:58:43
- Làm gì khi vòng kinh không phóng noãn?
26/02/2024 - 10:47:55
- 5 cách giúp giảm stress
23/02/2024 - 10:42:27
- Số người hiến mô tạng ở Việt Nam thấp nhất thế giới
02/02/2024 - 15:25:27
- Nguyên nhân vô sinh hiếm muộn ở người trẻ
31/01/2024 - 11:24:55