Y tế Việt chưa ứng dụng nhiều trí tuệ nhân tạo (AI)
Ông Hồ Tú Bảo, Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản cho rằng, để có thể ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong ngành y cần sử dụng cơ sở dữ liệu được hệ thống, kết nối, liên thông.
Ông Hồ Tú Bảo, Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản cho rằng việc sử dụng bệnh án điện tử sử dụng trí tuệ nhân tạo không xa lạ với thế giới nhưng chưa được triển khai phổ biến tại Việt Nam. Trong khi đó đây là thành phần cốt lõi của hạ tầng số ngành y trong thời chuyển đổi số. Bệnh án điện tử sẽ giúp rút ngắn thời gian khám bệnh của bác sĩ, giảm thời gian chờ của bệnh nhân, hỗ trợ bác sĩ kê đơn thuốc, tránh sai sót…
Được biết, Bộ Y tế đang có kế hoạch bắt buộc triển khai bệnh án điện tử một số cơ sở khám chữa bệnh từ tháng 3-2019. Trong giai đoạn 2024 - 2028, tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc phải triển khai bệnh án điện tử. Do đó, ông Bảo khẳng định, để có thể ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong ngành y cần sử dụng cơ sở dữ liệu được hệ thống, kết nối, liên thông.
Tuy nhiên, đại diện Tập đoàn FPT, ông Lý Đức Đoàn cho biết theo khảo sát của tập đoàn này thì ngành y Việt Nam đã có lượng cơ sở dữ liệu lớn nhưng chưa sử dụng. Các dữ liệu cát cứ ở các hệ thống khác nhau và thiếu tính liên kết. Các cơ sở dữ liệu khám chưa bệnh được các đơn vị lưu trữ riêng trong các kho dữ liệu của mình…
Quang cảnh hội thảo
Nói về vai trò của ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong ngành y tế, giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Đại học Toulouse (Pháp) khẳng định, trí tuệ nhân tạo sẽ làm giảm chi phí khám chữa bệnh đến 50% và tăng hiệu quả khám chữa bệnh 40%. Nếu tính tổng số tiền bỏ ra, bệnh nhân được khám chữa bệnh tốt hơn gấp 3 lần nhờ có trí tuệ nhân tạo. Theo ông Dũng, trong 10 năm tới công nghệ này được dự báo sẽ làm cho Mỹ tiết kiệm mỗi năm 150 tỉ USD và con số này của cả thế giới là khoảng 500 tỉ USD.
Vị GS này nói thêm, y tế chính là một trong các lĩnh vực có nhiều ứng dụng trí tuệ nhân tạo nhất, phát triển mạnh nhất, làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt ngành y tế trong những năm tới. Số liệu của Marketsandmarkets chỉ ra rằng, thị trường trí tuệ nhân tạo y tế tăng trưởng tới 50%/năm, từ 2,1 tỉ đô la Mỹ năm 2018 dự kiến sẽ đạt 36 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025, chiếm khoảng 20% toàn bộ thị trường trí tuệ nhân tạo toàn cầu.
Ông Phạm Xuân Viết, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế kêu gọi các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp Việt tham gia nghiên cứu phát triển những sản phẩm sử dụng trí tuệ nhân tạo có thể ứng dụng thực tiễn trong khám chữa bệnh của ngành y tế Việt Nam. Cục này sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ hoạt động này.
Thảo Nguyên
Tin nổi bật
- Lần đầu ghép thành công gan lợn cho người sống
27/05/2024 - 11:52:41
- Bê bối tại ngân hàng máu cuống rốn khiến người Singapore phẫn nộ
24/04/2024 - 10:58:43
- Làm gì khi vòng kinh không phóng noãn?
26/02/2024 - 10:47:55
- 5 cách giúp giảm stress
23/02/2024 - 10:42:27
- Số người hiến mô tạng ở Việt Nam thấp nhất thế giới
02/02/2024 - 15:25:27
- Nguyên nhân vô sinh hiếm muộn ở người trẻ
31/01/2024 - 11:24:55