Giành giật mạng sống cho bé sinh non 400 g
Bé gái chào đời tuần 26, nặng 400 g, là em bé sinh non nhẹ cân nhất tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội được nuôi sống thành công.
Sau hơn bốn tháng điều trị, bé đã ổn định sức khỏe, nặng 2,1 kg, chuẩn bị xuất viện. Đây là em bé sinh non nhẹ cân nhất được các bác sĩ bệnh viện chăm sóc và điều trị thành công, đại diện đơn vị này cho biết hôm 4/7.
Sản phụ 32 tuổi, ở Thanh Hóa, từng sảy thai và sinh non nhiều lần. Đây là lần mang thai thứ 7. Trong thai kỳ, thai phụ bị tiền sản giật nặng, em bé có tình trạng suy dinh dưỡng trong tử cung, cạn ối. Từ tuần 21, các bác sĩ chỉ định truyền ối cứu thai nhi. Đến tuần 26, tình trạng tiền sản giật của người mẹ ngày càng nặng nề, nguy cơ mất tim thai. Gia đình có nguyện vọng đình chỉ thai nghén để cứu mẹ.
Bé gái chào đời ở tuần thai 26, sức khỏe yếu. Cả bác sĩ và gia đình đều xác định tâm lý rằng em bé khó có thể qua khỏi. Thông thường, trẻ sinh non ở tuần thai 26 có cân nặng khoảng 600-700 g, tuy nhiên trẻ bị suy dinh dưỡng chỉ nặng 400 g.
May mắn, sau 20 phút bóp bóng tích cực, da bé đã hồng hơn, có phản xạ tay chân, mở mắt. Bé được chuyển về khoa Sơ sinh nằm lồng ấp để theo dõi. Trẻ được truyền dịch nuôi dưỡng, đặt tĩnh mạch rốn và động mạch rốn để thuận tiện cho việc xét nghiệm.
Trong quá trình điều trị, trẻ bị nhiễm khuẩn nặng, phải điều trị đợt kháng sinh liều cao, truyền máu định kỳ ba tuần một lần. Sau hai tháng, trẻ nặng 1,2 kg, sức khỏe ổn định, được chuyển ra ngoài để được ấp Kangaroo với mẹ như các em bé khác.
Hồi tháng 9/2021, Bệnh viện Phú Sản Trung Ương nuôi sống bé gái chào đời khi mới 27 tuần thai, nặng 400 g, là em bé nhẹ cân nhất Việt Nam. Một tháng sau, tại Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ cứu sống bé gái sinh cực non ở tuần 23, nặng 480 g.
Tổ chức Y tế Thế giới định nghĩa sinh non là chuyển dạ sinh trước 37 tuần tuổi thai. Đây là nguyên nhân hàng đầu làm tăng nguy cơ các bệnh như bất thường phát triển trí tuệ, bại não, động kinh, mù, điếc, loạn sản phế nang phổi, bệnh lý võng mạc trẻ non tháng.
Trẻ sinh non có hệ miễn dịch yếu làm tăng khả năng nhiễm trùng huyết, viêm phổi, dễ rối loạn thân nhiệt, rối loạn tiêu hóa, viêm ruột hoại tử. Chức năng phổi chưa trưởng thành nên trẻ dễ bị suy hô hấp sau sinh và tử vong.
Theo thống kê của UNICEF, tại Việt Nam, ước tính mỗi năm có khoảng 103.500 trẻ sinh non và 17.000 trẻ tử vong trong vòng 28 ngày sau khi sinh. Tử vong sơ sinh vẫn chiếm tới 2/3 trong tổng số tử vong trẻ dưới một tuổi.
Hầu hết trẻ sinh non sẽ phát triển bình thường, nhưng có nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe cao hơn. Do đó, gia đình nên phối hợp bác sĩ, thường xuyên kiểm tra sức khỏe và sự phát triển của con, kịp thời xử trí khi có biến chứng.
Tin nổi bật
- Lần đầu ghép thành công gan lợn cho người sống
27/05/2024 - 11:52:41
- Bê bối tại ngân hàng máu cuống rốn khiến người Singapore phẫn nộ
24/04/2024 - 10:58:43
- Làm gì khi vòng kinh không phóng noãn?
26/02/2024 - 10:47:55
- 5 cách giúp giảm stress
23/02/2024 - 10:42:27
- Số người hiến mô tạng ở Việt Nam thấp nhất thế giới
02/02/2024 - 15:25:27
- Nguyên nhân vô sinh hiếm muộn ở người trẻ
31/01/2024 - 11:24:55