Điều quan trọng là người tập phải lắng nghe cơ thể họ để giảm cường độ tập hay nghỉ ở nhà. Ngoài ra, người bị cảm lạnh cần cẩn thận và cân nhắc khi đến phòng gym để tránh lây bệnh cho người khác, theo Insider.
Những triệu chứng cảm lạnh thường gặp là
hắt hơi, nghẹt mũi, đau họng và mệt mỏi. Nếu cảm lạnh nhẹ, người bệnh hoàn toàn có thể tiếp tục tập luyện. Tuy nhiên, họ phải giảm cường độ tập, tránh để cơ thể tiêu hao quá nhiều năng lượng.
Ví dụ, nếu bình thường thời lượng tập kéo dài 1 giờ, trong đó có 30 phút tập
cardio, 30 phút nâng tạ. Khi bị cảm lạnh với triệu chứng nhẹ, người bệnh chỉ cần tập 20 đến 30 phút cardio, kết hợp một số động tác kéo giãn cơ hoặc
yoga.
Các triệu chứng cảm lạnh nặng sẽ là ho nhiều, cảm thấy nghẽn ở ngực, khó thở. Khi đó, bác sĩ khuyên người bệnh hãy ngừng tập luyện vài ngày.
Trong trường hợp xuất hiện những triệu chứng trên nhưng lại kèm theo sốt, ớn lạnh, đau nhức cơ thể thì có khả năng người bệnh không bị cảm lạnh mà mắc một bệnh khác nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như cúm. Lúc này, nghỉ tập là cần thiết và chỉ quay lại phòng gym khi cơ thể đã hết sốt.
Nếu bị cảm lạnh nặng mà vẫn tập gym thì có thể dẫn đến một số tác động tiêu cực đến sức khỏe. Một trong những tác động đầu tiên là cơ thể sẽ chậm hồi phục, gây mệt mỏi, thậm chí phải nghỉ tập lâu hơn để cơ thể bình phục.
Ngoài ra, cảm giác mệt mỏi do cảm lạnh có thể làm giảm hiệu suất tập luyện. Những biểu hiện của tình trạng này là số lần nâng tạ sẽ giảm, di chuyển chậm hơn khi chạy bộ, đạp xe hay bơi lội.
Những loại bài tập phù hợp khi bị cảm nhẹ là chạy bộ tốc độ chậm, nâng tạ nhẹ, bơi lội, đạp xe tốc độ chậm đến vừa, đi dạo hay yoga.
Bên cạnh đó, người bệnh cần tránh những loại bài tập như chạy nước rút, đạp xe tốc độ nhanh, nâng tạ nặng, cardio cường độ cao, tập cường độ cao ngắt quãng (HIIT) hay tập dưới thời tiết lạnh, theo Insider.
Ngọc Qúy
Link nguồn:
Theo thanhnien.vn