Mới đây, Khoa Cấp cứu- Chống độc, BV Nhi TƯ vừa tiếp nhận 3 cháu bé ở Mỹ Đức, Hà Nội bị uống nhầm thuốc điều trị tâm thần. Trong đó bé N.T.M (5 tuổi) và N.T.H. (3 tuổi) là 2 chị em ruột, bé N.T.T (3 tuổi) là em họ, cả 3 nhập viện trong trạng li bì, hôn mê sâu.
Bé H. được điều trị theo dõi tại bệnh viện. Ảnh: Vietnamnet.
Mẹ bé H. cho biết, trưa 5/1, trong lúc 3 cháu đang chơi cùng nhau, có lấy lọ thuốc của bố để trong hộp xốp ra chơi, sau đó tưởng kẹo nên cả 3 cùng nhau ăn. Bố của bé H. đang điều trị bệnh lý rối loạn thần kinh trung ương.
Đến chiều khi bố mẹ đi làm về, phát hiện cả 3 trẻ nằm li bì, bất tỉnh, gọi hỏi đều không phản ứng, được gia đình đưa đến bệnh viện huyện, sau đó chuyển xuống ngay BV Nhi TƯ chiều tối cùng ngày.
Ngay khi nhập viện, 3 bệnh nhi được xử trí theo hướng ngộ độc thuốc, cấp cứu rửa dạ dày, uống than hoạt tính và sử dụng thuốc để đào thải loại chất gây ngộ độc qua đường nước tiểu.
Sau 2 ngày điều trị tích cực, hiện tình trạng 3 bé đã dần cải thiện, trong đó bé M. và T. đã tỉnh hoàn toàn, đi lại được và được xuất viện. Riêng bé H. vẫn còn hạn chế trong vận động, còn lơ mơ nên đang tiếp tục ở BV để theo dõi thêm.
Bác sĩ cho biết, do cơ thể chưa phát triển hoàn thiện, trẻ nhỏ khi uống nhầm thuốc người lớn, nhất là các thuốc thần kinh có thể ảnh hưởng thần kinh rất nặng nề.
Đây không phải là trường hợp trẻ nhỏ uống nhầm thuốc duy nhất xảy ra gần dây.
Uống nhầm thuốc trừ sâu, bé 2 tuổi suýt chết
Ngày 8/1, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết vừa cứu sống một bé trai tên H.H.P (15 tháng tuổi, ngụ tại Bến Lức, Long An) có biểu hiện miệng sùi bọt mép, ói liên tục ngay khi được người nhà phát hiện bé uống nhầm thuốc trừ sâu đựng trong chai trà xanh.
Bé P. đang điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Zing.
Ngay lập tức, bé P. được người nhà đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Long An. Tại đây, bệnh nhi được rửa dạ dày, bơm than hoạt, diễn tiến em co giật liên tục, kích thích vật vã, tăng tiết đàm nhớt. Sau đó, bệnh nhi mê man, đồng tử co nhỏ như đầu kim, được xử trí co giật, đặt ống thở.
Các bác sĩ xác định dung dịch chất diệt cỏ chứa trong trong chai trà xanh bé trai uống là một loại phốt pho hữu cơ. Bé trai được tiêm thuốc giải độc, chuyển nhanh đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Theo các bác sĩ, loại thuốc này chuyên dùng để diệt rầy, muỗi, gián, kiến do gia đình tận dụng đựng thuốc diệt sâu rầy trong chai C2 nhưng quên không để ý. Sau 7 ngày hồi sức tích cực sức khỏe bé P. đã được cải thiện, cai máy thở.
Hai bé suýt chết vì uống nhầm thuốc viêm khớp
Hồi tháng 5/2018, Khoa Nhiễm bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) tiếp nhận hai bé trai 4 tuổi ngụ ở quận 7, được gia đình đưa tới cấp cứu khi phát hiện uống nhầm 5 – 6 viên thuốc điều trị viêm khớp.
Người thân bệnh nhi chia sẻ rằng trong lúc nô đùa, 2 bé chơi trò bác sĩ - bệnh nhân. Sau khi tự “thăm khám” cho nhau, 2 bé trai lấy lọ thuốc trong tủ nhà rồi chia nhau uống.
Loại thuốc 2 bé uống là ARTREIL có thành phần Diacerhein 50mg – một loại thuốc kháng viêm không Steroid, chỉ định trong viêm, thoái hóa khớp.
Từ lúc uống tới lúc nhập viện khoảng 2 giờ. Bệnh nhi nhanh chóng được súc rửa dạ dày và uống than hoạt để hấp thụ dược chất ra ngoài. May mắn sau cấp cứu 13 giờ, bệnh nhi dần ổn định sức khỏe.
Cách sơ cứu khi trẻ bị ngộ độc thuốc
Trên thực tế, nhiều trường hợp uống nhầm thuốc do sơ cứu không đúng cách cũng như không kịp thời mà nhiều trẻ đã phải gánh chịu những tổn thương nặng nề, thậm chí là tử vong.
Khi trẻ uống nhầm thuốc, bất kể là đã uống nhầm loại gì cũng cần nhanh chóng gây nôn bằng cách móc họng. Ảnh: Internet.
Các bậc phụ huynh khi xử trí cần bình tĩnh, tránh hoảng loạn để hành động chính xác. Sai lầm trong sơ cứu có thể khiến tình trạng người bệnh trầm trọng hơn, để lại di chứng, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng. Cần tìm hiểu xem người bệnh đã uống nhầm loại gì, với lượng bao nhiêu.
Khi biết con bị ngộ độc thuốc cần giữ trẻ ở tư thế ngồi hoặc đứng để các chất trong dạ dày không trào lên thực quản. Không đặt trẻ ở tư thế nằm. Nếu đang còn tỉnh, bất kể là đã uống nhầm loại gì cũng cần nhanh chóng gây nôn bằng cách móc họng. Đồng thời, cho trẻ uống nhiều nước ấm rồi lại tiếp tục móc họng gây nôn nhằm rửa sạch dạ dày, giải độc ra khỏi cơ thể, giảm bớt tác hại của thuốc hay hóa chất. Trong trường hợp bé hôn mê, co giật thì không nên gây nôn.
Sau sơ cứu ban đầu cần nhanh chóng đưa nạn nhân tới bệnh viện ngay để được các bác sĩ tiếp tục cấp cứu, giải độc. Mang theo vỏ loại thuốc hoặc chai hóa chất mà người bệnh đã uống nhầm để các bác sĩ có hướng xử lý kịp thời và chính xác.