Cẩn trọng với rượu tự ngâm
Không phải dược liệu nào cũng lành tính và không phải cứ nghĩ ngâm càng nhiều là càng bổ. Nhiều người không biết, cứ cho tất cả những thứ được nghe đồn là rất tốt vào cùng bình rượu, cuối cùng lành ít dữ nhiều.
Rượu thuốc xuất phát từ xa xưa dùng để chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe. Người xưa có những bài thuốc cổ phương chính thống để ngâm như Thập toàn đại bổ, Minh Mạng thang, sâm nhung, hải mã... Tuy nhiên, trong dân gian vẫn có truyền nhau những bài thuốc ngâm theo các loại dược liệu tự chọn lựa độc vị hoặc phối hợp nhiều vị. Cách làm này đúng thì bổ nhưng không đúng sẽ gây hại.
Nhiều người nghĩ rằng cứ dược liệu là hiền nhưng không biết rằng có nhiều loại dược liệu còn có thể tương kỵ nhau. Một số người nghĩ sâm là bổ rồi ngâm tế tân, nhân sâm, huyền sâm, sa sâm cùng nhiều loại dược liệu khác, vô tình ngâm cùng với các loại tương kỵ như rễ sậy, lập tức sinh độc.
Sở dĩ thi thoảng vẫn xảy ra các tai nạn ngộ độc từ rượu ngâm là do hai nguyên nhân chính, một là do rượu, hai là do dược liệu ngâm. Năm 2018, tại Nghệ An từng có trường hợp tử vong do ngâm rượu nhầm cây có độc. Cụ thể trường hợp 3 người tử vong được xác định là uống rượu ngâm từ cây lá ngón, tức ngâm sai nguyên liệu.
Thực tế cho thấy khó lòng cứu chữa nếu ngâm nhầm cây lá ngón bởi lá ngón còn gọi là đoạn trường thảo, có hoạt chất cực kỳ nguy hiểm.
Một vấn đề khác cũng cần phải đặc biệt lưu ý, đó là liều lượng dùng. Nhiều người nghĩ rượu bổ nên uống bất chấp liều hoặc mang suy nghĩ uống càng nhiều càng tốt và đây là quan điểm sai lầm. Mỗi ngày tùy theo mức độ mà uống khoảng 10ml hay 20ml tùy theo mức độ âm dương của cơ thể.Bài thuốc ngâm phải phù hợp và là loại đối kháng lại cơ thể, tức thuốc hàn trị nóng, thuốc nóng trị hàn.
Đông y phân biệt, chẩn đoán rõ người bị âm hư và dương hư. Âm hư sinh nội nhiệt, dương hư sinh ngoại hàn. Khi muốn bổ, muốn trị bệnh rượu ngâm phải coi như dược phẩm, cần uống đúng liều lượng, phải xem bệnh có phù hợp để uống loại thuốc nào, nên tránh uống loại thuốc nào. Chính vì thế khi muốn trị bệnh bằng rượu thuốc, bệnh nhân cần đến bác sĩ để được khám xác định bệnh, xem cơ thể ở thể nhiệt hay hàn, sau đó tư vấn nên uống loại rượu ngâm từ loại dược liệu nào, có phù hợp hay không.
Về các loại rượu ngâm với động vật, thường là nội tạng hoặc ngâm cả con. Nhiều người nghĩ rằng nội tạng nào khi ngâm rượu thì uống vào sẽ bổ bộ phận đó nên cứ tìm các loại nội tạng ngâm rượu để uống và xem như như rượu quý. Tuy nhiên đây là suy luận cần xem lại vì thực tế chưa được khoa học chứng minh.
Trước tiên nói chung tất cả các loại động vật khi việc ngâm rượu mục đích là để phân hủy axít amin trong rượu, đây là loại axít cần cho cơ thể rất cần. Khi cơ thể khỏe, tạng phủ trong cơ thể khỏe, uống rượu ngâm vào sẽ khỏe hơn. Tất cả loại động vật mang đi ngâm như pín, nội tạng, rắn… đều là đạm nên khi ngâm phải tuân thủ các nguyên tắc an toàn, một số loại bào chế xử trí trước khi ngâm. Ví dụ rắn và các loại động vật có nọc độc mà để nguyên con mang đi ngâm rất nguy hiểm, nọc độc còn sẽ gây hại cho những người bị tổn thương niêm mạc sẽ bị ngộ độc tức dẫn đến nguy hiểm tính mạng.
Mặc dù là rượu bổ nhung cũng cần phải uống có chừng mực
Người biết ngâm rượu phải làm đúng loại rượu, đúng quy trình. Khi ngâm với dược liệu động vật phải ngâm loại rượu có nồng độ cao hơn với khi ngâm với dược liệu động vật để không bị phân hủy. Cụ thể, với dược liệu thực vật có thể ngâm rượu dưới 40 độ cồn, trong khi với động vật phải ngâm trên 40 độ cồn, thậm chí trên 60 độ cồn. Rượu ngâm cần phải đậy kín, nếu không sẽ bị nhiễm vi sinh, dược liệu trở thành xác động vật rất mất vệ sinh. Rượu cho vào ngâm động vật thì mức rượu phải cao hơn khiến động vật bị chìm. Với tắc kè phải nướng, lấy mắt vì mắt có độc; nhung nai phải thui lông vì lông có độc; bìm bịp cũng phải thui lông…
Về lượng rượu ngâm, khi được hướng dẫn ngâm 2 lít rượu, sau 20 ngày phải chiết rượu ra, sau đó bỏ nước rượu thứ hai vào ngâm thuốc mới ra, sau đó mang nước đầu và nước thứ hai vào. Nhiều người lấy nước một mời bạn bè uống, khi đó thuốc chưa hòa vào rượu, đến nước thứ hai, thuốc có thể lóng xuống đáy bình, khi đó uống vào nhiều sẽ có hại.
Tóm lại trước khi ngâm cần phải được tư vấn từ nhà chuyên môn, dược liệu cần mua ở các nơi bán uy tín, cũng cần ngâm đúng quy trình (thời gian ngâm, cách ngâm). Với rượu ngâm sẵn, nên chọn mua ở những nơi bán hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Ngoài ra, khi được mời thì chẳng đặng đừng, đôi khi khó có thể từ chối khi mời, chính vì thế cách tốt nhất là đề nghị pha loãng bằng rượu và uống số lượng ít.
BS.CKI. Trần Hữu Vinh
Tin nổi bật
- Gừng có thể làm tăng tác dụng của thuốc tim mạch, huyết áp
25/10/2022 - 09:27:21
- 11 bài thuốc từ cây tía tô chữa bệnh thường gặp
21/10/2022 - 09:24:50
- Đương quy bổ máu, những trường hợp nào không nên dùng?
14/10/2022 - 10:53:10
- 12 loại thực phẩm, đồ uống tăng cường miễn dịch chống lại cảm lạnh
06/10/2022 - 10:13:16
- 9 cách tự nhiên ngăn ngừa cơn đau dạ dày
26/09/2022 - 10:28:12
- Không để lãng phí nguồn dược liệu quý hiếm vùng Tây Nguyên
26/09/2022 - 10:23:59