Cách phòng ngộ độc thực phẩm từ những bữa ăn ngoài trời khi đi dã ngoại
Kỳ nghỉ hè thú vị đã đến. Nhiều gia đình thường tổ chức các chuyến dã ngoại cho các con đi chơi cùng cùng nhóm bạn bè với nhiều hoạt động tập thể như cắm trại, ăn đồ nướng ngoài trời... tuy nhiên, đi cùng với đó là rủi ro nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất cao.
1. Ăn uống ngoài trời và nguy cơ ngộ độc thực phẩm
Dã ngoại ngoài trời là một cách tuyệt vời để tận hưởng những ngày nghỉ bên gia đình, nhưng cần chú ý ngừa những rủi ro ngộ độc thực phẩm. Lý do là khi thực phẩm bị lấy ra khỏi môi trường thông thường phù hợp như tủ lạnh, tủ đông, tủ đựng thức ăn hoặc nhà bếp sạch sẽ trong thời gian dài làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn cao hơn.
Do vậy, khi thời tiết nắng nóng, hãy cẩn thận hơn với bữa trưa đóng hộp để đi làm, đi học, hay các bữa ăn khi đi dã ngoại và ăn uống ngoài trời.
Các món chế biến sẵn trong thời gian dài rất dễ gây ngộ độc. (Ảnh minh họa)
Theo TS.BS. Lê Ngọc Duy - Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, nguy cơ ngộ độc thực phẩm thường tăng cao trong mùa hè khi thời tiết nắng nóng do đây là điều kiện thuận lợi cho các loại vi sinh vật phát triển mạnh.
Đặc biệt, khi ăn uống ngoài trời hoặc các buổi picnic, cắm trại dễ có nguy cơ ngộ độc hơn do các điều kiện thuận lợi như:
- Vi khuẩn phát triển dễ dàng hơn khi thực phẩm không được bảo quản trong vùng nhiệt độ an toàn.
- Các phương tiện vệ sinh và rửa tay không đầy đủ và không phải lúc nào cũng có sẵn nước sạch.
- Thực phẩm có thể bị nhiễm bẩn từ côn trùng, động vật gây hại, động vật và bụi.
- Các vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm phát triển dễ dàng hơn trên một số loại thực phẩm so với những loại khác. Một số thực phẩm có nguy cơ cao bao gồm: thịt sống và thịt nấu chưa chín hẳn, hải sản, các sản phẩm từ sữa, chẳng hạn như các món tráng miệng làm từ sữa, các loại salad trộn, thực phẩm ăn liền - chẳng hạn như bánh mì, bánh sandwich, bánh cuộn và bánh pizza có chứa bất kỳ loại thực phẩm nào ở trên.
2. Dấu hiệu khi bị ngộ độc thực phẩm
Các biểu hiện thường gặp khi bị ngộ độc thực phẩm là buồn nôn, nôn, đau bụng quằn quại, tiêu chảy, có thể sốt hoặc không… Đôi khi có kèm theo hoặc không có các triệu chứng phụ như đau đầu, chóng mặt, đau cơ, khó thở,... Các dấu hiệu trên thường xảy ra vài phút, vài giờ, thậm chí 1 ngày sau khi ăn phải thức ăn nhiễm độc.
Một số người có nhiều nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm hơn những người khác. Các nhóm dễ bị tổn thương bao gồm: phụ nữ mang thai, người cao tuổi, trẻ nhỏ, người mắc bệnh mạn tính...
Đặc biệt là đối với trẻ em, có nhiều dấu hiệu ngộ độc thực phẩm như buồn nôn, mệt mỏi rất dễ nhầm lẫn với một số bệnh lý khác hoặc cha mẹ tưởng là trẻ bị say xe. TS.BS. Lê Ngọc Duy đưa ra những dấu hiệu để cha mẹ có thể nhận biết khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm:
Về tiêu hóa: Đau bụng, buồn nôn, nôn trớ, tiêu chảy;
Về hô hấp: Ho, thở nhanh, khó thở, tím tái;
Về thần kinh: Co giật, run tay chân, run giật cơ (ở mặt, ngực, đùi, cánh tay), yếu cơ sau đó là liệt cơ. Nặng hơn có thể liệt cơ hô hấp, rối loạn nhịp tim hoặc hôn mê;
Dấu hiệu tăng tiết: Đờm nhớt, dịch tiêu hóa, mồ hôi, nước bọt.
3. Cách bảo đảm an toàn thực phẩm cho các bữa ăn ngoài trời
Nếu bạn tổ chức các bữa ăn ngoài trời hoặc các buổi dã ngoại, hãy lưu ý một số phương pháp thiết thực để giữ thực phẩm an toàn, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm được khuyến cáo dưới đây.
3.1 Khâu chuẩn bị thực phẩm
- Chọn thực phẩm tươi mới, đảm bảo an toàn. Tốt nhất là nên mua thực phẩm tươi sống mới được chế biến trong ngày.
- Bảo quản bất kỳ loại thịt sống nào luôn phải tách biệt với các thực phẩm khác. Luôn bảo quản thịt sống và thịt gia cầm riêng biệt với đồ nấu chín và bên dưới thực phẩm khác để nước thịt sống không làm nhiễm bẩn thực phẩm khác.
- Trước khi đi nên sơ chế trước tất cả các loại thịt và salad để giảm bớt thao tác xử lý thực phẩm ở ngoài trời.
- Hãy chắc chắn rằng tất cả các thực phẩm đã nấu chín đều được làm nguội hoàn toàn trước khi cho vào ngăn mát để mang theo.
- Chia thức ăn thành các phần vừa ăn và đóng gói theo thời điểm dự định ăn để có thể lấy được thứ mình cần một cách nhanh chóng.
- Nên bảo quản thịt trong nhiệt độ tiêu chuẩn nhiều nhất có thể. Khi di chuyển có thể dùng thùng đá giữ mát. Khi tới nơi dự định cắm trại hoặc dã ngoại, tốt nhất là tìm được chỗ có tủ lạnh để bảo quản thực phẩm.
3.2 Đảm bảo an toàn thực phẩm khi chế biến
- Luôn chú ý nấu thức ăn ở nhiệt độ ít nhất là 75°C. Nên trang bị nhiệt kế thực phẩm để kiểm tra nhiệt độ cuối cùng. Sử dụng nhiệt kế là cách tốt nhất để đảm bảo thịt được nấu chín đúng cách. Nếu không có nhiệt kế, bạn nên nấu thịt gia cầm cho đến khi thịt có màu trắng, không nên ăn khi thịt còn màu hồng.
Các loại thực phẩm cần được nướng - đun chín kỹ trước khi ăn.
- Sử dụng đĩa sạch cho tất cả các loại thịt đã nấu chín. Tuyệt đối không sử dụng lại đĩa hoặc hộp đựng thịt sống. Không sử dụng cùng một thiết bị dùng để nấu thức ăn sống (chẳng hạn như kẹp hoặc nĩa) để xử lý thức ăn đã nấu chín.
- Chỉ mang salad, pate, nước chấm và các món dễ hỏng khác ra ngoài khi cần và cho vào thùng lạnh khi bữa ăn đã kết thúc.
- Đậy thức ăn để tránh tiếp xúc với chim, côn trùng và động vật. Khi thực phẩm đã để ra ngoài ở nhiệt độ thường sau hơn 4 giờ thì không nên sử dụng nữa.
- Luôn đun sôi nước uống trước khi sử dụng hoặc dùng nước đóng chai tiệt trùng.
Tin nổi bật
- Mướp đắng có nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng ai không nên ăn?
12/06/2024 - 10:47:07
- Bị ngộ độc thức ăn tại nhà nên uống nước gì?
18/03/2024 - 17:23:23
- Những món ăn dễ tạo nồng độ cồn
05/03/2024 - 11:12:44
- Điều gì xảy ra khi uống quá nhiều trà chanh?
28/02/2024 - 10:47:30
- Thịt trữ ngăn đá nhiều ngày có gây ung thư?
20/02/2024 - 10:41:00
- Cứu sống nam thanh niên ngừng tuần hoàn do ăn lá ngón
23/06/2023 - 15:09:55