Cách dùng thuốc an toàn trị hen phế quản cho trẻ
Giao mùa là thời điểm rất dễ làm trầm trọng thêm bệnh hen phế quản ở trẻ em. Dự phòng và kiểm soát chặt chẽ hen phế quản sẽ giúp hạn chế các biến chứng nguy hiểm.
1. Vì sao giao mùa làm gia tăng cơn hen phế quản ở trẻ?
Thời tiết trong giai đoạn giao mùa liên tục thay đổi khiến độ ẩm, nhiệt độ, không khí cũng thay đổi theo. Điều này khiến cho các bệnh đường hô hấp rất dễ bùng phát, nhất là hen phế quản.
BS. Nguyễn Hữu Trường - Trung tâm dị ứng-Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Hen phế quản (hen suyễn) là một bệnh hô hấp mạn tính, tác động đến đường dẫn khí của phổi khiến chúng nhạy cảm với các tác nhân gây kích thích. Từ đó, gây ra tình trạng sưng, hẹp, tăng tiết chất nhầy dư thừa gây ra tình trạng tắc, nghẽn đường thở, khiến trẻ khó thở, ho khò khè.
Ở trẻ em, hen phế quản là một trong những bệnh mạn tính nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến khoảng hơn 6 triệu trẻ em dưới 18 tuổi trên toàn thế giới, chủ yếu là hen phế quản dị ứng. Vì vậy, thời tiết giao mùa làm thay đổi các dị nguyên có trong không khí, do đó cũng gây các cơn bùng phát hen phế quản ở trẻ.
2. Mối nguy khi trẻ mắc hen phế quản
Trẻ mắc hen phế quản thường bị khó thở, tức ngực, thở rít, khò khè, ho kéo dài, nhất là về đêm, sáng sớm hoặc khi trời lạnh. Tuy nhiên, tùy từng trẻ mà có các dấu hiệu khác nhau. Bệnh có thể trở nên tồi tệ hơn hoặc tiến triển tốt lên theo thời gian.
BS. Nguyễn Hữu Trường nhấn mạnh, nếu không được điều trị sớm, hen phế quản ở trẻ có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm: Tràn khí màng phổi, nhiễm khuẩn phế quản, tổn thương não, ngừng hô hấp…
3. Mục tiêu điều trị hen phế quản ở trẻ
Theo BS.Nguyễn Hữu Trường điều trị hen phế quản ở trẻ về cơ bản vẫn là kiểm soát nền viêm. Tuy nhiên, ở trẻ ngoài hiệu quả điều trị, vấn đề an toàn của thuốc cũng được đặt lên hàng đầu. Bởi trẻ nhạy cảm với các độc tính của thuốc hơn nhiều.
Mục tiêu của điều trị hen phế quản cho trẻ cần đảm bảo:
- Kiểm soát triệu chứng bệnh.
- Trẻ không phải dùng thuốc cắt cơn hen.
- Không có triệu chứng bệnh cả ban đêm lẫn ban ngày.
- Giảm tần suất các cơn bùng phát hen phế quản.
- Giảm thiểu các tác dụng phụ của các thuốc điều trị hen.
- Duy trì ổn định chức năng hô hấp của trẻ.
- Cải thiện cuộc sống, sinh hoạt và sức khỏe cho trẻ.
4. Các thuốc điều trị hen phế quản ở trẻ
BS. Nguyễn Hữu Trường cho hay, điều trị hen phế quản ở trẻ thường dùng các thuốc cắt cơn và dự phòng hen phế quản.
Thông thường, các thuốc bao gồm:
- Các thuốc corticoid dạng hít: Đây là thuốc cơ bản trong điều trị dự phòng hen phế quản cho trẻ theo hướng dẫn của chương trình kiểm soát hen toàn cầu GINA. Các thuốc thường dùng: Fluticasone, beclomethasone, budesonide, ciclesonide, mometasone…
Corticoid dạng hít giúp giảm nhanh chóng các triệu chứng ho, khè, thở rít, giảm số đợt cấp tính, đồng thời cải thiện chức năng phổi ở trẻ.
- Thuốc điều chỉnh leukotriene dạng uống (montelukast, zafirlukast, zileuton…): Có thể cho trẻ dùng thuốc này trong các trường hợp hen phế quản nhẹ. Ngoài ra, cũng có thể kết hợp dùng với thuốc corticoid dạng hít điều trị những trường hợp đặc biệt.
- Thuốc cường bêta 2 tác dụng kéo dài (formoterol và salmeterol): Các thuốc này có tác dụng kéo dài hơn 12 giờ đồng hồ, do đó, thuốc được dùng hàng ngày để ngăn chặn các cơn co thắt phế quản.
Với những trường hợp không kiểm soát được bệnh bằng các thuốc corticoid dạng hít đơn thuần, có thể phối hợp với các thuốc cường bêta kéo dài. Bao gồm: Budesonide và formoterol, fluticasone và salmeterol, mometasone và formoterol, fluticasone và vilanterol...
- Thuốc cắt cơn hen phế quản (salbutamol, levalbuterol): Có thể dùng các thuốc chủ vận beta 2 tác dụng ngắn. Các thuốc này giúp nhanh chóng cắt cơn hen phế quản trong khoảng 20 phút sau khi uống và có tác dụng trong vài giờ.
Ngoài ra, có thể dùng thuốc prednisone và methylprednisolone để làm giảm viêm đường thở trong các trường hợp hen phế quản nặng.
5. Những sai lầm khi trị hen cho trẻ
5.1. Tự ý ngừng dùng thuốc
Nhiều bậc cha mẹ khi thấy trẻ giảm các triệu chứng ho, khó thở… đã ngừng dùng thuốc. Tuy nhiên, hen phế quản là bệnh mạn tính. Để điều trị cần kết hợp 2 loại thuốc cắt cơn và dự phòng. Hiện chưa có thuốc để điều trị khỏi hẳn hen phế quản.
Nếu chỉ dùng thuốc cắt cơn khi có các triệu chứng bệnh mà không dùng thuốc dự phòng sẽ dễ gây bùng phát cơn hen, kháng thuốc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
5.2. Tự ý tăng liều thuốc
Tâm lý nhiều người muốn cho con nhanh khỏi, đã tự ý tăng liều dùng. Tuy nhiên, việc tăng liều không giúp trẻ nhanh khỏi bệnh mà còn gây những tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Việc dùng tăng liều còn có thể gây nhờn thuốc, khiến cho việc điều trị trở nên khó khăn hơn.
5.3. Dùng ống hít trị hen phế quản sai cách
Đây là một trong những sai lầm trong điều trị hen mà nhiều người mắc phải, đặc biệt là trẻ em. Khi thao tác bình xịt/hít trị hen phế quản cần thực hiện đúng theo tờ hướng dẫn sử dụng thuốc, hoặc theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
Việc làm sai các thao tác hít vào - thở ra, xịt quá nhanh, xịt liên tục, không nín thở sau khi hít vào... khiến cho người bệnh không nhận đủ thuốc. Do đó, điều trị bệnh không hiệu quả. Thậm chí có nhiều bệnh nhân bị khàn tiếng do dùng ống hít sai cách.
Thuốc hít/xịt trị hen phế quản tương đối an toàn, ít tác dụng phụ và có hiệu quả cao, nhưng kỹ năng xịt thuốc khó hơn uống thuốc.
5.4.Tự uống thuốc theo mách bảo
Đây là tình trạng chung của nhiều người mỗi khi mắc bệnh. Do tâm lý ngại đi khám, nên khi thấy có các triệu chứng ho, thở rít, khò khè… nhiều người tự ý mua thuốc trị hen về cho con uống.
Tuy nhiên, sử dụng thuốc trị hen phế quản cần đúng thuốc, đúng liều và đúng từng trường hợp bệnh thì mới đạt hiệu quả. Nếu không đúng thuốc bệnh không khỏi mà còn nặng thêm, thậm chí để lại hậu quả khôn lường: Hội chứng Cushing (do dùng thuốc corticoid kéo dài), tăng đường huyết, loét dạ dày, loãng xương, suy gan, suy thận…
6. Dùng thuốc trị hen phế quản sao cho an toàn?
Để dùng thuốc an toàn, BS. Nguyễn Hữu Trường khuyến cáo:
- Chỉ sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
- Việc sử dụng thuốc corticoid dạng hít liều cao, kéo dài có thể ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao, mật độ xương và chức năng tuyến thượng thận của trẻ. Do đó, tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn của bác sĩ. Không được tự ý tăng liều dùng khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
- Thực hiện đúng hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ chuyên khoa.
- Tuyệt đối không được tự ý ngừng dùng thuốc khi trẻ đã hết các cơn khó thở, tức ngực vì có thể gây các cơn hen bùng phát.
- Thuốc kháng sinh chỉ dùng khi có bội nhiễm và được sự chỉ định của bác sĩ.
- Sử dụng thuốc dạng hít đúng hướng dẫn của nhân viên y tế để đảm bảo thuốc được hấp thụ đầy đủ.
- Cho trẻ súc miệng sau khi dùng thuốc dạng hít. Uống đủ nước.
- Giữ ấm cơ thể.
- Đeo khẩu trang khi đi ra nơi đông người.
- Tránh yếu tố khởi phát hen.
- Giữ vệ sinh sạch sẽ môi trường sống xung quanh.
- Tránh thừa cân, béo phì.
- Sử dụng thuốc cắt cơn hen dạng hít khi cần.
- Tái khám theo định kỳ.
- Tiêm phòng đầy đủ, đặc biệt là vaccine phòng cúm và phế cầu.
Tin nổi bật
- Viêm mũi dị ứng mùa xuân
16/02/2024 - 09:54:59
- Viêm phổi ở trẻ có triệu chứng gì?
02/02/2024 - 15:16:09
- Các loại viêm xoang thường gặp và triệu chứng
15/01/2024 - 09:59:00
- Dấu hiệu nhận biết khi trẻ bị viêm tiểu phế quản
03/07/2023 - 11:50:42
- Biểu hiện bệnh suy hô hấp mạn tính
26/06/2023 - 11:59:13
- Ngạt mũi liên tục gây khó thở, khó ngủ: nguyên nhân và cách điều trị
18/04/2023 - 10:06:25