Các đội bắt chó thả rông ở TP.HCM và Hà Nội giờ ra sao?
Đội bắt chó thả rông ở TP.HCM không còn hoạt động nữa, công việc thu gom chó thả rông được giao về cho các quận, huyện, còn ở Hà Nội thì gần như bỏ bẵng.
Sự việc, bé trai 7 tuổi ở thị trấn Lương Bằng (huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên) bị cùng lúc 6 con chó xông vào cắn thiệt mạng còn chưa kịp lắng xuống thì mới đây, một nhân viên Công ty cổ phần Cấp nước Chợ Lớn bị chó cắn và bị đánh trọng thương khi đi ghi chỉ số nước khiến dư luận không khỏi bức xúc.
Nhiều người đặt câu hỏi thắc mắc đội chuyên bắt chó thả rông từng gây xôn xao dư luận thời gian trước có còn hoạt động nữa hay không?
TP.HCM là địa phương đầu tiên có đội chuyên bắt chó thả rông gây nguy hiểm cho người dân, tuy nhiên thời gian gần đây người dân TP.HCM không còn thấy lực lượng này hoạt động.
Theo đại diện Chi cục Thú y TP.HCM, sau nhiều năm hoạt động, từ tháng 8/2018 đến nay, đội bắt chó thả rông ở TP.HCM đã không còn thực hiện công việc thu gom những con chó chạy rông ngoài đường nữa.
Trách nhiệm quản lý chó thả rông đã được trả về cho 24 quận, huyện của TP.HCM. Tuy nhiên, đến nay gần như rất ít quận, huyện thực hiện công việc này.
Khoảng năm 2008 - 2009, sau khi liên tục nhận được phản ánh của người dân về những bất cập do việc thả chó rông ngoài đường, Chi cục Thú y TP.HCM đã thành lập đội săn bắt chó thả rông trên địa bàn.
Đội bắt chó thả rông từng hoạt động ở TP.HCM.
Đội săn bắt chó thả rông được trang bị xe tải nhỏ chuyên dụng có lồng sắt, vợt sắt. Với tất cả là 7 nhân viên phụ trách, hằng ngày, đội sẽ chia nhau đi trên các tuyến đường thuộc 24 quận, huyện ở TP.HCM để gom chó thả rông.
Khi bị bắt, những chú chó này sẽ được đưa về chăm sóc, nuôi dưỡng tại trụ sở 252 Lý Chính Thắng (quận 3) để chờ chủ đến nộp phạt. Theo quy định, trong vòng 72 giờ sau đó, chủ nhân của các chú chó này nếu không đến nộp phạt và nhận lại, thì những chú chó này sẽ bị thiêu huỷ.
Sau 10 năm hoạt động, đội này đã xử lý rất nhiều trường hợp chó thả rông và xử phạt chủ nuôi.
Tuy nhiên, sau khi trên mạng xuất hiện clip đội săn bắt chó thả rông đang làm việc, nhiều người đã tỏ ra giận dữ, phản đối việc làm này. Thậm chí có nhân viên đội bắt chó bị hăm dọa, hành hung khi bắt chó thả rông.
Trong khi đó ở Hà Nội, quận Thanh Xuân là đơn vị đầu tiên thành lập tổ bắt chó thả rông. Theo thống kê có hơn 2.300 con chó trên địa bàn quận. Tình trạng người dân nuôi chó thả rông, phóng uế bừa bãi phổ biến khiến người dân bức xúc. Thậm chí, tháng 8/2018 còn xảy ra vụ người đàn ông bị chó Bec-giê cắn chết.
Đầu tháng 11/2018, 9 phường thuộc quận Thanh Xuân đã lập tổ phản ứng nhanh bắt chó thả rông. Mỗi tổ gồm 5 người, đi xe máy đeo sọt sắt, thòng lọng tuần tra các tuyến đường. Các tổ đã bắt được 9 con chó, xử phạt chủ chó tổng số tiền 6,2 triệu đồng.
Theo bà Mai Thị Lan Hương, Trạm Thú y Thanh Xuân, khi bắt giữ chó, sẽ thông báo qua loa phường đề nghị chủ sở hữu đến nộp phạt và đem chó về. Sau 72 tiếng, chó không có người nhận sẽ bị tiêu hủy.
"Hoạt động này nhận được sự đồng tình của người dân. Tuy nhiên, tổ phản ứng nhanh bắt chó thả rông còn gặp nhiều khó khăn vì thiếu kỹ năng xử lý tình huống, không có xe chuyên dụng và chưa có nơi nhốt chó", bà Hương nói.
Bắt chó thả rông ở Hà Nội (Ảnh: VNE)
Bà Hương cũng chia sẻ, những con chó to chạy trên đường bắt rất khó, khi rượt đuổi bằng xe máy có thể gây cản trở giao thông, thậm chí gây nguy hiểm cho người bắt giữ. Chó bị bắt thường được cho vào rọ sắt, đưa về trụ sở ủy ban phường đợi chủ đến nhận. Chi phí chăm sóc chó, chi phí cho nhân viên đi bắt chó chưa được tính toán cụ thể.
Theo ghi nhận của PV, cũng từ đó đến nay, hoạt động này ở nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội gần như không diễn ra. Tình trạng chó thả rông, không rọ mõm, phóng uể bừa bãi xảy ra ở khắp các ngõ xóm, tuyến đường. Công tác tuyên truyền cho hoạt động này chỉ diễn ra vài ngày trong đợt thực hiện kế hoạch cao điểm, sau đó thì gần như bỏ bẵng.
Từ ngày 15/9/2017, Nghị định 90/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y có hiệu lực thi hành. Cụ thể, cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi không thực hiện việc phòng bệnh bằng vắcxin hoặc các biện pháp phòng bệnh bắt buộc khác cho động vật. Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng bị phạt từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng. Ngoài ra, luật cũng quy định, chó thả rông sẽ bị bắt, sau 72 giờ nếu không có người nhận sẽ đem đi tiêu hủy. |
Nhật Linh
Tin nổi bật
- Luật Thủ đô (sửa đổi): Đảm bảo kết nối, tương tác hiệu quả giữa mạng lưới cơ sở y tế quốc gia và địa phương
01/07/2024 - 10:15:06
- 15 năm thực hiện Luật BHYT: Số người tham gia tăng, quyền lợi mở rộng, chất lượng khám chữa bệnh ngày càng nâng cao
01/07/2024 - 09:54:28
- Sở Y tế TPHCM gặp khó khăn khi xử lý hành vi bán thuốc qua mạng
28/06/2024 - 10:01:12
- Chi tiết 5 chính sách lớn để phát triển công nghiệp dược, tăng tiếp cận thuốc mới của người dân
26/06/2024 - 14:39:35
- Thời gian cấp Giấy đăng ký lưu hành thuốc mới sẽ giảm từ 12 tháng xuống 9 tháng
24/06/2024 - 09:49:17
- Sửa đổi Luật Dược nhằm bảo đảm người dân được tiếp cận thuốc chất lượng, kịp thời, giá hợp lý
18/06/2024 - 16:02:13