Cô Nina Martinez (35 tuổi) bị nhiễm HIV trong lần truyền máu lúc cô 6 tuần tuổi vào năm 1983. Lúc ấy, ngân hàng máu chưa sàng lọc HIV. Cô đã may mắn sống đến năm 13 tuổi, tức vào năm 1996, để có thể được điều trị bằng thuốc ức chế vi rút HIV, theo Daily Mail.
Khi biết một người bạn của mình cũng bị nhiễm HIV và cần được ghép thận, Martinez đã tìm hiểu thông tin về hiến thận. Cô muốn tặng quả thận của mình cho anh. Tuy nhiên, bạn cô đã mất trước khi các thủ tục xét nghiệm hiến thận được thực hiện.
Dù vậy, Martinez vẫn quyết hiến thận cho một người khác để tưởng nhớ người bạn đã mất. Vào ngày 25.3, cô đã đi từ nhà mình ở thành phố Atlanta, bang Georgia đến Đại học Johns Hopkins ở thành phố Baltimore, bang Maryland để phẫu thuật.
Không chỉ vì người bạn của mình, Martinez hiến thận vì muốn “tạo ra sự khác biệt cho cuộc sống của người khác” và chống lại những kỳ thị với người bị HIV, rằng họ là những trông ốm yếu và bệnh hoạn, Martinez chia sẻ với truyền thông Mỹ trước ca phẫu thuật.
Ca phẫu thuật diễn ra vào ngày 28.3 và thành công. Đây là ca ghép thận đầu tiên trên thế giới mà người hiến và người nhận đều bị nhiễm HIV.
Nó được xem là cột mốc quan trọng mang lại hy vọng sống cho những bệnh nhân nhiễm HIV và cần hiến ghép tạng.
Cả cô Martinez và người nhận tạng đều đang hồi phục tốt. “Trước đây, HIV là căn bệnh chẳng khác nào bản án tử với người mắc. Hiện tại, nó đã được kiểm soát tốt đến mức có thể cho phép người nhiễm một cơ hội hiến tạng cứu người khác”, bác sĩ Dorry Segev của Đại học Johns Hopkins cho biết.
Trước đây, các bác sĩ lo ngại việc ghép thận sẽ khiến những người nhiễm HIV hiến thận sẽ bị tổn hại sức khỏe nghiêm trọng. Thận của họ có thể bị tổn thương do HIV cũng như dùng các loại thuốc ức chế virus.
Tuy nhiên, các thành tựu y học đã bào chế ra những loại thuốc có thể khống chế HIV hiệu quả và an toàn hơn, theo Daily Mail.
Ngọc Quý