Bộ trưởng Bộ Y tế: Dịch bệnh truyền nhiễm vẫn diễn biến phức tạp, khó lường
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan: Hiện nay tình hình bệnh truyền nhiễm trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực đã ghi nhận sự gia tăng trở lại các ca nhiễm COVID-19 cùng với sự lây lan của các bệnh về đường hô hấp khác…
"Chúng ta không lo lắng nhưng phải chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh"
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình dịch bệnh truyền nhiễm, quán triệt quan điểm chỉ đạo phòng bệnh từ sớm, từ xa; để chủ động công tác phòng, chống dịch ngay từ đầu năm, hôm nay, 24/1, Bộ Y tế tổ chức hội nghị triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm 2024. Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến nối điểm cầu Bộ Y tế với điểm cầu UBND, Sở Y tế các địa phương, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế các vùng miền.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết hiện nay tình hình bệnh truyền nhiễm trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chủ trì hội nghị. Cùng tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương và đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc/ thuộc Bộ, y tế các bộ, ngành.
Hội nghị nhằm đánh giá các kết quả công tác phòng, chống dịch bệnh năm 2023, phân tích các tồn tại, vướng mắc về đưa ra các giải pháp trọng tâm của công tác phòng, chống dịch năm 2024.
Trong phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết hiện nay tình hình bệnh truyền nhiễm trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Thời gian cuối năm 2023, đầu năm 2024 nhiều quốc gia trong đó có các quốc gia trong khu vực đã ghi nhận gia tăng số mắc, nhập viện do COVID-19 và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan dẫn thông tin của Tổ chức Y tế thế giới cho biết, trong tháng 12/2023 thế giới ghi nhận gần 10.000 ca tử vong do COVID-19, số ca nhập viện tăng 42% so với tháng 11/2023. Dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, chưa ổn định.
Các đại biểu tham dự hội nghị ở điểm cầu Bộ Y tế.
Miễn dịch đáp ứng do mắc bệnh hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian; virus liên tục biến đổi, gần nhất là biến thể JN.1 (12/2023) đã gia tăng nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu. Nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực đã ghi nhận sự gia tăng trở lại các ca nhiễm COVID-19 cùng với sự lây lan của các bệnh về đường hô hấp khác…
Trong nước, theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan các bệnh đường hô hấp, cúm mùa cũng phát sinh nhiều trong thời điểm cuối năm. TP Hà Nội thời gian qua cũng ghi nhận sự gia tăng bệnh nhân mắc cúm A, cúm B. Trong dịp Tết sắp tới, nhu cầu giao thương, du lịch ngày càng tăng. Đồng thời, đây cũng là thời điểm thời tiết có nhiều khắc nghiệt, biến đổi thất thường. Đây là các tác nhân làm gia tăng bệnh bệnh đường hô hấp đặc biệt ở người già, người có bệnh mãn tính, trẻ em…
"Một mặt chúng ta không lo lắng nhưng phải chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh để bảo đảm đón Tết an toàn, cũng như công tác phòng chống dịch bệnh năm 2024 chủ động, hiệu quả"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.
Người đứng đầu ngành y tế cho hay, Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-BYT về việc tăng cường công tác y tế đảm bảo đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 để chỉ đạo các đơn vị ngành y tế tổ chức triển khai tổng thể công tác y tế đảm bảo đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn tiết kiệm, trong đó yêu cầu các địa phương, đơn vị triển khai các biện pháp đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, các dịch bệnh thường xảy ra trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và mùa lễ hội đầu năm.
Ông Hoàng Minh Đức - Phó Cục trưởng Phụ trách, Quản lý, điều hành Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.
Dịch bệnh diễn biến khó lường, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát
Báo cáo tình hình dịch bệnh năm 2023, Phó Cục trưởng Phụ trách, Quản lý, điều hành Cục Y tế dự phòng Hoàng Minh Đức cho biết, năm 2023, ghi nhận hơn 172.000 ca mắc, 43 ca tử vong. So với năm 2022 (369.483/151), số mắc giảm 53,8%, số tử vong giảm 72,4% (giảm 108 trường hợp). Các địa phương ghi nhận số mắc cao: Hà Nội (36.795), TP. Hồ Chí Minh (17.257), Gia Lai (6.532), Đồng Nai (5.508), Bình Dương (5.092), Đắk Lắk (4.972), Bình Thuận (4.853), An Giang (4.840), Lâm Đồng (4.832), Đà Nẵng (4.604).
Năm 2023, cả nước ghi nhận gần 181.000 ca mắc, 31 ca tử vong. So với năm 2022 (67.586/3), số mắc tăng gấp 2,7 lần, số tử vong tăng 28 trường hợp. Các địa phương ghi nhận số mắc cao: TP. Hồ Chí Minh (50.161), Đồng Nai (10.968), An Giang (9.945), Bình Dương (9.021)...
Về dịch bạch hầu, năm 2023, cả nước ghi nhận 57 ca mắc, 7 trường hợp tử vong, xảy ra cục bộ tại một số địa phương khu vực miền núi phía Bắc: Hà Giang(49), Điện Biên (6), Thái Nguyên (2).
Về dịch bệnh đậu mùa khỉ, lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cho biết tính đến hết năm 2023, cả nước ghi nhận 137 ca mắc (02 ca ghi nhận năm 2022), 06 ca tử vong; các trường hợp mắc và tử vong đều ghi nhận tại khu vực phía Nam, chủ yếu tại TP. Hồ Chí Minh. Các ca mắc chủ yếu là nam (98,5%), tuổi trung bình khoảng 31; trong đó 70% là MSM và 55% ca bệnh nhiễm HIV.
Năm 2023 không ghi nhận các trường hợp mắc cúm độc lực cao ở người như cúm A(H5N1), A(H5N6), A(H7N9), A(H9N2)... Các bệnh truyền nhiễm khác không ghi nhận các ổ dịch lớn, tình hình ổn định, và cơ bản được kiểm soát.
Các điểm cầu tham gia hội nghị.
Tuy nhiên, ông Đức cũng nhận định tình hình dịch bệnh diễn biến chưa ổn định, khó lường, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi tiếp tục xuất hiện, các biến chủng mới, các tác nhân gây bệnh liên tục biến đổi.
Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới, gió mùa, nóng ấm, mưa nhiều, thời tiết thay đổi bất thường, nguy cơ lây lan các dịch bệnh lưu hành như tay chân miệng, sốt xuất huyết... rất lớn. Trong khi đó, thiếu thông tin, dữ liệu để hỗ trợ thực hiện phân tích, đánh giá, cảnh báo dịch. Tỷ lệ tiêm chủng ở một số nơi còn thấp, chưa đạt tiến độ đề ra, nhất là vùng sâu, vùng xa, khu vực dân tộc thiểu số sinh sống; miễn dịch giảm theo thời gian.
Bộ Y tế cho biết tiếp tục theo dõi chặt chẽ, bám sát các diễn biến tình hình dịch bệnh (COVID-19, đậu mùa khỉ, sốt xuất huyết, tay chân miệng, bạch hầu…); đánh giá, phân tích, nhận định, dự báo tình hình dịch bệnh.
Đẩy mạnh công tác dự phòng, giám sát và kiểm soát dịch, tăng cường giám sát thường xuyên, giám sát dựa vào sự kiện phát hiện sớm ca bệnh, tác nhân gây bệnh ngay từ cửa khẩu, tại cơ sở y tế và trong cộng đồng để xử lý kịp thời, triệt để và triển khai công tác tiêm chủng an toàn, hiệu quả.
Tổ chức tốt các phương án thu dung, điều trị bệnh nhân, thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn và triển khai hiệu quả công tác chỉ đạo tuyến, nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị;
Chủ động cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh, khuyến cáo người dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi bảo vệ sức khỏe và thực hiện các yêu cầu phòng chống dịch.
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh báo cáo thông tin tình hình dịch bệnh trên địa bàn, trong đó có biến thể phụ JN.1 xuất hiện ở ca mắc COVID-19.
Tin nổi bật
- Nhiều người đi khám sức khỏe mới phát hiện bị bệnh tâm thần
05/07/2024 - 10:54:06
- Thanh niên suýt mất mạng vì ngộ độc thuốc diệt chuột
04/07/2024 - 10:12:39
- Đau bụng đi khám bác sĩ, bàng hoàng phát hiện sán não ký sinh khắp cơ thể
04/07/2024 - 10:00:07
- Bộ Y tế và UNCEF trao đổi thúc đẩy tiếp tục hợp tác về chăm sóc sức khoẻ nhân dân
04/07/2024 - 09:56:36
- Trích rạch vết thương do vỡ hạt tophi sau biến chứng của bệnh gout, cụ ông bị nhiễm trùng nặng
04/07/2024 - 09:52:37
- Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm ông Nguyễn Toàn Thắng giữ chức Phó Chánh Văn phòng Bộ
04/07/2024 - 09:50:03