Trẻ mắc đái tháo đường tuýp 1 có xu hướng tăng, Bộ Y tế hướng dẫn chẩn đoán và điều trị
Bộ Y tế cho biết, đái tháo đường tuýp 1 chiếm 90% bệnh đái tháo đường ở trẻ em. Hiện tại cả nước ta có khoảng gần 2.000 trẻ được chẩn đoán đái tháo đường tuýp 1... Bộ Y tế đã xây dựng Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường tuýp 1 ở trẻ em và thanh thiếu niên...
Đái tháo đường tuýp 1 chiếm 90% bệnh đái tháo đường ở trẻ em
Đái tháo đường là một trong những vấn đề y tế toàn cầu lớn nhất của thế kỷ 21, làm chậm quá trình phát triển kinh tế, cản trở quá trình đạt mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Bệnh đái tháo đường phổ biến nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên là đái tháo đường tuýp 1, theo thống kê đái tháo đường tuýp 1 chiếm 90% bệnh đái tháo đường ở trẻ em.
Theo Liên đoàn Đái tháo đường Thế giới (IDF) năm 2022, trên thế giới có 8,75 triệu người đang chung sống với đái tháo đường tuýp 1, trong đó 1/5 số người sống ở các nước thu nhập thấp và trung bình thấp. Về phân bố nhóm tuổi, 1,52 triệu người (17,4%) dưới 20 tuổi, 5,56 triệu người (63,5%) ở độ tuổi 20-59 và 1,67 triệu người (19,1%) ở độ tuổi từ 60 trở lên đang chung sống với bệnh.
Tính riêng năm 2022, trên toàn cầu có tới 530.000 ca mắc đái tháo đường tuýp 1 mới ở mọi lứa tuổi, trong đó có 201.000 người mắc ở độ tuổi dưới 20.
Theo Bộ Y tế, tỷ lệ mắc đái tháo đường ở trẻ em cao hơn liên quan đến yếu tố môi trường như mức độ đô thị hoá, mật độ dân số, tình trạng kinh tế xã hội, vĩ độ hoặc khoảng cách xa hơn so với đường xích đạo. Các yếu tố tiềm ẩn sự khác biệt về địa lý trong tỷ lệ mắc đái tháo đường tuýp 1 ở trẻ em vẫn chưa được hiểu rõ.
Hiện tại cả nước ta có khoảng gần 2.000 trẻ được chẩn đoán đái tháo đường tuýp 1. Bệnh đang có xu hướng tăng trong 7 năm gần đây.
Thông tin của Bộ Y tế cũng cho thấy, nhìn chung, không có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ mắc đái tháo đường tuýp 1 ở trẻ em theo giới tính. Tuy nhiên, trẻ nam trên 15 tuổi chiếm ưu thế trong tỷ lệ mắc đái tháo đường tuýp 1. Tỷ lệ mắc đái tháo đường tuýp 1 ở trẻ em thay đổi theo độ tuổi, tuổi khởi phát hay gặp nhất từ 10-14 tuổi ở nhiều quần thể. Những năm gần đây, độ tuổi khởi phát bệnh đang có xu hướng giảm dần ở một số quốc gia.
Tỷ lệ phát hiện bệnh đái tháo đường tuýp 1 ở trẻ em cao nhất vào những tháng mùa thu và mùa đông. Dịch tễ học của bệnh đái tháo đường ở trẻ em đang tiếp tục thay đổi với sự khác biệt rõ rệt giữa các quốc gia và các nhóm nhân khẩu học khác nhau trong chính các quốc gia.
Tại Việt Nam, hiện chưa có dữ liệu đầy đủ về dịch tễ của đái tháo đường tuýp 1. Dữ liệu từ các bệnh viện chuyên khoa nhi cho thấy cả nước có khoảng gần 2.000 trẻ được chẩn đoán đái tháo đường tuýp 1.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương trong 33 năm có 943 trẻ được chẩn đoán đái tháo đường tuýp 1 tính đến nay số trẻ mắc < 18 tuổi vẫn đang được điều trị và quản lý là 586 trẻ. Số trẻ mắc đái tháo đường tuýp 1có xu hướng gia tăng trong cả nước từ 7 năm gần đây. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, từ năm 2017 đến 2023, mỗi năm có từ 60 đến 95 trẻ mới được chẩn đoán đái tháo đường tuýp 1.
PGS.TS Trần Minh Điển - Chủ tịch Hội Nhi Khoa Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết đái tháo đường type 1 hay còn gọi là đái tháo đường phụ thuộc Insulin, gặp ở từ nhóm tuổi sơ sinh, đến bất kỳ nhóm tuổi nào và ở bất kỳ thời điểm nào đều có thể phát hiện ra, tuy nhiên đôi khi có những trường hợp khi phát hiện bệnh đã ở tình trạng hôn mê, nhiễm toan, nguy cơ đe dọa tính mạng.
Theo PGS.TS Trần Minh Điển, nguyên nhân của đái tháo đường tuýp 1 liên quan đến nhiều yếu tố như tính nhạy cảm di truyền, các yếu tố môi trường, hệ thống miễn dịch và các tế bào β; tuy nhiên vai trò cụ thể của các yếu tố này chưa rõ ràng.
Bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường type 1 cần được điều trị bằng Insulin ban đầu ở bệnh viện, sau đó liều ổn định sẽ điều trị tại nhà. "Với bệnh này chủ yếu tập trung vào theo dõi bệnh nhân, điều trị phù hợp giảm thiếu nhất biến chứng"- PGS.TS Trần Minh Điển nói.
Để tăng cường chuẩn hóa và chất lượng trong khám bệnh, chữa bệnh đái tháo đường tuýp 1, dựa trên tiến bộ khoa học kỹ thuật và các khuyến cáo quốc tế, Bộ Y tế đã triển khai xây dựng Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường tuýp 1 ở trẻ em và thanh thiếu niên. Hướng dẫn tập trung chủ yếu vào thực hành lâm sàng chẩn đoán và điều trị đái tháo đường tuýp 1.
Hướng dẫn được xây dựng công phu, cập nhật, dựa trên các tài liệu trong nước và quốc tế, tập trung vào thực hành lâm sàng chẩn đoán và điều trị bệnh đái tháo đường tuýp 1, rất hữu ích cho các thầy thuốc đa khoa, chuyên khoa trong hành nghề khám, chữa bệnh hàng ngày.
Đặc điểm lâm sàng của đái tháo đường tuýp 1, tuýp 2 và đái tháo đường đơn gen ở trẻ em và thanh thiếu niên
Đặc điểm | Típ 1 | Típ 2 | Đơn gen |
Di truyền | Đa gen | Đa gen | Đơn gen |
Tuổi khởi phát | 6 tháng tuổi - người trưởng thành trẻ tuổi | Thường tuổi dậy thì hoặc muộn hơn | Thường sau tuổi dậy thì, ngoại trừ ĐTĐ sơ sinh hoặc ĐTĐ do đột biến GCK |
Triệu chứng lâm sàng | Hầu hết cấp tính, diễn biến nhanh | Khác nhau: từ diễn biến chậm, nhẹ (âm thầm) hoặc nặng | Khác nhau, có thể tình cờ phát hiện như đột biến GCK |
Các biểu hiện kết hợp khác | |||
Tự miễn | Có | Không | Không |
Nhiễm toan ceton | Phổ biến | Không phổ biến | Phổ biến ở ĐTĐ sơ sinh, hiếm ở các thể khác |
Béo phì | Tương đương với tỉ lệ của quần thể bình thường | Tỉ lệ cao có béo phì | Tương đương với tỉ lệ của quần thể bình thường |
Gai đen | Không | Có | Không |
Tỉ lệ % trong số đái tháo đường ở người trẻ | Thường > 90% | Hầu hết các nước < 10%="" (nhật="" bản=""> | 1-4% |
Bố mẹ mắc đái tháo đường | 2-4% | 80% | 90% |
Tại hướng dẫn này, Bộ Y tế cũng đưa ra thông tin về dinh dưỡng và luyện tập đối với đái tháo đường ở trẻ em. Theo đó, can thiệp dinh dưỡng bao gồm: tư vấn dinh dưỡng cá thể hóa, giáo dục về dinh dưỡng, thúc đẩy thay đổi hành vi ăn uống lành mạnh, xây dựng quan hệ hỗ trợ tin cậy với gia đình và tạo ra mục tiêu chung. Chế độ dinh dưỡng tốt giúp cải thiện kết quả lâm sàng và chất lượng sống của trẻ.
Tin nổi bật
- Nhiều người đi khám sức khỏe mới phát hiện bị bệnh tâm thần
05/07/2024 - 10:54:06
- Thanh niên suýt mất mạng vì ngộ độc thuốc diệt chuột
04/07/2024 - 10:12:39
- Đau bụng đi khám bác sĩ, bàng hoàng phát hiện sán não ký sinh khắp cơ thể
04/07/2024 - 10:00:07
- Bộ Y tế và UNCEF trao đổi thúc đẩy tiếp tục hợp tác về chăm sóc sức khoẻ nhân dân
04/07/2024 - 09:56:36
- Trích rạch vết thương do vỡ hạt tophi sau biến chứng của bệnh gout, cụ ông bị nhiễm trùng nặng
04/07/2024 - 09:52:37
- Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm ông Nguyễn Toàn Thắng giữ chức Phó Chánh Văn phòng Bộ
04/07/2024 - 09:50:03