Bệnh liên cầu khuẩn lợn nguy hiểm như thế nào?
Bệnh liên cầu khuẩn lợn ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn liên cầu lợn có tên khoa học là Streptococcus suis lây truyền từ động vật sang người.
Mới đây, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận bệnh nhân M.V.M (61 tuổi) sinh sống tại Thành phố Hạ Long.
Theo gia đình cho biết, khoảng 2 ngày trước đó, bệnh nhân có ăn tiết canh lợn, sau 1 ngày xuất hiện mệt mỏi, sốt, đau bụng và đi ngoài phân lỏng.
Bác sĩ chẩn đoán ông M. bị sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, theo dõi do liên cầu lợn.
Ngay khi tiếp nhận, bệnh nhân đã được bác sĩ xử trí bằng nhiều biện pháp hồi sức tích cực: thở máy, bù dịch, điện giải, thuốc vận mạch, kháng sinh phối hợp, lọc máu liên tục, điều chỉnh toan kiềm, rối loạn đông máu.
Tuy nhiên do khi nhập viện, bệnh nhân đã diễn biến quá nặng nên dù đã tích cực hồi sức nhưng tình trạng sốc, suy đa tạng không cải thiện, bệnh tiến triển ngày càng nặng, nguy cơ tử vong cao.
Bệnh liên cầu khuẩn lợn là gì?
Bệnh liên cầu khuẩn lợn ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn liên cầu lợn có tên khoa học là Streptococcus suis (S. suis) lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu là từ lợn mắc bệnh.
Chúng cư trú trong đường hô hấp trên, đặt biệt là xoang mũi và hạch hạnh nhân, cũng có thể ở đường tiêu hóa, đường sinh dục của lợn. S.suis tồn tại lâu trong phân, nước, rác.
Người mắc phải bệnh này thường có triệu chứng sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, ù tai, điếc, cứng gáy, rối loạn tri giác... xuất huyết đa dạng ở một số nơi trên cơ thể.
Một số trường hợp xuất hiện các triệu chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc tiêu hóa: sốt, đi cầu nhiều lần, phân lỏng, cơ thể lạnh, run... trước khi có biểu hiện của viêm màng não.
Trường hợp nặng: Sốc nhiễm độc, trụy mạch, cơ thể lạnh, tụt huyết áp, nhiễm khuẩn huyết cấp tính, rối loạn đông máu nặng, suy hô hấp, suy đa phủ tạng... hôn mê và tử vong.
Bệnh liên cầu lợn khiến người nhiễm bệnh hôn mê, suy đa phủ tạng, nhiễm trùng huyết,... tình trạng nguy kịch, để lại di chứng nặng nề cho cơ thể (Ảnh: Cục Y tế dự phòng).
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh liên cầu cầu lợn rải rác quanh năm nhưng tăng mạnh vào những tháng cuối năm và đầu năm Tết Nguyên đán do nhiều nơi mổ lợn ăn Tết và giữ tập tục ăn tiết canh cho may mắn.Người mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn đa số ở độ tuổi 40 – 60. 80% là nam giới. Trong số bệnh nhân phục hồi, thì 60% bị giảm thính lực, 20% điếc hoàn toàn.Theo Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương: “Một số bệnh nhân bị bệnh liên cầu khuẩn lợn thể viêm màng não mủ phải nằm viện điều trị ít nhất 3 tuần, có bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết phải điều trị đến 2 tháng, với chi phí hàng trăm triệu đồng, tùy thuộc vào di chứng”.
Kết quả điều tra dịch dễ cho thấy, 70% bệnh nhân mắc liên cầu lợn có ăn tiết canh, số còn lại do ăn nem chạo sống, thịt lợn tái, do tiếp xúc, giết mổ lợn.
Cách phòng tránh lây nhiễm liên cầu khuẩn lợn
Người dân không giết mổ hay tiêu thụ lợn mắc bệnh, lợn chết. Thực hiện vệ sinh ăn uống, không ăn thịt hoặc phủ tạng lợn chưa nấu kỹ; không ăn tiết canh lợn và các loại thịt, sản phẩm tái, sống được chế biến từ lợn không đảm bảo an toàn thực phẩm. Người tiêu dùng chỉ nên mua thịt lợn đã được cơ quan thú y kiểm dịch.
Người dân phải sử dụng các phương tiện phòng hộ như găng tay, ủng, kính bảo vệ mắt; rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc, giết mổ, chế biến thịt lợn, đặc biệt khi phải xử lý lợn mắc bệnh hoặc lợn chết.
Dùng xà phòng sạch rửa sạch sẽ các đồ dùng chăm sóc, giết mổ hay dụng cụ nhà bếp ngay sau khi sử dụng.Khi có vết thương hở, hoặc có các vùng da bị tổn thương không nên giết mổ lợn hoặc chế biến thịt lợn tươi sống; hoặc nếu có thì cần băng kín vết thương trước khi tiếp xúc và dùng chất khử trùng sau khi làm việc.
Thực hiện tốt vệ sinh thú y, đảm bảo môi trường khu vực chăn nuôi lợn và các loại gia súc sạch sẽ, thoáng khí, ủ phân để diệt mầm bệnh; không mua bán, vận chuyển lợn nhiễm bệnh từ các khu vực có lưu hành bệnh tới khu vực khác.
Người khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao đột ngột và có tiền sử chăm sóc, giết mổ lợn mắc bệnh, chết hoặc ăn sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh cần phải đến khám ngay tại các cơ sở y tế để được khám, điều trị và xử lý kịp thời.
Phương pháp điều trị bệnh liên cầu khuẩn lợn
Hiện nay việc điều trị ở bệnh nhân được áp dụng liên tục các biện pháp hồi sức tích cực nên chi phí điều trị khá cao, riêng tiền thuốc để điều trị cho bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn có thể tới 1 triệu đồng/ngày, tiền lọc máu khoảng chục triệu/ngày.
Khả năng cứu chữa căn bệnh này phụ thuộc nhiều vào thời gian vào viện điều trị sớm hay muộn.
Các triệu chứng khi mắc bệnh rất giống với các bệnh nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ …
Do vậy, tại các tuyến cơ sở, bệnh này khó được phát hiện và điều trị không đúng cách dẫn đến tử vong.
Hiện nay các bệnh nhân được chuyển đến viện thường rất muộn, sau 8-10 ngày mắc bệnh nên việc chữa trị rất khó khăn.
Tin nổi bật
- Nhiều người đi khám sức khỏe mới phát hiện bị bệnh tâm thần
05/07/2024 - 10:54:06
- Thanh niên suýt mất mạng vì ngộ độc thuốc diệt chuột
04/07/2024 - 10:12:39
- Đau bụng đi khám bác sĩ, bàng hoàng phát hiện sán não ký sinh khắp cơ thể
04/07/2024 - 10:00:07
- Bộ Y tế và UNCEF trao đổi thúc đẩy tiếp tục hợp tác về chăm sóc sức khoẻ nhân dân
04/07/2024 - 09:56:36
- Trích rạch vết thương do vỡ hạt tophi sau biến chứng của bệnh gout, cụ ông bị nhiễm trùng nặng
04/07/2024 - 09:52:37
- Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm ông Nguyễn Toàn Thắng giữ chức Phó Chánh Văn phòng Bộ
04/07/2024 - 09:50:03