Bé 6 tuổi bị đột quỵ, bác sĩ cảnh báo 4 nguyên nhân gây bệnh không ngờ
Đột quỵ xảy ra ở mọi lứa tuổi và chúng ta cần có những biện pháp thiết thực để phòng tránh căn bệnh nguy hiểm chết người này.
Một tuần trước, cậu bé Minh Minh 6 tuổi tại Trung Quốc đột ngột đau đầu. Bố mẹ Minh Minh cho rằng con mình bị cảm lạnh thông thường và không đáng ngại. Không ngờ, hai ngày sau cơn đau đầu, Minh Minh liệt nửa người bên trái và có các biểu hiện của bệnh đột quỵ, lúc này cả gia đình mới hốt hoảng đưa Minh Minh vào viện cấp cứu.
Kết quả cho thấy cậu bé bị thiếu máu cục bộ dẫn đến đột quỵ - một căn bệnh thường gặp ở người già. Nghe xong chẩn đoán của bác sĩ, bố mẹ Minh Minh đều lo sợ, không hiểu lý do gì khiến một cậu bé 6 tuổi lại mắc chứng đột quỵ?
Minh Minh bị đau đầu nhưng không được đưa đến bệnh viện ngay, dẫn đến tình trạng nặng hơn.
Mặc dù tình trạng trẻ em bị đột quỵ (nhồi máu não) là không lớn, nhưng tại các bệnh viện ở Trung Quốc đã ghi nhận trường hợp trẻ nhất mắc chứng đột quỵ là một em bé mới có 1 tháng tuổi. Nguyên nhân dẫn đến đột quỵ tại trẻ nhỏ có thể do nhiễm trùng, chấn thương mạch máu não, dị tật mạch máu não bẩm sinh, bất thường trong chuyển hóa di truyền và một số ca bệnh không rõ nguyên nhân,...
Các bác sĩ cũng cho biết, triệu chứng đột quỵ ở trẻ nhỏ cũng giống với người già. Các dấu hiệu như không tự chủ được hành vi, liệt người, méo miệng, đau đầu đều có thể là dấu hiệu đột quỵ ở trẻ nhỏ. Những ca bệnh không được phát hiện và cứu chữa kịp thời có thể để lại di chứng cho sau này như ảnh hưởng đến trí thông minh cũng như cả năng phát triển sinh học (tay, chân có thể bị liệt, teo cơ, không phát triển).
Hiện tại, Minh Minh vẫn đang được theo dõi và điều trị trong bệnh viện.
Đề phòng đột quỵ như thế nào?
Qua câu chuyện của Minh Minh bác sĩ đưa ra khuyến cáo về nguyên nhân gây đột quỵ ở người trẻ tuổi và cách phòng tránh:
1. Chủ quan về sự thừa cân
Béo phì có thể gây ra các bệnh như cao huyết áp, tăng lipid máu và tiểu đường. Những bệnh này là yếu tố chính gây ra đột quỵ. Các bác sĩ cho biết hiện nay có rất nhiều trường hợp trẻ em đột quỵ do béo phì. Do đó, việc phòng ngừa béo phì ở trẻ em là đặc biệt quan trọng.
Ngoài ra, chúng ta cần chú ý đến việc phòng ngừa và điều trị tăng huyết áp cũng như các bệnh lý liên quan đến tim mạch ở trẻ em. Đặc biệt đối với trẻ em có tiền sử gia đình có người bị tăng huyết áp, mắc các bệnh tim mạch vành. Những trường hợp trên cần thường xuyên kiểm tra huyết áp và lipid máu để kịp thời nắm bắt tình trạng bệnh.
2. Không có thói quen sinh hoạt tốt
Việc tập cho trẻ một thói quen sinh hoạt lành mạnh, ăn uống vừa đủ chất dinh dưỡng, có chất lượng giấc ngủ tốt, không phải hít khói thuốc từ những người thân trong gia đình cũng như giúp trẻ có tâm lý thoải mái sẽ giúp trẻ có sức khỏe tốt hơn và hình thành thói quen sống lành mạnh giảm thiểu nguy cơ mắc đột quỵ.
3. Chế độ ăn uống phù hợp cho con trẻ
Nhiều gia đình có thói quen cho con ăn thật nhiều và quan niệm càng béo càng khỏe. Trên thực tế một bữa ăn nếu có quá nhiều chất béo và khẩu phần ăn này được lặp đi lặp lại hằng ngày chính là mầm mống cho việc mắc chứng đột quỵ tại trẻ nhỏ. Một bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng bao gồm hoa quả, thịt, cá và rau, ít các chất béo chuyển hóa và đường mới là sự lựa chọn đúng đắn cho sức khỏe của trẻ nhỏ.
4. Không quan tâm đến việc khám sức khỏe định kỳ
Không chỉ đối với trẻ em, mà tất cả mọi người đều nên duy trì thói quen khám định kỳ. Việc khám định kỳ có thể giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm và tăng khả năng thành công trong việc chữa trị bệnh.
Cách nhận diện nhanh người mắc đột quỵ:
Để nhận biết các dấu hiệu tai biến mạch máu não, hãy nhớ từ FAST (nhanh)
- Face (khuôn mặt): Yêu cầu bệnh nhân cười. Một bên mặt có xệ xuống ?
- Arm (tay): Yêu cầu bệnh nhân giơ hai tay lên. Một bên tay có rũ xuống hay là không thể giơ lên được?
- Speech (lời nói): Yêu cầu bệnh nhân nói các câu đơn giản. Họ có nói lắp, nói không rõ lời, nói khó hiểu hay không?
- Time (thời gian): Nếu bệnh nhân có các dấu hiệu trên, nhiều khả năng đã bị tai biến mạch máu não. Cần lập tức gọi xe cấp cứu. Thời gian cấp cứu rất quan trọng, tính từng giây, từng phút.
Bên cạnh các dấu hiệu nêu trên, tai biến mạch máu não còn có thể biểu hiện các dấu hiệu khác như yếu hoặc tê một nửa người, giảm hoặc mất thị lực, đau đầu dữ dội đột ngột không có nguyên nhân rõ ràng kèm theo nôn mửa, hoa mắt, chóng mặt…
An An (Dịch theo QQ)
Tin nổi bật
- 6 dấu hiệu nguy hiểm của đột quỵ do nắng nóng
17/06/2024 - 10:12:01
- Tại sao đột quỵ lại hay xảy ra vào sáng sớm?
11/06/2024 - 14:08:03
- 7 bước theo dõi và kiểm tra sức khỏe tim mạch tại nhà
24/01/2024 - 15:20:40
- 6 dấu hiệu cảnh báo bệnh tim trên da
20/06/2023 - 14:06:54
- Mổ tim cho người bệnh không nói, không thở được bằng miệng
14/06/2023 - 15:50:38
- Người bệnh huyết áp thấp nên lưu ý gì trong ngày hè
29/05/2023 - 10:15:51