Viêm cơ tim có nguy hiểm không, biểu hiện của viêm cơ tim
Viêm cơ tim có nguy hiểm không? Người bệnh viêm cơ tim cần phải làm gì để tốt cho sức khoẻ?
1. Nguyên nhân gây viêm cơ tim
Viêm cơ tim là viêm lớp cơ dày của thành tim. Khi viêm cơ tim trở nên trầm trọng, tác dụng bơm của tim suy yếu đi và tim không còn khả năng cung cấp nguồn máu giàu oxygen cho phần còn lại của cơ thể. Bệnh xảy đến ở mọi lứa tuổi và thường gặp ở nam nhiều hơn nữ.
Viêm cơ tim có thể là hậu quả của một tình trạng nhiễm khuẩn, thường do virus.
- Đối với nguyên do nhiễm khuẩn: Nhiều trường hợp bệnh viêm cơ tim được gây ra bởi một số loại virus như virus cúm, coxsackievirus, parovirus, adenovirus,… Ngoài ra vi khuẩn (liên cầu khuẩn, mycoplasma và chlamydia) cũng là một tác nhân gây bệnh.
- Đối với tác dụng của một số loại thuốc: Một vài loại thuốc hóa trị cũng có thể gây viêm cơ tim.
- Đối với tiếp xúc với hóa chất độc hại: Nếu tiếp xúc với kim loại nặng, phospho vô cơ, khí CO, thủy ngân, sulfamid, thuốc chống ung thư, cocain, emetin… có thể gây viêm cơ tim.
Ngoài ra, nhiễm trùng do nấm hoặc ký sinh trùng; Do bức xạ hoặc do bệnh tự miễn gây viêm cơ tim.
Hình ảnh viêm cơ tim
2. Biểu hiện viêm cơ tim
Viêm cơ tim có nhiều giai đoạn và nhiều thể bệnh khác nhau, được chia thành viêm cơ tim cấp, viêm cơ tim bán cấp và viêm cơ tim mạn tính.
Bệnh thường biểu hiện ở nhiều dạng triệu chứng, có thể người bệnh chỉ mệt mỏi, đôi khi có dấu hiệu suy tim hoặc cũng có thể là rối loạn nhịp bất thường, thậm chí đột tử có thể là biểu hiện đầu tiên và duy nhất của viêm cơ tim.
- Đối với thể viêm cơ tim cấp tính:
Thể giống hội chứng vành cấp: Người bệnh có triệu chứng cơn đau ngực cấp tính, kèm theo biến đổi điện tâm đồ 12 chuyển đạo có ST-T chênh lên. Đối với thể suy tim cấp người bệnh xuất hiện khó thở khi gắng sức, phù chân, đau ngực kèm triệu chứng ứ trệ tuần hoàn ngoại vi như phù, gan to xuất hiện sau một đợt nhiễm trùng.
Thể tối cấp: Nguy kịch người bệnh xuất hiện triệu chứng sốc, tụt huyết áp, giảm tưới máu cơ quan sau 1 – 2 tuần phơi nhiễm hoặc có biểu hiện nhiễm trùng đi kèm với chức năng tim giảm đột ngột. Thể viêm cơ tim này thường xuất hiện rối loạn nhịp tim nguy hiểm có thể dẫn tới tử vong.
- Đối với thể bán cấp và thể mạn tính: Người bệnh đều có diễn biến trên 3 tháng với các triệu chứng nhiễm trùng và suy tim tiến triển tăng dần. Trên siêu âm tim hoặc cộng hưởng từ có biển đổi điển hình là quá trình tái cấu trúc và suy giảm chức năng thất trái.
Thực tế cho thấy biểu hiện viêm cơ tim có thể không triệu chứng đến đau ngực nhẹ nhàng, hoặc khởi phát nhanh và nặng nề như nhồi máu cơ tim hay diễn biến ác tính dẫn đến loạn nhịp thất, choáng tim.
Bệnh có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, nhưng hay gặp hơn ở người trẻ. Vì vậy, cần phải cảnh giác viêm cơ tim ở mức cao nhất, sớm nhất trong tiến trình của bệnh. Trong tất cả những trường hợp nghi ngờ viêm cơ tim, tuyệt đối phải loại trừ bệnh động mạch vành và những bệnh tim mạch khác có triệu chứng tương tự.
Tuy nhiên, cũng cần cảnh giác, có trường hợp viêm cơ tim xảy ra ở người bệnh đang bị bệnh tim mạch nền khác (bệnh mạch vành, bệnh cơ tim, bệnh tim tăng huyết áp...) làm cho diễn biến lâm sàng xấu hơn, nhưng lại bị chẩn đoán nhầm là do tiến triển tự nhiên của bệnh tim mạch nền.
3. Bệnh viêm cơ tim cần làm gì?
Khi được chẩn đoán viêm cơ tim người bệnh cần thực hiện nghiêm chỉ định của các bác sĩ. Ngoài ra, không sử dụng đồ uống chứa cồn như rượu bia, kiêng sử dụng các chất kích thích do nguy cơ làm nặng thêm tình trạng viêm cơ tim.
Hạn chế tham gia các hoạt động thể lực hoặc đòi hỏi gắng sức do làm nặng thêm tình trạng suy tim cũng như nguy cơ xuất hiện các rối loạn nhịp nguy hiểm.
Trong đa số trường hợp tình trạng viêm của cơ tim lui dần, bệnh nhân hồi phục hoàn toàn. Ở những bệnh nhân không triệu chứng, chức năng tim tiến triển tốt. Ngay cả những trường hợp suy tim sung huyết nặng cũng có thể tiến triển tốt một cách ngoạn mục, thường chỉ trong vài ngày. Tuy nhiên viêm cơ tim có thể bị những rối loạn nhịp tim rất nặng, đôi lúc gây đột tử. Những trường hợp suy tim toàn bộ nặng cần phải tiến hành ghép tim để cứu sống bệnh nhân.
Vì vậy, khi có biểu hiện nghi ngờ cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và tuyệt đối thực hiện đúng chỉ định của các bác sĩ. Đối với các trường hợp viêm cơ tim nhẹ, cần nghỉ ngơi và điều trị triệu chứng, tăng cường sức đề kháng của cơ thể và đợi tim bệnh nhân tự phục hồi.
Một khi viêm cơ tim giảm bớt, bệnh nhân có thể hoạt động lại từ từ. Trong giai đoạn này, bệnh nhân cần ăn lạt, ít muối, kiêng rượu bia, thuốc lá và không gắng sức. Thực hiện tốt những điều này sẽ giảm bớt gánh nặng lên tim.
Tin nổi bật
- 6 dấu hiệu nguy hiểm của đột quỵ do nắng nóng
17/06/2024 - 10:12:01
- Tại sao đột quỵ lại hay xảy ra vào sáng sớm?
11/06/2024 - 14:08:03
- 7 bước theo dõi và kiểm tra sức khỏe tim mạch tại nhà
24/01/2024 - 15:20:40
- 6 dấu hiệu cảnh báo bệnh tim trên da
20/06/2023 - 14:06:54
- Mổ tim cho người bệnh không nói, không thở được bằng miệng
14/06/2023 - 15:50:38
- Người bệnh huyết áp thấp nên lưu ý gì trong ngày hè
29/05/2023 - 10:15:51