Người huyết áp cao có nên chạy bộ không?
Nhiều người lo ngại rằng chạy bộ sẽ làm tăng huyết áp đột ngột, gây nguy hiểm. Tuy nhiên, theo bác sĩ tim mạch, nếu biết cách tập luyện đúng, chạy bộ không chỉ an toàn mà còn là liều thuốc tự nhiên giúp kiểm soát huyết áp hiệu quả.
Tăng huyết áp có nên chạy bộ?
Người bị huyết áp cao (tăng huyết áp) vẫn nên tập thể dục, kể cả chạy bộ, nhưng cần tập đúng cách và phù hợp với thể trạng. Dưới đây là hướng dẫn cụ thể từ bác sĩ tim mạch cho người cao huyết áp:
- Chạy bộ nhẹ đến vừa: Đi bộ nhanh hoặc chậm là an toàn và có lợi cho tim mạch.
- Không nên chạy quá nhanh, quá lâu, đặc biệt nếu huyết áp chưa được kiểm soát ổn định.
- Nên đo huyết áp trước khi chạy. Nếu huyết áp cao (≥160/100 mmHg), không nên tập thể dục ngay mà cần điều chỉnh thuốc hoặc nghỉ ngơi.
- Không chạy khi thời tiết quá nóng hoặc lạnh, tránh nguy cơ đột quỵ, cơn tăng huyết áp cấp.
Người bệnh tăng huyết áp không nên chạy quá lâu nếu huyết áp chưa được kiểm soát ổn định.
Môn thể dục nào tốt cho người bệnh tăng huyết áp?
Các bài tập nhịp nhàng, cường độ vừa phải, duy trì đều đặn sẽ tốt cho người huyết áp cao:
- Đi bộ nhanh: dễ thực hiện, ít rủi ro, cải thiện tim mạch tốt.
- Đạp xe chậm ngoài trời hoặc xe đạp tập trong nhà.
- Bơi lội nhẹ nhàng: Giúp giãn mạch, hạ huyết áp hiệu quả.
- Thái cực quyền, yoga: Tăng thư giãn, giảm căng thẳng, hạ huyết áp.
- Dưỡng sinh, khí công phù hợp với người trung niên, cao tuổi.
Lưu ý khi tập thể dục cho người tăng huyết áp cần:
- Khởi động kỹ và kết thúc bằng giãn cơ nhẹ.
- Không nín thở khi gắng sức, ví dụ khi nâng tạ.
- Tập ít nhất 5 ngày/tuần, mỗi buổi 30–45 phút, theo thể trạng.
- Theo dõi huyết áp định kỳ, đặc biệt trước và sau khi tập.
- Ngưng tập và đi khám ngay nếu có dấu hiệu: Đau ngực, chóng mặt, khó thở, tim đập nhanh bất thường, mệt, lả...
Người có bệnh tim mạch nên tập thể dục thế nào?
Người có vấn đề tim mạch hoàn toàn có thể tập thể dục vào buổi sáng mùa hè. Tuy nhiên cần tuân thủ những nguyên tắc an toàn nghiêm ngặt để tránh nguy cơ tăng huyết áp, đột quỵ hay suy tim do thời tiết nóng.
Người tăng huyết áp nên tránh tập thể dục ngoài trời nếu nhiệt độ ngoài trời từ 32°C trở lên.
Người bệnh tim mạch có thể tập thể dục ngoài trời vào buổi sáng mùa hè nếu đáp ứng được các điều kiện sau:
- Thời tiết mát, nhiệt độ chưa quá cao.
- Bạn đang ở giai đoạn ổn định, được bác sĩ cho phép vận động.
- Biết lắng nghe cơ thể và tuân thủ giới hạn bản thân.
- Thời gian lý tưởng để tập thể dục là từ 5h30 – 6h30 sáng, khi trời còn dịu mát.
Người bệnh tim mạch không nên tập thể dục nếu có các biểu hiện sau:
- Huyết áp, tim mạch đang không ổn định.
- Thời tiết quá nóng ngay từ sáng sớm.
- Nên tránh tập thể dục ngoài trời nếu nhiệt độ ngoài trời từ 32°C trở lên. Chỉ số tia UV ở mức cao (≥ 7) và độ ẩm cao kèm nắng nóng cũng không nên tập. Vì lúc này tập thể dục có thể dễ gây mất nước, tăng gánh nặng cho tim.
Cường độ vận động hợp lý trong thời tiết hè cho người bệnh tim mạch là:
- Vận động nhẹ – trung bình: đi bộ chậm, đạp xe chậm, tập yoga nhẹ, dưỡng sinh.
- Thời lượng: 20–30 phút/lần, 4–5 lần/tuần.
- Uống nước: Trước – trong – sau khi tập (dù không khát).
- Chọn nơi thoáng mát, nhiều bóng râm.
- Không nên tập quá sức, không gắng sức khi cảm thấy chóng mặt, mệt, thở dốc.
Hãy xem tập thể dục là một phần của điều trị, chứ không phải thử thách sức chịu đựng. Mùa hè là lúc nên ưu tiên vận động an toàn, đúng lúc, đúng cách hơn là ép buộc bản thân hoạt động quá mức.
Tin nổi bật
- 10 thói quen hàng ngày đang âm thầm làm tăng huyết áp của bạn
15/07/2025 - 11:12:24
- 6 dấu hiệu nguy hiểm của đột quỵ do nắng nóng
17/06/2024 - 10:12:01
- Tại sao đột quỵ lại hay xảy ra vào sáng sớm?
11/06/2024 - 14:08:03
- 7 bước theo dõi và kiểm tra sức khỏe tim mạch tại nhà
24/01/2024 - 15:20:40
- 6 dấu hiệu cảnh báo bệnh tim trên da
20/06/2023 - 14:06:54
- Mổ tim cho người bệnh không nói, không thở được bằng miệng
14/06/2023 - 15:50:38