Mổ tim cho người bệnh không nói, không thở được bằng miệng
Bác sĩ mổ từ bên ngực trái để tái thông mạch máu nuôi tim cho người bệnh thở qua lỗ mở khí quản để tránh viêm xương ức, nhiễm trùng dẫn đến tử vong.
Ông Trung (63 tuổi, ngụ quận 2, TP HCM) phát hiện ung thư tuyến giáp, thanh quản, đã phẫu thuật và xạ trị hơn 10 năm trước. Từ đó đến nay, ông phải thở bằng lỗ khí quản ở ngay phần dưới cổ, cách xương ức 2 cm.
Mới đây, ông Trung đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM với triệu chứng đau nặng ngực, khó thở khi gắng sức. Chụp mạch vành phát hiện hai nhánh mạch máu lớn nuôi tim bị tắc hoàn toàn, nhánh còn lại (động mạch mũ) hẹp tới 80%. Với tình trạng tắc mạch và lại mở khí quản và nhiều bệnh nền nên bác sĩ phẫu thuật bắc cầu thay vì đặt stent nong mạch. Tuy nhiên, quá trình gây mê và phẫu thuật cho ông Trung phức tạp hơn bình thường.
Đầu tiên, êkip gây mê đặt nội khí quản phải hạn chế nở phổi bên trái để phẫu thuật viên thao tác dễ dàng. Vùng da cổ của bệnh nhân dày nên bác sĩ phải dùng sức để đâm kim khâu ống thở xuyên qua da để tránh kim rớt ra trong lúc phẫu thuật. Bên cạnh đó, lỗ thở nằm ngay giữa cổ nên không thể đặt catheter CVP (ống thông tĩnh mạch trung tâm) ở vị trí bình thường.
Tình trạng sức khỏe của ông Trung không thể mổ đường dọc xương ức thông thường vì dễ viêm xương ức, nhiễm trùng trung thất dẫn đến tử vong. Vì vậy, êkip tiếp cận mạch máu tim bằng đường mổ bên ngực trái.
TS.BS Nguyễn Anh Dũng (ngoài cùng bên phải) và êkip bác sĩ Ngoại Tim mạch - Lồng ngực tiến hành mổ tim ít xâm lấn, bắc 3 cầu nối thông mạch máu tim cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh
Đây là kỹ thuật mổ tim ít xâm lấn (không mở xương ức, không làm liệt tim) rất khó. Nếu mở đường qua xương ức, bác sĩ dễ tiếp cận với mạch máu tim, thao tác nhanh hơn. Khi mổ đường bên ngực trái, khoảng cách đến tim xa hơn, phải có dụng cụ nâng quả tim lên để phẫu thuật viên tiếp cận chính xác mạch vành.
"Vì bệnh nhân từng xạ trị vùng cổ, bị tắc động mạch cảnh trái nên khi mổ phải kiểm soát tốt huyết áp, huyết động, tránh nguy cơ đột quỵ", TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực cho biết.
Sau 4 giờ, bác sĩ bắc được 3 cầu nối cho động mạch vành, khôi phục dòng máu nuôi tim. Bệnh nhân hồi phục nhanh hơn, xuất viện sau 5 ngày.
Bác sĩ Dũng thông tin thêm, phương pháp mổ tim ít xâm lấn với đường mổ bên ngực chỉ thực hiện tại bệnh viện lớn với trang thiết bị hiện đại, đội ngũ phẫu thuật viên giỏi. Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần tuân thủ chỉ định dùng thuốc của bác sĩ. Khi có triệu chứng bất thường phải đi khám ngay.
Tin nổi bật
- 6 dấu hiệu nguy hiểm của đột quỵ do nắng nóng
17/06/2024 - 10:12:01
- Tại sao đột quỵ lại hay xảy ra vào sáng sớm?
11/06/2024 - 14:08:03
- 7 bước theo dõi và kiểm tra sức khỏe tim mạch tại nhà
24/01/2024 - 15:20:40
- 6 dấu hiệu cảnh báo bệnh tim trên da
20/06/2023 - 14:06:54
- Người bệnh huyết áp thấp nên lưu ý gì trong ngày hè
29/05/2023 - 10:15:51
- 3 loại đồ uống có lợi cho người cao huyết áp
10/04/2023 - 14:12:10