Phát huy quy trình “báo động đỏ” cứu sống bệnh nhân nguy kịch
“Báo động đỏ” là quy trình phối hợp khẩn cấp giữa những chuyên gia có kinh nghiệm thuộc các chuyên ngành khác nhau trong nội viện, cũng như giữa các bệnh viện.
Từ tháng 4.2016, các bệnh viện bắt đầu triển khai quy trình “báo động đỏ" nội viện và liên viện cứu sống được nhiều bệnh nhân nguy kịch.
Riêng năm 2018, các bệnh viện đã thực hiện 379 ca "báo động đỏ" nội viện và 99 ca "báo động đỏ" liên viện cứu sống bệnh nhân.
Phối hợp liên viện, phản ứng nhanh xử lý ổ dịch trong bệnh viện
Sáng 1.6.2018, tại Khoa Nội soi, Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) xuất hiện trường hợp bệnh nhân đang chờ phẫu thuật có biểu hiện nghi cúm A/H1N1. Đến chiều, đã có 20 người có triệu chứng tương tự.
Ngay lập tức, Bệnh viện Từ Dũ đã báo cáo Sở Y tế và hội chẩn với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TP.HCM). Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã “phản ứng nhanh” huy động ê kíp xét nghiệm làm việc xuyên đêm thực hiện tất cả các mẫu bệnh phẩm được gửi sang để có kết quả sớm nhất. Công tác phòng chống dịch trong bệnh viện được triển khai và dịch bệnh đã được khống chế sau 3 ngày.
Dịch bệnh được khống chế kịp thời, giúp người bệnh tránh được cảm giác hoang mang, lo lắng; xử lý triệt để ổ dịch tránh lây lan rộng trong cộng đồng.
Ghép thận từ người cho chết não lần đầu tiên tại bệnh viện nhi
Ngày 10.12.2018, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) nhận được thông tin trường hợp chết não có mong muốn hiến tạng (thận) từ Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia. Bệnh viện đã nhanh chóng thông báo cho gia đình bệnh nhân Đ.V.H (15 tuổi) trong danh sách chờ ghép đến bệnh viện để làm một số xét nghiệm hòa hợp miễn dịch.
Các bác sĩ lần đầu tiên ghép thận từ người cho chết não cho bệnh nhi. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Trong vòng 24 giờ, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã huy động được toàn bộ ê kip ghép thận gồm các bác sĩ, điều dưỡng chuyên khoa ngoại thận - tiết niệu, gây mê, hồi sức và nhóm chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy sẵn sàng cho ca ghép.
Thận hiến được vận chuyển từ Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) đến Bệnh viện Nhi đồng 2. Ca ghép thận được thực hiện tối 12.12.2018 và bệnh nhân được ghép thành công.
Phẫu thuật robot cứu thai phụ song sinh nhiễm trùng đường mật và viêm tụy cấp
Lần đầu tiên, Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) đã thực hiện phẫu thuật bằng robot cho một thai phụ thoát khỏi nguy cơ sốc nhiễm trùng đường mật do sỏi ống mật chủ diễn tiến viêm tụy cấp, đảm bảo an toàn cho song thai 17 tuần tuổi.
Ghép tế bào gốc trong điều trị hội chứng thực bào máu nguyên phát
Hội chứng thực bào máu là một bệnh lý rối loạn miễn dịch được đặc trưng bởi sự phóng thích quá mức các cytokine trong cơ thể, dẫn đến tình trạng tổn thương đa cơ quan trong cơ thể. Phương pháp điều trị hiệu quả chữa khỏi hội chứng thực bào máu nguyên phát là dị ghép tế bào gốc. Nếu không được điều trị kịp thời người bệnh sẽ nhanh chóng tử vong.
Đối với hội chứng thực bào máu, việc tiến hành ghép tế bào gốc rất khó khăn do: bệnh nhân thường diễn tiến nặng nhanh chóng trước khi tiến hành ghép, hạn chế trong việc tìm người cho, khó tiếp cận nguồn thuốc hóa chất dành cho ghép.
Năm 2018, Bệnh viện Truyền máu Huyết học (TP.HCM) là bệnh viện đầu tiên trong cả nước đã thực hiện thành công kỹ thuật dị ghép tế bào gốc cho bệnh nhân bị hội chứng thực bào máu nguyên phát.
Hạ thân nhiệt nội mạch
Kỹ thuật hạ thân nhiệt nội mạch (còn gọi là “gấu ngủ đông”) là một kỹ thuật điều trị hồi sức chuyên sâu đòi hỏi đầu tư thiết bị chuyên dụng với chi phí cao. Phương pháp giúp sự hồi phục não chức năng não ở bệnh nhân ngừng tim, nhồi máu cơ tim cấp, thêm cơ hội sống không tàn phế.
Bệnh nhân ngừng tim, nhồi máu cơ tim cấp được thực hiện can thiệp "gấu ngủ đông", giúp bảo toàn chức năng não. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Hạ thân nhiệt chủ động và có kiểm soát thông qua catether nội mạch giúp các tế bào, nhất là tế bào não được “ngủ đông”, nhằm giảm tổn thương não do bệnh nhân bị ngừng tim, ngừng thở kéo dài.
Phương pháp được Bệnh viện Nhân dân Gia định (TP.HCM) đầu tư thực hiện, đã có 5 trường hợp bệnh nhân được cứu sống.
Vi phẫu nối mạch chi bằng bộ nối mạch máu nhỏ Anstomosis Coupler
Trước đây, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình (TP.HCM) sử dụng phương pháp khâu nối mạch máu bằng chỉ khâu. Phương pháp này thường chậm và có thể bị tắc mạch lại do mối khâu không chuẩn xác.
Từ tháng 11.2018, bệnh viện đã áp dụng kỹ thuật vi phẫu nối mạch máu nhỏ bằng bộ nối mạch máu, giúp can thiệp nhanh nhất và an toàn nhất để tái lập tuần hoàn một cách ổn định đảm bảo sự sống của mô, nhất là trong trường hợp một mạch máu bị tổn thương hay chi bị đứt rời cần nối lại mạch máu.
Xâm lấn tối thiểu trong cấp cứu băng huyết sau sinh
Băng huyết sau sinh là một cấp cứu sản khoa và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong mẹ (chiếm 25% trên thế giới). Nếu mẹ được cứu sống thì khả năng sinh sản cũng bị ảnh hưởng do phẫu thuật cắt tử cung cấp cứu.
Bệnh viện Nhân dân Gia định (TP.HCM) đã áp dụng điều trị băng huyết sau sinh bằng can thiệp thuyên tắc động mạch tử cung. Đã có 3 trường hợp băng huyết sau sinh nặng đe dọa tính mạng được cứu sống, với tỉ lệ cầm máu 100%, không ghi nhận tai biến, biến chứng nặng và vẫn bảo tồn được chức năng sinh sản của sản phụ.
Ứng dụng telemedicine cứu sống bệnh nhi tay chân miệng nguy kịch
Ngày 5.11.2018, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) nhận được điện thoại hội chẩn từ Bệnh viện Cà Mau đề nghị hỗ trợ tiếp nhận điều trị bé trai Đ.T.C (2 tuổi) bệnh tay chân miệng rất nặng (độ 4), nguy kịch.
Nhận thấy bệnh nhi rất nguy kịch, có thể tử vong trên đường chuyển viện, qua điện thoại bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 đã thuyết phục người nhà và Bệnh viện Cà Mau tạm hoãn việc chuyển tuyến để hồi sức ban đầu cho bé. Đồng thời qua hệ thống telemedicine, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 đã trao đổi, hướng dẫn Bệnh viện Cà Mau các biện pháp hồi sức tích cực. Bệnh nhi được đặt nội khí quản, giúp thở, dùng thuốc vận mạch, lọc máu. Từng diễn biến của bệnh nhi đều được bác sĩ của 2 bệnh viện thông tin và thảo luận nhằm ổn định tình trạng của bé trước và trong khi chuyển viện.
Bệnh nhi được cứu sống và ổn định sức khỏe
Bệnh viện chuyên khoa Nhi đầu tiên triển khai kỹ thuật ECMO
ECMO (Extracorporeal Membrane Oxygenation) là kỹ thuật hỗ trợ tuần hoàn và ô xy hóa máu qua màng ngoài cơ thể, nhằm hỗ trợ tạm thời hô hấp và tuần hoàn cho bệnh nhân suy hô hấp, suy tuần hoàn nặng, đe dọa tính mạng.
Bệnh viện Nhi đồng Thành phố là bệnh viện nhi đầu tiên trong khu vực phía Nam triển khai kỹ thuật ECMO. Tính đến nay, bệnh viện đã cứu sống 3 trường hợp suy hô hấp tuần hoàn nặng.
Viên An