Ðổi mới, sáng tạo trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân
Khi những cánh đào đỏ thắm và mai vàng cùng khoe sắc rực rỡ, khi đất trời giao hòa với mưa xuân lất phất bay và trong mỗi nhà rộn ràng thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh... đó là lúc mùa xuân hiện hữu trọn vẹn, là lúc chúng ta hân hoan đón một năm mới với nhiều ước vọng, trong đó sức khỏe là điều đầu tiên chúng ta mong ước.
Với sứ mệnh cao cả: bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, trong năm qua, ngành y tế cả nước đã nỗ lực trong hành trình thực hiện sứ mệnh này. Các thầy thuốc Việt Nam đã thêm lần nữa khẳng định trình độ làm chủ kỹ thuật cao trong y học, để không chỉ giúp người dân được điều trị tốt hơn, mà còn hút 300.000 người nước ngoài đến thăm khám. Hàng loạt công trình y tế được đưa vào sử dụng, tinh thần phục vụ người bệnh của cán bộ y tế ngày càng đổi mới hơn... Và, trong hành trình này, năm qua, ngành y tế đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng y tế cơ sở, nhằm hướng tới nền y tế bao phủ chăm sóc sức khỏe nhân dân...
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bế cháu bé vừa được tiêm chủng tại Trạm Y tế xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
Điểm đến khám chữa bệnh của 300.000 người nước ngoài
Sinh sống và làm việc tại Việt Nam 8 năm, là kỹ sư làm việc tại Công ty Xây dựng Kanto, khi biết mình mắc căn bệnh ung thư trực tràng, ông Udagawa KemlChi 62 tuổi, Quốc tịch Nhật Bản vẫn quyết định lựa chọn điều trị tại Bệnh viện K mặc dù có bảo hiểm tại Nhật Bản.
Bà Q. (vợ bệnh nhân KemlChi) chia sẻ: “Nếu quay trở về Nhật Bản, ông sẽ được bảo hiểm chi trả toàn bộ chi phí trong quá trình điều trị. Tại Việt Nam, ông cũng có bảo hiểm ở bệnh viện quốc tế do công ty hỗ trợ, nhưng vợ chồng tôi vẫn quyết tâm chữa trị tại đây. Chúng tôi tin tưởng vào trình độ chuyên môn, trang thiết bị y tế, kỹ thuật tiên tiến mà các bác sĩ Bệnh viện K áp dụng trong điều trị ung thư”.
Một trường hợp khác là ông O.M. (hơn 50 tuổi, người Thụy Điển) bị viêm, nhiễm trùng nặng hàm răng trên. Trong thời gian làm việc tại Việt Nam, ông M. đã đến khám tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt TW. Được các bác sĩ khám và đưa ra phác đồ điều trị, nhưng vẫn chưa yên tâm, ông M. quay trở về Thụy Điển khám và cũng được các bác sĩ Thụy Điển đưa ra một phác đồ điều trị tương tự. Tuy nhiên, chi phí điều trị tại Thụy Điển quá lớn. Chi phí cho ca phẫu thuật này tại Việt Nam hết khoảng hơn 200 triệu đồng. Trong khi đó, theo chia sẻ của bệnh nhân, chi phí tại Thụy Điển sẽ gấp khoảng 5 lần. Vì vậy, ông M. quyết định nhờ cậy các bác sĩ Việt Nam.
TS.BS. Đàm Văn Việt - Trưởng khoa Cấy ghép Implant - Bệnh viện Răng Hàm Mặt TW cho biết, bệnh nhân người nước ngoài đến Việt Nam chữa bệnh răng hàm mặt nhiều nhất là đến từ Mỹ, sau là Đức, Úc và nhiều nước phát triển khác. Trung bình 1 tháng, riêng tại Khoa Cấy ghép Implant tiếp nhận khoảng 5-7 bệnh nhân, có tháng 10 bệnh nhân người nước ngoài đến khám và điều trị.
Bệnh viện Nội tiết TW được biết đến là cơ sở y tế đi đầu cả nước về phát hiện và điều trị sớm các bệnh nội tiết và rối loạn chuyển hóa. Thời gian qua, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân từ nhiều nước như Hàn Quốc, Lào, Campuchia... đến thăm khám và điều trị. Đây chỉ là các bệnh viện trong số nhiều bệnh viện của ngành y tế Việt Nam trong thời gian qua đã và đang trở thành “điểm đến” của các bệnh nhân người nước ngoài hay người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, trong năm 2018 ước tính có khoảng 300.000 người nước ngoài khám chữa bệnh ở Việt Nam, trong đó hơn 57.000 người điều trị nội trú. Bệnh nhân người nước ngoài thường lựa chọn các dịch vụ như: can thiệp tim mạch, nha khoa, ngoại khoa, ung thư và thẩm mỹ vì chi phí rất rẻ trong khi chất lượng điều trị không thua gì các nước có nền y học tiên tiến.
Học viên người nước ngoài đến Bệnh viện Nội tiết TW học nghề.
Xây dựng các trung tâm y tế chuyên sâu
Năm 2018, nhiều kỹ thuật cao trong y tế được ứng dụng trong khám chữa bệnh không những ở các bệnh viện tuyến Trung ương, mà đã được chuyển giao thành công, nhiều kỹ thuật trở thành thường quy ở bệnh viện tuyến tỉnh, khu vực như các kỹ thuật trong sàng lọc, phát hiện sớm, nhanh và chính xác phục vụ chẩn đoán tác nhân gây bệnh, đến các kỹ thuật can thiệp mạch, cấy ghép mô - bộ phận cơ thể người, hỗ trợ sinh sản, phẫu thuật nội soi, hồi sức cấp cứu. Thành công của các kỹ thuật cao ứng dụng trong hệ thống y tế Việt Nam được cộng đồng thế giới ghi nhận và đánh giá cao.
“Với tư cách Bộ trưởng Bộ Y tế, tôi luôn khẳng định khoa học và công nghệ luôn đóng vai trò là động lực cho sự phát triển ngành y tế Việt Nam; Các nhà khoa học kiêm thầy thuốc luôn chủ động, sáng tạo áp dụng các tri thức, làm chủ công nghệ tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị hiệu quả nhiều bệnh lý khó được quốc tế công nhận và tiếp nhận hàng nghìn bác sĩ đến học như kỹ thuật thông tin thăm dò huyết động và can thiệp bệnh lý tim mạch, kỹ thuật can thiệp lòng mạch điều trị bệnh lý mạch máu não và tủy, can thiệp bệnh mạch vành cấp cứu (Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện ĐH Y Dược TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhân dân Gia Định), kỹ thuật nội soi điều trị bệnh tuyến giáp (Bệnh viện Nội tiết TW), phẫu thuật nội soi u nang ống mật chủ và thoát vị cơ hoành bẩm sinh (Bệnh viện Nhi Trung ương)...” - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.
Để thu hút người bệnh có yêu cầu cao, người nước ngoài đến Việt Nam chữa bệnh, Bộ Y tế sẽ thực hiện 3 định hướng là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đổi mới phong cách ứng xử trong cán bộ công chức viên chức ngành y tế; đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cao chất lượng hạ tầng cơ sở khám chữa bệnh (đặc biệt là dịch vụ chăm sóc, dịch vụ tư vấn, dịch vụ hỗ trợ thông tin cho người bệnh và người nhà,...); xây dựng các trung tâm y tế chuyên sâu ở các trung tâm hành chính lớn, các khu du lịch trọng điểm.
Nhân viên y tế xử lý giếng nước bằng hóa chất khử khuẩn.
Nền y tế hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân
Tham gia cùng Bộ trưởng Bộ Y tế trong chuyến công tác tại các tỉnh Tây Nguyên những ngày giáp Tết Kỷ Hợi, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những trạm y tế 2 tầng khang trang tại Lâm Đồng với nhiều phòng chức năng phục vụ chăm sóc sức khỏe đồng bào từ dự phòng, tiêm chủng, sức khỏe sinh sản đến theo dõi, quản lý một số bệnh không lây nhiễm.
Bà K’ Phương - xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng đang được thăm khám, đo huyết áp định kỳ tại Trạm Y tế xã Đạ Ròn đã không giấu được niềm vui khi trò chuyện với Bộ trưởng Bộ Y tế bằng câu nói rất chân thật của đồng bào: “Tôi và người dân ở xã bị bệnh tăng huyết áp đã đỡ vất vả hơn khi được theo dõi, thăm khám và nhận thuốc định kỳ ngay gần nhà, thay vì phải lên trung tâm y tế huyện như trước. Chúng tôi cảm ơn Bộ trưởng và các bác sĩ nhiều”.
Trước đó, “tư lệnh” ngành y - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã dành thời gian đến làm việc về việc thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW và Nghị quyết 21-NQ/TW của Hội nghị TW 6, khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, công tác dân số trong tình hình mới tại nhiều địa phương trong cả nước từ miền núi, đồng bằng đến các tỉnh phía Nam, miền Trung, Tây Nguyên, các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long... Trong mỗi chuyến công tác tại địa phương, Bộ trưởng luôn dành nhiều sự quan tâm cho y tế cơ sở bởi ngành y tế đã và đang quyết liệt để tiếp tục phát huy vai trò của “người gác cổng” trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Để chăm sóc sức khỏe người dân ngày càng tốt hơn, việc lập và quản lý hồ sơ sức khỏe của mỗi cá nhân đóng vai trò rất quan trọng. Lần đầu tiên việc lập hồ sơ sức khỏe cá nhân gắn với bảo hiểm y tế toàn dân và chăm sóc sức khỏe toàn dân được thực hiện. Với hơn 11.400 trạm y tế cấp xã, trong đó 78% số trạm có bác sĩ làm việc là điều rất thuận lợi cho việc triển khai quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân. Đây là tuyến y tế gần dân nhất, nhanh nhất thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, tuy nhiên hiện tuyến y tế này vẫn chưa phát huy tối đa hiệu quả do những khó khăn về cơ chế tài chính, khả năng cung ứng dịch vụ. Do đó, cùng với việc bao phủ y tế toàn dân để đảm bảo cơ chế tài chính, quyết tâm của Chính phủ thực hiện việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe, sẽ tạo ra một cơ chế mới, khắc phục được khó khăn này, trở thành một trong những bước thực hiện bao phủ toàn diện về chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tại cơ sở.
Năm 2018 khép lại với tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 87,7%, vượt chỉ tiêu do Quốc hội và Chính phủ giao. Kết quả khảo sát sự hài lòng của người bệnh trực tuyến sau 1 năm với trên 1 triệu phiếu khảo sát cho thấy 75,6% người bệnh nội trú và 66,3% người bệnh ngoại trú hài lòng. Ngoài ra, kết quả khảo sát độc lập của Tổ chức sáng kiến Việt Nam phỏng vấn qua điện thoại sau ra viện với hơn 3.000 người bệnh cũng cho thấy tỷ lệ hài lòng đạt 79,6%. Cùng với đó, ngành y tế đã quyết liệt cắt giảm trên 70% điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính và 98% các lô hàng nhập khẩu thuộc Bộ Y tế quản lý không thông qua kiểm tra chuyên ngành khi nhập khẩu. Tổng ước tính sau khi cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính và danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế đã tiết kiệm cho doanh nghiệp và người dân hơn 8,5 triệu ngày công/năm, khoảng 3.332,5 tỷ đồng/năm (chưa tính các lợi ích khác từ cơ hội kinh doanh).
Những con số ấn tượng này cùng với những kết quả nổi bật của ngành y tế thời gian qua đã mở ra cánh cửa năm 2019 với nhiều tín hiệu vui và niềm tin ngành sẽ tiếp tục ghi nhiều dấu ấn trong hành trình tiến đến nền y tế nhân văn vì sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Các thầy thuốc Việt Nam lần đầu tiên làm chủ kỹ thuật ghép phổi.
6 nhiệm vụ trọng tâm của năm 2019
Theo Bộ trưởng, có 6 nội dung được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019. Đầu tiên là tập trung vào các hoạt động để đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở, các hoạt động để nâng cao sức khỏe nhân dân, phòng chống các bệnh không lây nhiễm, tuyên truyền, vận động nhân dân ăn uống hợp vệ sinh, đủ chất để tránh suy dinh dưỡng, béo phì, hạn chế rượu, bia, không hút thuốc, tăng cường vận động thể lực. Trong năm 2019, Bộ Y tế sẽ chỉ đạo các cơ sở y tế bảo đảm cung cấp các dịch vụ tầm soát, phát hiện sớm bệnh tật, nhất là các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp. Triển khai đồng bộ các giải pháp để các trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở, quản lý sức khỏe, quản lý và điều trị một số bệnh không lây nhiễm tại trạm, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Nội dung quan trọng tiếp theo là Bộ tiếp tục chủ động phòng chống dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra, thực hiện có hiệu quả các hoạt động của chương trình mục tiêu y tế - dân số, tăng cường công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; nâng cao chất lượng dân số về thể chất, duy trì mức sinh thay thế, kiểm soát chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh; giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ em; đẩy mạnh hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Năm 2019, Bộ tiếp tục thực hiện lộ trình giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí; tăng cường cơ chế tự chủ, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho đơn vị tự chủ; giảm tỷ trọng chi trực tiếp từ tiền túi của người dân, hướng tới bảo hiểm y tế và bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân; đẩy mạnh xã hội hóa, hợp tác công tư trong y tế, tạo điều kiện để y tế tư nhân phát triển mạnh mẽ.
Tiếp đến, ngành y tế sẽ đổi mới công tác đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề y dược. Ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong quản lý quỹ bảo hiểm y tế; hoàn thành việc kết nối các cơ sở cung ứng thuốc; hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm tới đây nữa là mở rộng phạm vi, danh mục đấu thầu tập trung thuốc, vật tư y tế; phát triển công nghiệp dược, y học cổ truyền; tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động kinh doanh dược phẩm và thực phẩm chức năng; quản lý chặt chẽ phòng khám tư nhân, cơ sở bán thuốc; phòng chống thuốc giả, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Triển khai đồng bộ các giải pháp hữu hiệu nhằm bảo đảm an ninh, an toàn tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Những con số ấn tượng năm 2018 Tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 87,7% Trên 1 triệu phiếu khảo sát có 75,6% người bệnh nội trú và 66,3% người bệnh ngoại trú hài lòng Phỏng vấn qua điện thoại sau ra viện với hơn 3.000 người bệnh cũng cho thấy tỷ lệ hài lòng đạt 79,6% Quyết liệt cắt giảm trên 70% điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính ... Bộ Y tế đã tiết kiệm cho doanh nghiệp và người dân hơn 8,5 triệu ngày công/năm, khoảng 3.332,5 tỷ đồng/năm |
Thái Bình
Tin nổi bật
- Nhiều người đi khám sức khỏe mới phát hiện bị bệnh tâm thần
05/07/2024 - 10:54:06
- Thanh niên suýt mất mạng vì ngộ độc thuốc diệt chuột
04/07/2024 - 10:12:39
- Đau bụng đi khám bác sĩ, bàng hoàng phát hiện sán não ký sinh khắp cơ thể
04/07/2024 - 10:00:07
- Bộ Y tế và UNCEF trao đổi thúc đẩy tiếp tục hợp tác về chăm sóc sức khoẻ nhân dân
04/07/2024 - 09:56:36
- Trích rạch vết thương do vỡ hạt tophi sau biến chứng của bệnh gout, cụ ông bị nhiễm trùng nặng
04/07/2024 - 09:52:37
- Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm ông Nguyễn Toàn Thắng giữ chức Phó Chánh Văn phòng Bộ
04/07/2024 - 09:50:03