Cứu bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa không cần phẫu thuật
Nhờ áp dụng kỹ thuật nút mạch mà các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần thơ vừa cấp cứu thành công 1 trường hợp nguy kịch, xuất huyết tiêu hóa do biến chứng giả phình động mạch vị tá tràng. Bệnh nhân không cần phải phẫu thuật nặng nề, nguy hiểm!
Chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ - Ảnh: CTV
Đó là trường hợp của bệnh nhân nữ, tên P.T.S. (ngụ xã Tân Phú, TX.Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang), vào viện cấp cứu chiều 29.3, trong tình trạng đau bụng thượng vị, nôn ra máu đỏ bầm và đi ngoài phân đen, lượng nhiều.
Theo lời người nhà, trước khi nhập viện 1 giờ, bệnh nhân chóng mặt, buồn nôn, đau bụng trên rốn, sau đó nôn ra máu đỏ bầm lẫn thức ăn lượng vừa. Khi đến khám tại Trung tâm Y tế TX.Long Mỹ, bệnh nhân được xử trí cấp cứu ban đầu và xét nghiệm, sau đó chuyển viện với chẩn đoán: xuất huyết tiêu hóa trên mức độ nặng, nghi do loét tá tràng tiến triển.
Bệnh nhân trước đó có phẫu thuật thủng dạ dày cách đây 10 năm, đái tháo đường, tăng huyết áp. Tại Bệnh viện đa khoa Trung ương, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa do loét tá tràng mức độ nặng, đang tiến triển. Sau khi nội soi dạ dày không tìm được vị trí chảy máu, bệnh nhân được tiến hành nội soi đại tràng.
Hình ảnh túi giả phình trước và sau khi xử lý - Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Ngày 30.3, bệnh viện tiến hành hội chẩn khẩn gồm các Khoa Nội tiêu hóa với ê kíp can thiệp nội mạch của Khoa X Quang. Tiến hành chụp DSA cho thấy bệnh nhân bị chảy máu từ túi giả phình nhánh của động mạch vị tá tràng. Nhận định tình trạng xuất huyết tiêu hóa là do giả phình mạch, tiên lượng xấu, nguy cơ đe dọa tính mạng bệnh nhân nên cần phải can thiệp nút mạch để loại bỏ túi giả phình này, vì vậy các bác sĩ đã nhanh chóng giải thích tình trạng người bệnh và tư vấn hướng điều trị.
Các bác sĩ tiến hành luồn siêu chọn lọc vi ống thông vào động mạch có túi giả phình, chụp xác định vị trí và tiến hành bơm tắc bằng keo. Kết quả chụp mạch kiểm tra thấy túi giả phình tắc hoàn toàn. Thời gian kiểm tra các mạch máu vùng ổ bụng và can thiệp khoảng 60 phút. Sau thuyên tắc, dấu hiệu sinh tồn bệnh nhân ổn định, không phải truyền bổ sung thêm máu, có thể uống được, đại tiện phân không đen và ngả vàng…
Bác sĩ CK2 - Bồ Kim Phương, Trưởng Khoa Nội tiêu hóa (Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ), cho biết: “Trước đây, với tình trạng bệnh như vậy thì phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên để cấp cứu kịp thời. Nhưng hiện nay bệnh viện đã triển khai nhiều kỹ thuật mới trong đó có kỹ thuật chụp và can thiệp mạch máu số hóa xóa nền (DSA) nên đã xử trí tại bệnh viện và cứu sống bệnh nhân, hạn chế được tình trạng di chuyển bệnh nhân, giảm nguy cơ rủi ro do diễn tiến nặng của bệnh trong lúc vận chuyển bệnh nhân”.
Thanh Hồ
Tin nổi bật
- Hội chứng ruột kích thích là bệnh khó chữa nhưng có thể kiểm soát
14/06/2024 - 10:06:25
- Người đau dạ dày có nên uống nước chanh không?
11/06/2024 - 15:20:28
- Thường xuyên ợ nóng là biểu hiệu của bệnh gì?
22/01/2024 - 11:05:39
- Cách giảm đầy hơi, chướng bụng
05/07/2023 - 16:13:34
- 6 thói quen tốt buổi sáng giúp cải thiện đường ruột
01/04/2023 - 10:23:02
- Phòng ngừa hội chứng ruột kích thích
15/02/2023 - 10:35:50