Giữ vệ sinh, tránh ăn uống chung đụng phòng vi khuẩn H.P
Vi khuẩn Helicobacter Pylori (H.P) dễ lây nhiễm trong cộng đồng do ăn uống chung đụng nên mỗi người cần có phần ăn riêng, giữ vệ sinh bát đũa, rửa sạch tay.
Vi khuẩn H.P có thể làm suy yếu lớp nhầy bảo vệ dạ dày, kích thích sản sinh nhiều axit, gây tổn thương và ăn mòn các tế bào niêm mạc, dẫn đến viêm, loét dạ dày - tá tràng, ít phổ biến hơn là ung thư dạ dày.
Bác sĩ, tiến sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết, hiện nay, nhiễm khuẩn H.P là một trong những bệnh nhiễm khuẩn phổ biến nhất ở người. H.P chủ yếu lây nhiễm từ miệng sang miệng. Vi khuẩn này có thể lây lan theo đường phân - miệng, thường xảy ra khi người bệnh rửa tay không kỹ sau khi đi vệ sinh hoặc lây lan khi tiêu thụ thực phẩm, nguồn nước bị nhiễm khuẩn.
Nếu trong nhà có người nhiễm vi khuẩn H.P dạ dày, nhiều khả năng có thể lây cho các thành viên khác. Nguyên nhân bắt nguồn từ thói quen sinh hoạt chung, dùng chung chén đĩa, bát đũa, cốc uống nước, người lớn hôn môi hoặc đút mớm cơm cho trẻ con, vệ sinh và tầm soát bệnh... chưa được chú trọng.
Vi khuẩn H.P có thể lây nhiễm chéo khi ăn chung đụng trong gia đình. Ảnh: Freepik
Vào các dịp cuối tuần, họp mặt gia đình, giao lưu ăn uống tăng cao làm tăng nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn H.P dạ dày. Tiến sĩ Khanh lưu ý mọi người cần phòng lây nhiễm bệnh để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình như sau:
Đảm bảo vệ sinh thân thể và nơi ở: Gia đình cần vệ sinh nơi ở sạch sẽ, diệt trừ chuột, ruồi muỗi. Rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn. Giữ gìn vệ sinh bát đũa sạch sẽ, tránh các dụng cụ ăn uống dùng chung trong nhà bằng nước đun sôi.
Sử dụng thực phẩm và nguồn nước sạch: Lựa chọn các thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng hoặc kiểm định chất lượng. Dùng nguồn nước sạch để chế biến thức ăn. Hạn chế tiêu thụ các thực phẩm tại các hàng quán vỉa hè. Thực hiện ăn chín, uống nước đun sôi để nguội, tránh ăn các món rau sống, nem chua, nộm, gỏi, thực phẩm chín tái... không đảm bảo vệ sinh.
Tránh ăn uống chung đụng: Không dùng chung các dụng cụ ăn uống như đũa, muỗng, thìa, dĩa, ly uống nước hoặc rượu. Mỗi thành viên nên có phần ăn riêng hoặc một chiếc muỗng sạch dùng chung cho một món ăn, nước chấm không nên dùng chung.
Đối với trẻ nhỏ: Không nhai, mớm cơm hoặc hôn môi trẻ.
Tiến sĩ Khanh cho biết, khi xâm nhập vào cơ thể, đa số người nhiễm H.P không biểu hiện triệu chứng, chỉ 20% bị đau bụng âm ỉ, nóng rát vùng thượng vị, đi ngoài phân đen hoặc nôn ra máu do biến chứng của loét dạ dày tá tràng... Một số trường hợp sự có mặt của H.P giống như một vi khuẩn cộng sinh giúp giảm béo phì, giảm hen phế quản ở trẻ em, giảm mắc viêm loét đại tràng chảy máu...
Tuy nhiên, bệnh vẫn có yếu tố diễn biến nặng ở những người có tổn thương loét dạ dày tá tràng hoặc nguy cơ ung thư dạ dày, tiền sử gia đình có người bị ung thư dạ dày.
"Tình trạng đề kháng kháng sinh của H.P ngày càng gia tăng nhanh và phức tạp. Ngay cả khi không xuất hiện triệu chứng và biến chứng, nhiễm khuẩn H.P cũng được xem là một bệnh nhiễm trùng cần được theo dõi và kiểm soát, không nên chủ quan. Đối tượng trẻ nhỏ, điều trị nhiễm khuẩn H.P còn nhiều thách thức do cần cân nhắc có nên điều trị vi khuẩn H.P không hay chỉ điều trị triệu chứng", tiến sĩ Khanh nói thêm.
Tin nổi bật
- Hội chứng ruột kích thích là bệnh khó chữa nhưng có thể kiểm soát
14/06/2024 - 10:06:25
- Người đau dạ dày có nên uống nước chanh không?
11/06/2024 - 15:20:28
- Thường xuyên ợ nóng là biểu hiệu của bệnh gì?
22/01/2024 - 11:05:39
- Cách giảm đầy hơi, chướng bụng
05/07/2023 - 16:13:34
- 6 thói quen tốt buổi sáng giúp cải thiện đường ruột
01/04/2023 - 10:23:02
- Phòng ngừa hội chứng ruột kích thích
15/02/2023 - 10:35:50