Từ đầu năm đến nay, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc của Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang đã tiếp nhận hơn 20 ca ngộ độc thuốc diệt cỏ Paraquat.
Điều trị cho bệnh nhân ngộ độc Paraquat tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang
ẢNH THANH YẾN
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, Paraquat là loại thuốc diệt cỏ cực độc, sau khi uống sẽ có các triệu chứng: đau rát, loét miệng họng, đau bụng thượng vị, khó thở tăng dần… Khi vào cơ thể hoạt chất này tiếp tục gây tổn thương tất cả các cơ quan như đường tiêu hóa, suy thận tăng dần, nghiêm trọng nhất là tổn thương phổi, sau đó xơ phổi tiến triển nặng dần và không hồi phục. Người bệnh chết do suy hô hấp, suy gan, suy thận, suy đa tạng.
Vừa qua, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Việt Nam đã ban hành Quyết định số 278/QĐ-BNN-BVTV (ngày 8.2.2017) về việc loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật chứa Paraquat ra khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn xảy ra khá nhiều trường hợp ngộ độc nặng do hóa chất này, trong khi vẫn chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị cho các ca ngộ độc thuốc diệt cỏ Paraquat.
Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang, khuyến cáo người dân tuyệt đối không nên uống và lưu trữ thuốc diệt cỏ Paraquat. Bởi uống loại thuốc bảo vệ thực vật này này từ 5 ml trở lên sẽ không thể cứu chữa, có thể gây tử vong. Khi có người trót uống loại thuốc diệt cỏ cực độc này, gia đình cần đưa ngay tới các cơ sở y tế, không nên nghe theo các lời cò mồi mua các loại “thuốc thảo dược” để cứu người bệnh.
Các bác sĩ cũng lưu ý, gần đây tại cửa Khoa Hồi sức tích cực & Chống độc của Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang có hiện tượng các cò mồi mời chào các gia đình có người nhà uống thuốc diệt cỏ Paraquat mua thuốc thảo dược không rõ nguồn gốc (thường đựng trong can 5 lít màu vàng hoặc màu trắng) với giá 5 triệu đồng/can, để chữa ngộ độc thuốc diệt cỏ Paraquat. Đã có một số gia đình mua từ 1 - 3 can cho người bệnh uống nhưng bệnh nhân vẫn tử vong.
"Người dân tuyệt đối không nên mua để tránh trường hợp “tiền mất - tật mang”, bác sĩ Anh Tuấn khuyến cáo.
Nam Sơn