5 tiếng căng thẳng cứu người đàn ông ho gần nửa lít máu mỗi lần
ThS.BS Nguyễn Viết Nghĩa, Phó Trưởng khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, đơn vị vừa cấp cứu thành công một trường hợp ho ra máu kéo dài, có lúc khoảng 300 - 500 ml/máu mỗi lần.
Bệnh nhân tên Võ Tá N. (61 tuổi, Đức Phú, Thạch Trung, Hà Tĩnh, có tiền sử điều trị lao phổi, nghiện rượu nhiều năm, bị xơ gan lách to và từng phải điều trị giãn vỡ tĩnh mạch thực quản.
Khoảng một tuần gần đây, người bệnh bắt đầu xuất hiện ho ra máu nhiều lần, mỗi lần khoảng 20ml. Do lượng máu ho ra ngày càng nhiều, bệnh nhân đã được bệnh viện tuyến tỉnh chuyển lên Bệnh viện Phổi Trung ương điều trị.
Khi tiếp nhận trường hợp trên, các bác sĩ đã tiến hành xét nghiệm, chẩn đoán nguyên nhân ho ra máu nặng là do bệnh u nấm thùy trên phổi phải, phình động mạch phổi, xơ gan.
Sau khi theo dõi tại viện một vài ngày, người bệnh đột ngột diễn biến nặng hơn, ho ra máu mỗi lần 300 - 500ml, dẫn tới thiếu máu nặng, rối loạn đông - cầm máu. Xác định tình trạng rất nguy kịch, các bác sĩ đã hội chẩn, cho truyền máu và lập tức đưa bệnh nhân vào phòng mổ, vừa hồi sức vừa gây mê để mổ cấp cứu cắt thùy trên phổi phải.
Quá trình phẫu thuật khẩn cấp là “cuộc chiến” căng thẳng từng phút để giành giật sinh mạng cho bệnh nhân từ tay “tử thần”.
Ngay từ khi bắt đầu phẫu thuật, người bệnh đã được cô lập phổi bệnh, thông khí phổi lành. Tuy nhiên, máu từ lá phổi bệnh vẫn tiếp tục chảy, 1500ml máu liên tục được hút ra ngoài qua ống nội khí quản. Khi thực hiện phẫu thuật màng phổi, bóc tách cuống phổi, người bệnh tiếp tục mất thêm khoảng 1600ml máu nữa.
Máu ngập tràn đường thở khiến kíp mổ phải khẩn trương đặt nội khí quản, cô lập phổi, khai thông, bơm rửa, hút máu ra ngoài. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng phải xử lý tổn thương nấm sau lao phổi cho người bệnh. Tổn thương này dính chặt vào thành ngực và các mạch máu lớn làm mạch phình vỡ, khiến lượng máu đáng kể tiếp tục chảy.
Bệnh nhân N. đang được tiếp tục điều trị tại Bệnh viện Phổi Trung ương - Ảnh: BVCC |
Bs.CKII Khiếu Mạnh Cường, khoa Phẫu thuật Lồng ngực, Bệnh viện Phổi Trung ương chia sẻ: “Chúng tôi chưa từng thực hiện một ca phẫu thuật nào phức tạp, có tình trạng người bệnh rối loạn đông – cầm máu nặng như thế”.
Cuối cùng, sau gần 5 tiếng, ca phẫu thuật đã thành công. Bác sĩ Cường nhấn mạnh, ca mổ thành công nhờ sự kết hợp chặt chẽ giữa kỹ thuật gây mê và kỹ thuật phẫu thuật tiên tiến.
Các bác sĩ cho hay, đối với trường hợp bị phình mạch phổi như ông N., người bệnh tốt nhất nên phẫu thuật sớm để giảm thiểu các nguy cơ tử vong.
Nguyễn Liên
Link nguồn:
Theo vietnamnet.vn
Tin nổi bật
- Viêm mũi dị ứng mùa xuân
16/02/2024 - 09:54:59
- Viêm phổi ở trẻ có triệu chứng gì?
02/02/2024 - 15:16:09
- Các loại viêm xoang thường gặp và triệu chứng
15/01/2024 - 09:59:00
- Dấu hiệu nhận biết khi trẻ bị viêm tiểu phế quản
03/07/2023 - 11:50:42
- Biểu hiện bệnh suy hô hấp mạn tính
26/06/2023 - 11:59:13
- Ngạt mũi liên tục gây khó thở, khó ngủ: nguyên nhân và cách điều trị
18/04/2023 - 10:06:25