Những quan điểm trái ngược trong chỉ định sử dụng một số thuốc!
Hiện nay, y học có các quan điểm trái ngược nhau về chỉ định sử dụng một số loại thuốc, dẫn đến những tranh luận giữa các nhà chuyên môn về việc dùng thuốc như thế nào?
Aspirin
Aspirin (có tên hoạt chất là acid acetylsalicylic) đã được công ty dược phẩm của Đức tiến hành nghiên cứu từ năm 1897, và hai năm sau (1989), chính thức được đưa vào sử dụng.Hơn 100 năm qua, aspirin là thuốc mang lại hiệu quả cao trong điều trị giảm đau, hạ sốt khi được sử dụng ở liều cao (325 hay 500mg).
Ngoài công dụng giảm đau - hạ sốt, aspirin còn có khả năng chống kết dính tiểu cầu, ngăn ngừa hình thành huyết khối. Hiện nay, aspirin ngày càng được sử dụng nhiều trong phòng ngừa các bệnh tim mạch khi sử dụng ở liều thấp (75 hay 81mg).
Các bệnh lý tim mạch (nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực, đột quỵ…) với sự hình thành các mảng xơ vữa và huyết khối trong mạch máu, làm tắc nghẽn sự lưu thông máu đến tim và não, là nguyên nhân gây ra tỷ lệ tử vong hàng đầu trên thế giới.
Nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy: khi uống một viên thuốc aspirin mỗi ngày với hàm lượng thấp, có thể làm giảm đến 1/3 nguy cơ nhồi máu cơ tim và 1/4 nguy cơ đột quỵ.
Từ đó, một số nhà khoa học cho rằng: nên sử dụng aspirin ở liều thấp cho tất cả mọi người, để phòng ngừa các bệnh lý tim mạch và giúp làm giảm tỷ lệ tử vong do các bệnh này gây ra!
Nhưng cũng có quan điểm ngược lại: không nên sử dụng aspirin để phòng ngửa các bệnh tim mạch, vì lo ngại các tác dụng phụ của aspirin có thể gây ra những nguy cơ cho người sử dụng:
- Xuất huyết đường tiêu hóa ở dạ dày hay ruột, là một tác dụng phụ thường gặp, chiếm tỷ lệ 10% khi sử dụng thuốc aspirin trong một thời gian dài!
- Khởi phát cơn khó thở do co thắt phế quản ở người có tiền sử hen phế quản.
- Dị ứng aspirin với các triệu chứng nổi mề đay, phù nề thanh quản, sốc phản vệ
Đây là những tác dụng phụ nguy hiểm, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể gây ra tử vong.
Hiện nay cân nhắc giữa lợi ích và tác hại, aspirin liều thấp chỉ được chỉ định trong phòng ngừa tái phát ở những người có tiền sử bị nhồi máu cơ tim hay đột quỵ!
Nhóm thuốc statin
Nhóm thuốc statin (lovastatin, atorvastatin, simvastatin…) là những thuốc làm giảm cholesterol trong máu.Và là một trong những loại thuốc đang được sử dụng ngày càng nhiều trên thế giới.
Nhóm thuốc statin có tác dụng làm giảm LDL cholesterol (một loại cholesterol xấu) và làm tăng HDL cholesterol (một loại cholesterol tốt) trong máu. Sự gia tăng LDL cholesterol sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành các mảng xơ vữa động mạch, là nguyên nhân gây ra các bệnh lý tim mạch (nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực, đột quỵ…) dẫn đến tử vong!
Tương tự như aspirin, việc sử dụng nhóm thuốc statin đã có hai quan điểm trái ngược nhau:
Một số nhà khoa học đề nghị nên sử dụng nhóm thuốc statin để phòng ngừa sự gia tăng cholesterol trong máu và sự hình thành các mảng xơ vữa động mạch, đặc biệt là với những người có nguy cơ cao >50 tuổi.
Một số khác có quan điểm cho rằng: do nhóm thuốc statin gây ra những tác dụng phụ ảnh hưởng đến người sử dụng như gia tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường týp 2, gây mệt mỏi, buồn nôn,… và nghiêm trọng là tác dụng phụ gây viêm cơ, tiêu cơ vân, tuy hiếm xảy ra nhưng có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
Một lối sống tăng cường tập luyện thể dục thể thao, chế độ dinh dưỡng nhiều rau quả, hạn chế chất béo… là phương pháp tốt nhất để phòng ngừa sự gia tăng lượng mỡ trong máu và các bệnh lý tim mạch, nhưng không gây ra các tác dụng phụ.
Hiện nay, nhóm thuốc statin được chỉ định điều trị các bệnh lý do tăng cholesterol trong máu như bệnh xơ vữa động mạch, bệnh động mạch vành…Các thuốc này phải được sự chỉ định và theo dõi chặt chẽ của thầy thuốc trong quá trình điều trị.
Vitamin
Hiện nay, các loại thuốc vitamin đang được quảng cáo rất nhiều trên các phương tiện truyền thông, với đủ loại thành phần và công dụng khác nhau. Các thuốc vitamin cũng là một trong những loại thuốc với mức tiêu thụ ngày càng gia tăng trên thế giới!
Vitamin là những chất vô cùng thiết yếu trong cơ thể.Tuy nhu cầu cơ thể chỉ chiếm một số lượng ít, nhưng các vitamin đóng vai trò xúc tác trong các phản ứng sinh hóa và tham gia nhiều chức năng sinh học quan trọng trong cơ thể.
Do cơ thể không tự sản sinh ra, nên hầu hết các vitamin được cung cấp cho cơ thể chủ yếu qua nguồn thực phẩm và thuốc bổ sung vitamin (supplement). Trong thành phần thuốc bổ sung vitamin, có thể chứa nhiều loại vitamin nên còn được gọi là viên thuốc đa sinh tố (multivitamin).
Có hai quan điểm trái ngược nhau trong việc bổ sung vitamin cho cơ thể:
- Một số nhà khoa học cho rằng nên cần thiết bổ sung vitamin cho cơ thể mỗi ngày, để giúp nâng cao sức đề kháng của cơ thể, phòng chống bệnh tật và ngăn chận quá trình lão hóa.
- Một số ý kiến khác cho rằng: nếu chế độ dinh dưỡng tốt, cơ thể chúng ta đã được cung cấp đầy đủ các vitamin mà không cần thiết phải bổ sung vitamin!
Mặt khác, khi bổ sung vitamin cho cơ thể cũng cần phải hết sức thận trọng, đặc biệt là ở dạng thuốc tiêm, vì có thể gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm.
Hiện nay, việc bổ sung vitamin thường được chỉ định trong các trường hợp nhu cầu vitamin tăng cao do bệnh tật, người già yếu, phụ nữ có thai….. hay chế độ dinh dưỡng không cung cấp đủ vitamin cho cơ thể.
Theo DS. Mai Xuân Dũng/Sức Khỏe Đời Sống
Tin nổi bật
- Dùng thuốc tránh thai dạng viên gây tăng cân, cách nào khắc phục?
13/10/2022 - 09:30:31
- Cảm lạnh thông thường và bệnh cúm, phân biệt thế nào để dùng thuốc hiệu quả?
04/10/2022 - 09:35:50
- Cảnh giác nguy cơ tự tử khi dùng thuốc trị tăng động giảm chú ý
04/10/2022 - 09:29:49
- 12 tác dụng phụ do hóa chất điều trị ung thư và cách xử trí
03/10/2022 - 09:26:49
- Bỏ ngay 10 thói quen xấu này vì nó gây hại cho bạn
29/01/2021 - 15:36:43
- Lưu ý dùng thuốc khi cảm lạnh
28/01/2021 - 14:48:48