Những loại thuốc khi sử dụng với rượu bia sẽ đe dọa tính mạng
Rượu bia được coi như một chất cồn độc hại cho cơ thể và khi lạm dụng hay dùng không đúng cách có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Tác hại của việc uống bia rượu trong khi sử dụng thuốc
Rượu bia thường gây tương tác có hại với thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn (OTC) và thậm chí một số loại dược thảo. Rượu bia ức chế hệ thần kinh trung ương, hại gan, dạ dày… Vì vậy, có nhiều thuốc không được uống khi đã sử dụng rượu bia. Bởi khi dùng thuốc mà uống rượu bia sẽ khiến tác hại của rượu bia tăng lên gấp nhiều lần, hoặc làm cho tác dụng của thuốc gây ra những hậu quả rất nguy hiểm cho cơ thể.
Tương tác thuốc với rượu bia có thể gây ra các vấn đề như: buồn nôn và ói mửa; nhức đầu; buồn ngủ; chóng mặt; ngất xỉu; những thay đổi huyết áp; hành vi bất thường; mất phối hợp; tai nạn. Dùng chung rượu bia và thuốc cũng có thể làm tăng nguy cơ các biến chứng như: tổn thương gan; vấn đề tim mạch; xuất huyết nội; suy hô hấp; trầm cảm...
Trong một số trường hợp, tương tác rượu bia và thuốc có thể làm giảm hiệu quả của thuốc hoặc làm cho thuốc không có tác dụng gì, thậm chí gây độc cho cơ thể. Ngay cả với một lượng nhỏ, rượu bia cũng có thể làm tăng tác dụng phụ của thuốc như buồn ngủ, choáng váng, gây trở ngại cho sự tập trung và khả năng vận hành máy móc hay lái xe và dẫn đến tai nạn nghiêm trọng.
Đối với người lớn tuổi, khi sử dụng rượu bia có thể làm tăng nguy cơ té ngã, chấn thương, có thể để lại hậu quả tàn tật suốt đời, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Uống rượu bia cũng có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh mạn tính sẵn có của bệnh tim mạch như bệnh mạch vành, tăng huyết áp và bệnh chuyển hóa như cholesterol máu cao, bệnh gút, đái tháo đường…
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet
Những loại thuốc tuyệt đối không nên sử dụng cùng rượu bia
Các thuốc chống viêm không steroid
Khi bạn sử dụng lâu dài các thuốc chống viêm không steroid, bao gồm cả thuốc không kê đơn (OTC), chẳng hạn thuốc giảm đau như ibuprofen và naproxen có thể làm tăng nguy cơ chảy máu và loét dạ dày. Nếu dùng cùng rượu bia có thể làm cho những tác dụng phụ nặng nề hơn. Hay thuốc acetaminophen có thể ảnh hưởng trực tiếp đến gan và nếu uống thêm rượu bia sẽ khiến gan phải đối diện với nguy cơ bị tổn thương cao.
Thuốc kháng sinh
Ảnh minh họa
Khi kê đơn thuốc kháng sinh, đặc biệt là metronidazole, tinidazole và trimethoprim - sulfamethoxazole, cephalosporin bác sĩ thường khuyến cáo bạn không được uống rượu bia vì rượu có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Nguyên nhân là do những loại thuốc này có chứa các enzyme có tác dụng với rượu bia, có thể gây ra đau đầu, nóng đỏ mặt, tim đập nhanh, buồn nôn... Bạn có thể uống khi đã dùng liều thuốc kháng sinh cuối cùng sau 72 giờ hay khi cơ thể được chữa khỏi bệnh vì khi phải dùng kháng sinh là cơ thể bạn đang phải chiến đầu với một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính.
TS. Ferrara - Trường ĐH Columbia cho biết, uống rượu bia còn làm tăng men gan trong khi gan có nhiệm vụ chuyển hóa kháng sinh. Do đó, rượu bia sẽ làm giảm tác dụng của kháng sinh. Uống rượu bia khi đang dùng thuốc kháng sinh cũng làm người dùng say nhanh hơn, do rượu bia làm cơ thể mất nước, khiến lượng cồn trong máu cao hơn bình thường.
Thuốc dị ứng và cảm lạnh
Thuốc dị ứng không kê đơn như benadryl và zyrtec chứa thành phần kháng histamin, một chất có thể gây buồn ngủ quá mức và có thể đặt bạn vào nguy cơ nguy hiểm nếu bạn đang lái xe hay vận hành máy móc thiết bị. Nguy cơ này sẽ tăng lên nếu bạn vừa sử dụng thuốc dị ứng vừa uống rượu bia. Ngay cả các loại thuốc kháng histamine được quảng cáo là không gây buồn ngủ (như claritin và allegra ) vẫn có thể gây buồn ngủ ở một số người, đặc biệt là khi kết hợp với rượu bia.
Thuốc kháng histamine cũng được sử dụng trong một số loại thuốc cảm lạnh và cảm cúm như nyquil, một số thuốc hỗ trợ giấc ngủ ban đêm không được dùng chung với rượu bia. Nếu vì một lý do nào đó khi đang dùng một trong những loại thuốc này mà bạn buộc phải uống rượu bia thì nên uống một lượng vừa phải, và không phải lái xe.
Thuốc chống trầm cảm
Cũng giống như thuốc ngủ, thuốc chống trầm cảm có thể gây ra buồn ngủ, chóng mặt và tình trạng này có thể tăng nặng khi người bệnh uống rượu bia khiến người dùng đối diện với nguy cơ chấn thương cao như té ngã hay tai nạn xe. Bên cạnh đó, rượu bia có thể gây ra hiện tượng lưu trữ và làm bệnh trầm cảm tiềm ẩn tồi tệ hơn.
Ngoài ra, người bệnh cần chú ý một loại thuốc ức chế oxidase chống trầm cảm - có thể gây ra vấn đề về tim mạch và huyết áp cao, thậm chí tử vong khi kết hợp với rượu bia. Do vậy, nếu bạn dùng loại thuốc này thì nên tránh uống rượu bia hoàn toàn.
Thuốc ngủ
Rượu bia làm cho tác dụng của thuốc ngủ, cả thuốc kê đơn và không kê đơn phát huy tác dụng mạnh mẽ hơn. Đây không phải là một điều tốt vì đồ uống này có thể gây buồn ngủ, chóng mặt và làm chậm hơi thở khi dùng với thuốc an thần. Ngoài ra, rượu bia có thể còn làm cho bạn ngủ kéo dài hay gấp đôi lượng thời gian của thuốc an thần, thậm chí làm giảm tác dụng của thuốc dù bạn dùng chỉ với một lượng nhỏ. Đặc biệt, thuốc chống lo âu có tác dụng an thần như Xanax.
Thuốc hạ huyết áp và cholesterol
Những người đang dùng thuốc trị bệnh tim mạch như tăng huyết áp, tăng mỡ máu nên thận trọng về việc này hơn ai hết. Dược sĩ lâm sàng Megan Rech tại Trung tâm Y khoa Đại học Loyola cho biết, thuốc dùng điều trị bệnh cao huyết áp bằng cách làm giảm huyết áp nhưng rượu bia có thể có tác dụng phụ và làm cho huyết áp xuống quá thấp gây chóng mặt hoặc ngất xỉu. Còn thuốc hạ cholesterol được chuyển hóa ở gan nên nếu bạn uống rượu bia thường xuyên hoặc quá mức thì dễ dẫn đến tổn thương gan và chảy máu dạ dày.
T.H
Tin nổi bật
- Dùng thuốc tránh thai dạng viên gây tăng cân, cách nào khắc phục?
13/10/2022 - 09:30:31
- Cảm lạnh thông thường và bệnh cúm, phân biệt thế nào để dùng thuốc hiệu quả?
04/10/2022 - 09:35:50
- Cảnh giác nguy cơ tự tử khi dùng thuốc trị tăng động giảm chú ý
04/10/2022 - 09:29:49
- 12 tác dụng phụ do hóa chất điều trị ung thư và cách xử trí
03/10/2022 - 09:26:49
- Bỏ ngay 10 thói quen xấu này vì nó gây hại cho bạn
29/01/2021 - 15:36:43
- Lưu ý dùng thuốc khi cảm lạnh
28/01/2021 - 14:48:48