Xử trí kịp thời bệnh nhân nhiễm toan ceton nặng do đái tháo đường
Khoa Nội Tiêu hóa-Gan mật-Nội tiết – Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng (BVHMĐN) cho biết vừa xử trí cấp cứu và điều trị thành công một trường hợp đái tháo đường typ 1 có biến chứng nhiễm toan ceton nặng.
Theo đó, vào ngày 6/6, anh B.Q.T (30 tuổi, trú Đà Nẵng) nhập viện cấp cứu trong tình trạng choáng, tri giác suy giảm, trướng bụng, khó thở, mệt, nôn mửa nhiều lần. Với những triệu chứng ban đầu, các bác sĩ nghi ngờ anh T. bị viêm ruột cấp hoặc viêm tụy cấp.
Tuy nhiên, qua thăm khám cũng như kết quả xét nghiệm cho thấy anh T. có hàm lượng đường trong máu rất cao (định lượng Glucose lên đến 37.95 mmol/L trong khi trị số bình thường từ 3.88-5.55 mmol/L). Các kết quả kiểm tra thêm sau đó phát hiện rối loạn rất nhiều chức năng của cơ thể: cô đặc máu, máu bị tình trạng acid hóa (toan hóa) nặng, suy thận, rối loạn điện giải.
Điều đặc biệt chính là anh T. chưa từng có tiền sử bệnh lý gì trước đây, chính vì vậy khi bệnh khởi phát cấp rất dễ gây ra chẩn đoán muộn. Nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời người bệnh có thể rơi vào tình trạng hôn mê và tử vong.
Các bác sĩ khoa Nội Tiêu hóa-Gan mật-Nội tiết BVHMĐN đã nhanh chóng chẩn đoán anh T. đang mắc tình trạng nhiễm toan ceton nặng do bệnh đái tháo đường và xử trí tích cực tình trạng toan hóa máu cũng như các rối loạn chức năng khác của cơ thể theo đúng phác đồ điều trị chuyên khoa.
Hiện anh T. đã qua cơn nguy hiểm, chỉ số xét nghiệm đường huyết và các chức năng khác của cơ thể đã trở về giá trị bình thường và dự kiến anh T. sẽ xuất viện trong một vài ngày tới.
Bác sĩ chuyên khoa đang thăm khám cho anh T.
Theo Ths Bs Nguyễn Anh Tuyến, Trưởng khoa Nội Tiêu hóa-Gan mật-Nội tiết, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng cho biết: "Nhiễm toan ceton là một trong các biến chứng cấp tính rất nghiêm trọng, có thể gây tử vong nhanh chóng cho bệnh nhân Đái tháo đường typ 1. Cơ chế ở đây là Insulin đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp đường (glucose) - nguồn năng lượng chính cho cơ bắp và các mô khác - đi vào tế bào cơ thể. Không có đủ insulin, cơ thể bắt đầu phân hủy chất béo làm nhiên liệu. Quá trình này tạo ra sự tích tụ axit trong máu gọi là ceton, cuối cùng dẫn đến nhiễm toan ceton do đái tháo đường nếu không được điều trị".
Các dấu hiệu và triệu chứng nhiễm toan ceton thường tiến triển nhanh chóng, đôi khi trong vòng 24 giờ. Đối với một số người, các dấu hiệu và triệu chứng này có thể là dấu hiệu đầu tiên của bệnh lý đái tháo đường (như đúng với trường hợp bệnh nhân này). Các dấu hiệu và triệu chứng nên chú ý đó là: khát nước quá mức, tiểu thường xuyên, buồn nôn và nôn, đau bụng, cảm giác mệt nhiều, khó thở, hơi thở có mùi trái cây (mùi táo), tri giác rối loạn.
Vì vậy, mọi người nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bệnh lý đái tháo đường. Đối với bệnh nhân đang điều trị bệnh đái tháo đường mà cảm thấy mệt mỏi, stress, xuất hiện bệnh lý khác hoặc có chấn thương gần đây, hãy kiểm tra thường xuyên lượng đường trong máu. Nếu lượng đường trong máu cao hơn 300 mg/dl (~16.7 mmol/l) hoặc phát hiện có ceton trong nước tiểu bằng bộ xét nghiệm tại nhà mà không thể tự mình đến bệnh viện, hãy liên hệ với các trung tâm cấp cứu gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.
"Hãy luôn nhớ rằng, nhiễm toan ceton do đái tháo đường không được điều trị có thể gây tử vong", Ths Bs Nguyễn Anh Tuyến cho hay.
Đ.Hoàng
Tin nổi bật
- Hội chứng ruột kích thích là bệnh khó chữa nhưng có thể kiểm soát
14/06/2024 - 10:06:25
- Người đau dạ dày có nên uống nước chanh không?
11/06/2024 - 15:20:28
- Thường xuyên ợ nóng là biểu hiệu của bệnh gì?
22/01/2024 - 11:05:39
- Cách giảm đầy hơi, chướng bụng
05/07/2023 - 16:13:34
- 6 thói quen tốt buổi sáng giúp cải thiện đường ruột
01/04/2023 - 10:23:02
- Phòng ngừa hội chứng ruột kích thích
15/02/2023 - 10:35:50